Xoay xở vận hành doanh nghiệp mùa dịch Covid-19

00:00 12/10/2020

Tuỳ vào đặc thù loại hình doanh nghiệp, lãnh đạo các công ty đã lựa chọn cách thức vận hành trong mùa dịch Covid-19. Trong đó, hình thức làm việc từ xa đang dần trở nên phổ biến.

 Nhiều doanh nghiệp làm việc qua các kênh trực tuyến trong mùa dịch Covid-19. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Là một giáo viên tự do dạy tiếng Anh tại một số trung tâm ngoại ngữ ở Hà Nội, mỗi tháng chị P. (Hà Nội) có thu nhập trung bình khoảng 20 triệu đồng từ việc dạy học vào những ngày bình thường. Thế nhưng từ khi nghỉ Tết đến nay, chị đã phải tìm thêm một số công việc khác liên quan đến dịch thuật, viết lách… vì suốt gần hai tháng, trung tâm tiếng Anh nơi chị dạy vẫn chưa thể mở lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Dù không lên lớp nhưng chị P. vẫn nắm được rất sát sao tình hình học viên nhờ duy trì việc làm bài tập và thực hành kỹ năng tiếng Anh cho học sinh trên các nhóm facebook, mặc dù không được trả công cho việc này. Chị P. tâm sự: “Tôi sẽ sớm không còn nhiệt huyết và năng lượng để giúp học sinh của mình nếu tiếp tục không có một đồng thu nhập nào từ việc dạy học”.

Đến ngày 9/3, chị vui mừng khi trung tâm có thông báo sẽ áp dụng hình thức giảng dạy và học tập trực tuyến kể từ tuần này đối với toàn trung tâm để vừa đảm bảo an toàn trong mùa dịch, vừa duy trì được việc học cho học viên. Điều khiến chị vui hơn là dù không phải mất hàng tiếng đồng hồ cho việc đi lại, dù ở nhà làm việc qua kênh trực tuyến nhưng mức lương mà chị và các giáo viên khác được trả vẫn không hề giảm đi.

Chị P. cho rằng điều này quả thực may mắn khi vừa qua, hàng trăm đơn vị giáo dục ngoài công lập đã ký tên trong đơn thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ trước nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài, bao gồm cả những trung tâm lớn như Apolo Việt Nam, Equest, Apax…

Là người làm nghề tự do, đã quá quen với các hình thức làm việc trực tuyến và duy trì tương tác với học sinh đều đặn nên dường như chị không bị “làm khó”. Tuy nhiên, các giáo viên khác phải mất khá nhiều thời gian để làm quen với các ứng dụng làm việc từ xa, phải “cân não” làm sao để tương tác cho hiệu quả.

Quả thực, làm việc từ xa, với các doanh nghiệp từ lâu đã thường xuyên làm việc, hội họp thông qua các kênh trực tuyến trong mùa dịch Covid-19, cũng không mấy khó khăn. 

Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử có trụ sở ở Hà Nội cũng đã quyết định cho toàn bộ nhân sự làm tại nhà. Song, vẫn có những nhân viên muốn lên công ty làm việc nên công ty này đã chấp nhận cho một số nhân viên có nguyện vọng đến làm việc ở công ty, nhưng giới hạn một ngày năm người, đăng ký lịch làm việc trước theo đơn để công ty cân nhắc sắp xếp.

Tuy nhiên do đặc thù, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể cho toàn bộ nhân viên làm việc ở nhà. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp kể từ khi Việt Nam có thêm ca nhiễm mới từ ngày 6/3, ban lãnh đạo Công ty CP sách MCBooks đã cho chuẩn bị đầy đủ các biện pháp để cán bộ nhân viên đi làm được an toàn. 

Nhưng vì không yên tâm nên 0h30 sáng ngày thứ Hai (9/3), ban lãnh đạo đã đưa ra thông báo cho nhân viên làm ở nhà. Tuy nhiên do đặc thù, vẫn phải có một bộ phận là kho vận phải đi làm để luôn đảm bảo giao hàng cho khách hàng một cách tốt nhất.

Abivin, một công ty khởi nghiệp chuyên cung cấp phần mềm quản lý vận tải tối ưu thì cho 20% nhân sự làm việc tại nhà để phòng trường hợp xấu nhất là có người nhiễm virus Covid-19 khiến cả công ty bị cách ly thì công ty vẫn vận hành tiếp được. Ban lãnh đạo cũng được tách ra, phó giám đốc làm việc tại nhà. Những nhân sự làm việc từ xa có nhóm trao đổi riêng để điểm danh, dùng phần mềm quản lý công việc Asana để cập nhật công việc và tiến độ dự án.

