Tương lai nào đang chờ điện thoại di động?

00:00 12/10/2020

Từ eSIM, công nghệ nhận diện bằng bộ cảm biến vân tay dưới màn hình cho đến màn hình gập và camera đa ống kính, chiếc điện thoại của tương lai được kỳ vọng sẽ thêm thân thiện và đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày một đa dạng của người tiêu dùng.

Nguyên mẫu loa thông minh của Energous đóng vai trò như bộ phát, có thể truyền năng lượng qua tần số âm thanh tới các thiết bị.

Những người thường ra nước ngoài không khỏi quen thuộc với kịch bản này: Sau khi làm xong thủ tục hải quan và lấy hành lý, họ tìm kiếm các gian hàng viễn thông gần đó để hỏi thăm về các gói dữ liệu tốt nhất hiện có. Khi chọn gói dữ liệu phù hợp, một nhân viên bán hàng thân thiện sẽ thay thẻ SIM hiện có trong điện thoại bằng phiên bản địa phương.

Thẻ SIM nhúng - eSIM

Dù vậy, trong tương lai, họ có thể không cần phải bận tâm về sự chuyển đổi thẻ SIM hoặc thực hiện quá trình này chỉ bằng cách quét mã QR. Đây là những gì loại thẻ SIM nhúng (eSIM) thế hệ mới được kỳ vọng mang lại. Về cơ bản, thẻ SIM chứa thông tin xác thực danh tính của người sử dụng với nhà mạng. Nếu không có thẻ SIM, nhà mạng sẽ không biết bạn đã đăng ký vào mạng của họ và do đó sẽ không cho phép thiết bị kết nối mạng di động của họ. Trong khi đó, eSIM là công nghệ SIM được tích hợp ngay trong điện thoại, thay vì dùng thẻ sim vật lý. Đó là một con chip nhỏ được sử dụng để xác thực danh tính của bạn với nhà cung cấp dịch vụ mạng. Loại SIM này cũng có kích thước nhỏ: dài 5mm và rộng 1mm (một chiếc SIM nano dài 12,3mm  và rộng 8,8mm).

Do eSIM không thể được tháo rời, điện thoại thông minh, máy tính xách tay và máy tính bảng có thể được thiết kế nguyên khối. Loại SIM này còn cho phép thiết kế điện thoại thông minh nhỏ và mỏng hơn, có thể trang bị khả năng chống bụi và chống nước. Một trong những ưu điểm của công nghệ eSIM là nó giúp việc chuyển đổi nhà mạng dễ dàng hơn nhiều. Nếu muốn sử dụng hai thẻ SIM cùng một lúc, công nghệ eSIM hỗ trợ nhiều tài khoản và việc chuyển đổi giữa chúng cũng rất dễ dàng.

Một mẫu điện thoại Vivo nhúng cảm biến vân tay dưới màn hình

Cảm biến vân tay dưới màn hình

Tương lai của điện thoại di động dĩ nhiên không chỉ có eSIM. Theo một số chuyên gia, những sự đột phá gần đây của công nghệ cho phép các nhà sản xuất điện thoại nhúng bộ cảm biến dấu vân tay xuống ngay dưới màn hình. Khi đó, người sử dụng chỉ cần nhấn ngón tay ở đúng vị trí trên màn hình (được hiển thị bằng biểu tượng dấu vân tay) và điện thoại sẽ mở khóa. Cho đến nay, công nghệ mới này đã xuất hiện trên điện thoại của hai hãng Trung Quốc là Vivo và Xiaomi.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin Samsung “xác nhận” với các đối tác rằng họ sẽ sử dụng công nghệ cảm biến vân tay dưới màn hình trong mẫu điện thoại Galaxy S10. Trong khi đó, đại gia Apple vẫn tin rằng công nghệ mở khóa điện thoại bằng nhận biết khuôn mặt (Face ID) của họ là tương lai nên không có ý theo đuổi hướng đi nói trên.

Camera đa ống kính

Một xu hướng nổi bật khác là sự xuất hiện của camera đa ống kính ở mặt sau điện thoại. Cả Apple và Samsung đều có mẫu điện thoại với camera hai ống kính ở mặt sau. Ống kính thứ hai giúp phóng to khi chụp ảnh và đo độ sâu của trường ảnh để tạo ra các bức ảnh có nền mờ ảo mang tính nghệ thuật. Không chịu thua kém, mẫu P21 Pro của Huawei là điện thoại đầu tiên có ba ống kính - màu, đơn sắc và zoom.

Nhà sản xuất camera Light (Mỹ) đang đưa ý tưởng này đi xa nhất. Với danh sách nhà đầu tư có hãng sản xuất điện thoại Foxconn khổng lồ, công ty này vừa giới thiệu khái niệm và nguyên mẫu điện thoại trang bị từ năm đến chín ống kính ở mặt sau, thiết bị này được cho là có khả năng chụp ảnh 64 megapixel, chụp tốt hơn trong điều kiện thiếu sáng và có hiệu ứng độ sâu tinh vi.