Anh H. là cán bộ truyền thông nội bộ cho một công ty khác ở Hà Nội cho biết, trước tình hình dịch bệnh, 100% nhân sự đều làm việc tại công ty đến 10h đêm để ứng phó với bài toán doanh thu sụt giảm. Theo suy nghĩ của HĐQT công ty này, điểm mạnh của doanh nghiệp là chốt khách thông qua tương tác trực tiếp nhưng nay do dịch bệnh, khách hàng ngại di chuyển nên toàn bộ nhân sự sẽ tích cực làm thêm và chuyển hướng sang tương tác với khách hàng qua điện thoại, đẩy mạng truyền thông online. Công ty này vẫn giữ nguyên chế độ lương và thưởng cho nhân viên khi làm thêm giờ.

Với các doanh nghiệp vẫn có nhân sự đến cơ quan làm việc bình thường, đa phần đều chuẩn bị rất đầy đủ các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa ở mức cao nhất.

Ở, các văn phòng của Công ty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY), các biện pháp được thực hiện để đảm bảo an toàn cho cán bộ nhân viên như đo thân nhiệt, phun khử trùng, bỏ chấm công, trang bị khẩu trang cho nhân viên và bắt buộc đeo toàn thời gian, xây dựng phương án làm việc trực tuyến cho một số phòng ban ít phải di chuyển, trang bị các thực phẩm chức năng tăng đề kháng cho từng cán bộ nhân viên. Và đặc biệt, công ty này đã thành lập một ban tạm gọi là “phản ứng nhanh” có cả lãnh đạo tham gia để nắm được thông tin chi tiết sức khỏe ở các bộ phận trong công ty.

Có nơi đo nhiệt, sát khuẩn liên tục với 100% người ra vào toà nhà. Ngoài khẩu trang thì còn phát nước rửa tay cho cán bộ nhân viên và yêu cầu mỗi ngày rửa tay tối thiểu 6 lần, yêu cầu không ra vào các khu vực của những công ty khác trong cùng toà nhà. Nhiều công ty còn khuyến khích và trực tiếp làm các biện pháp làm sạch không gian văn phòng.

Đối với việc chấm công, thay vì chấm công bằng vân tay thì nhiều đơn vị áp dụng chấm công thủ công bằng danh sách hoặc nhận diện khuôn mặt. Trong các trường hợp không thể họp trực tuyến thì hạn chế người tham gia trong phòng họp, mỗi người ngồi cách nhau hai mét và đeo khẩu trang. Điều quan trọng không kém là các công ty liên tục cập nhật thông tin chuẩn về tình hình dịch trên nhóm facebook nội bộ, email…

Như ở Tập đoàn FPT, ngoài các biện pháp khuyến cáo từ Bộ Y tế, doanh nghiệp này còn thành lập ban xử lý nhanh; lên phương án kịch bản, bao gồm cả kịch bản về lương thưởng chế độ cho cán bộ nhân viên vùng dịch. Việc điểm danh vẫn bằng ứng dụng di động như từ năm ngoái, sớm thiết lập khai báo sức khoẻ cho toàn tập đoàn…

Làm việc từ xa dường như là một lựa chọn rất hợp lý và tối ưu đối với nhân sự khối văn phòng trong mùa dịch này. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng của Covid-19 khiến doanh thu sụt giảm nặng nề nên nhiều doanh nghiệp đã buộc phải áp dụng chính sách cắt giảm nhân sự, giảm lương, giảm giờ làm.

Thực trạng này thấy rõ nhất tại các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ hàng không, nhà hàng, khách sạn vốn dĩ có hoạt động quan trọng nhất là tương tác trực tiếp giữa người với người. Nguồn thu không có mà vẫn phải trả phí để duy trì, nhiều nhà hàng, khách sạn quyết định cắt giảm nhân sự.

Một nhà hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) vào buổi trưa ngày đầu tuần 9/3 chỉ có một nhân viên phục vụ và một đầu bếp tiếp đúng một vị khách. Hàng loạt các cửa hiệu, nhà hàng ở những nơi vốn dĩ đông đúc như phố Cổ, Chùa Bộc,…đều đóng cửa tạm dừng hoạt động. Trên Facebook, xuất hiện nhiều bài viết đăng thông tin chuyển nhượng cửa hàng.

Quỳnh Chi