Light cho biết một chiếc mẫu điện thoại thông minh tích hợp camera nhiều ống kính của họ dự kiến được công bố vào cuối năm nay. Tuy nhiên, những ai quan tâm chắc chắn sẽ phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ. Light không tiết lộ giá thiết bị nhưng đang bán loại camera 16 ống kính với giá khoảng 1.950 đô la. Ngoài ra, có thông tin cho biết HMD Global có thể sớm tung ra mẫu điện thoại Nokia có camera năm ống kính ở mặt sau điện thoại.

Nguyên mẫu “phoneblet” của công ty BOE

Màn hình gập

Hãng Samsung Electronics (Hàn Quốc) dự kiến công bố chi tiết về loại điện thoại thông minh có màn hình gập vào cuối năm nay giữa lúc có tin đồn họ đang phát triển một thiết bị như thế. Ông Koh Dong-jin, Chủ tịch bộ phận truyền thông di động của Samsung Electronics, cho rằng đã đến lúc tung ra một thiết bị như thế sau khi các cuộc khảo sát người tiêu dùng của công ty cho thấy có thị trường dành cho nó.

Dù vậy, vị quan chức này không tiết lộ bất kỳ điều gì về mẫu điện thoại đột phá này cũng như thời điểm nó xuất hiện trên thị trường. Thay vào đó, ông bóng gió cho biết những thông tin chi tiết hơn có thể được công bố tại Hội nghị nhà phát triển Samsung, dự kiến diễn ra ở thành phố San Francisco trong tháng 11 tới. Cũng theo ông Koh, quá trình phát triển này khá “phức tạp” nhưng công ty “gần hoàn thành” nó.

Có người cho rằng thiết bị có thể tương tự với một điện thoại nắp gập truyền thống dựa vào bản lề để kết nối hai phần của chiếc điện thoại. Tuy nhiên, Samsung có thể đang tập trung chế tạo loại màn hình hoàn toàn có thể bẻ gập trong nỗ lực mang lại sự khác biệt cho sản phẩm mình và bán nó với giá cao hơn.

Trước Samsung, công ty BOE (Trung Quốc) đã trình làng nguyên mẫu thiết bị gọi là “phoneblet”, với màn hình 7,5 inch có thể gập lại thành điện thoại rồi mở ra lại y như ban đầu. Để làm ra thiết bị này, BOE cho biết đã loại bỏ bộ lọc màu truyền thống và đèn nền rồi thay kính cứng bằng nhựa. Việc uốn màn hình lại không phá vỡ các điểm ảnh bởi vì mỗi điểm ảnh quá nhỏ bé. Dù vậy, vẫn còn một chặng đường dài đển sản phẩm của BOE đến tay người tiêu dùng. Việc chế tạo một nguyên mẫu hoạt động được đã khó. Điều thách thức lớn hơn là làm sao “cho ra lò” hàng triệu màn hình tương tự, hoạt động đáng tin cậy.

Một số nhà phân tích cho rằng một số thiết bị có thể gập màn hình sẽ xuất hiện trên thị trường trong năm tới, như mẫu điện thoại nói trên của Samsung. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận rằng việc chuyển sang sử dụng nhựa có thể giúp thiết bị khó vỡ hơn nhưng lại có nguy cơ dễ bị trầy xước hơn. 

Một nguyên mẫu adapter của Wi-Charge cho phép điện thoại được sạc pin khi được đặt ở trên bàn mà không cần đến bất kỳ phích cắm nào.

Sạc pin qua không khí

Tuổi thọ pin là vấn đề lớn nhất với điện thoại ngày nay. Trong tương lai, người sử dụng có thể hiếm khi nghĩ về pin nữa bởi khả năng liên tục tự sạc của thiết bị. Một số nhà nghiên cứu đã tìm ra cách để chiếu các mức năng lượng thấp qua không khí. Vài công ty như Energous và Ossia gửi điện thông qua tần số vô tuyến còn đối thủ Wi-Charge sử dụng loại ánh sáng hồng ngoại.

Để các hệ thống sạc qua không khí hoạt động, dĩ nhiên là trong phòng phải được trang bị bộ phát. Công ty Energous nói loại bộ phát này trước tiên có thể được nhúng vào các thiết bị khác, như máy tính và loa để chúng có thể sạc các thiết bị gần đó. Trong khi đó, Wi-Charge cho biết họ đang tìm cách đưa bộ phát vào hệ thống chiếu sáng.

Vẫn chưa có công nghệ sạc từ xa nào đủ nhanh như công nghệ sạc có dây dù điều này có thể không quá quan trọng nếu điện thoại được tự động sạc cả ngày. Ngoài ra, các công ty còn phải vượt qua được khó khăn kép: thuyết phục được nhà sản xuất sử dụng công nghệ của mình và tìm ra cách đưa máy phát vào ngôi nhà, sân bay, quán nước…

Energous cho biết một loại máy trợ thính hỗ trợ phiên bản đầu tiên của công nghệ sạc của công ty (đòi hỏi khoảng cách gần hơn) chuẩn bị được trình làng. Trong khi đó, các thiết bị được sạc ở khoảng cách trung bình và xa nhiều khả năng được giới thiệu vào năm 2019 hoặc 2020.

Theo ASEAN Post, Digital Trends, The Washington Post