Từng bước xây dựng Liên Trạch đạt xã nông thôn mới

00:00 12/10/2020

Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Liên Trạch (huyện Bố Trạch – Quảng Bình) nhiệm kỳ 2020 – 2025 nêu quyết tâm “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ: huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, quyết tâm xây dựng Liên Trạch đạt xã nông thôn mới”. Nhân dịp này, Văn phòng đại diện Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập tại Quảng Bình đã có cuộc trao đổi ông Đinh Xuân Chinh, Chủ tịch UBND xã Liên Trạch một số nội dung sau:

Ông Đinh Xuân Chinh, Chủ tịch UBND xã Liên Trạch

PV: Thưa ông, trong phần phương hướng của Báo cáo đã trình bày trước Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Liên Tạch có nêu rõ: “Trồng rừng và xuất khẩu lao động là khâu chủ đạo; phát triển sản xuất, chăn nuôi là nhiệm vụ quan trọng”, ông có thể chia sẻ, lý giải để người đọc hiểu rõ hơn về điều này?

Liên Trạch chúng tôi là một xã miền núi nằm về phía bắc của huyện Bố Trạch, xã thuộc chương trình 135 của Chính phủ, cách trung tâm huyện lỵ 25km, phía bắc giáp xã Quảng Minh (Thị xã Ba Đồn), phía Đông giáp xã Mỹ Trạch và xã Hạ Trạch, phía Tây giáp xã Phúc Trạch và Lâm Trạch, phía Nam giáp xã Cự Nẫm và Hưng Trạch. Xã được bao quanh với những dãy đồi, có tổng diện tích tự nhiên 2830,64 ha. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là trên 415ha, đất lâm nghiệp: 1983,68ha, đất nuôi trồng thủy sản: 11,8ha. Dân số toàn xã là 4.094 người, số người trong độ tuổi lao động là 2.485 người, chiếm tỷ lệ 60,03.%

Với đặc điểm vị trí địa lý, quy mô dân số và lợi thế về đất lâm nghiệp, nên trong những năm qua, Đảng ủy, chính quyền đã cụ thể hóa các chương trình hành động, đề án nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đại hội đại hiểu Đảng bộ xã Liên Trạch lần thứ XXIII đã xác định “Trồng rừng và xuất khẩu lao động là khâu chủ đạo, phát triển sản xuất, chăn nuôi là nhiệm vụ quan trọng”.

Hằng năm, trên địa bàn xã Liên Trạch nhân dân đã khai thác rừng trồng (rừng keo nguyên liệu) trung bình khoảng 200 – 250 ha, doanh thu đạt từ 8 – 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ, cũng như nhân dân các xã lân cận (Hưng Trạch, Lâm Trạch). Để trồng rừng đạt hiệu quả bền vững, những năm gần đây, thực hiện đề án trồng rừng gỗ lớn của huyện Bố Trạch, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi trồng rừng cùng tham gia thực hiện dự án, bước đầu được người dân đồng tình hưởng ứng và mạnh dạn chuyển đổi.

Bên cạnh phát triển kinh tế rừng thì địa phương chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc xuất khẩu lao động, xem đây là hướng “Ích nước lợi nhà”, có thu nhập cao. Hàng năm chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm của thanh niên tỉnh Quảng Bình và các Doanh nghiệp để tư vấn xuất khẩu lao động và giới thiệu việc làm đối với các đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị xã hội. Mỗi năm có từ 30 – 40 lao động được tham gia xuất khẩu lao động ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapo và các nước Trung đông…

Kết hợp lồng ghép từ các chương trình dự án, Đảng ủy, chính quyền địa phương xác định phát triển sản xuất, chăn nuôi là nhiệm vụ không kém phần quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để chăn nuôi không mang phong tục tập quán như trước đây là chăn thả, thì chúng tôi xác định chăn dắt để giảm rủi ro về dịch bệnh có thể giảm tổng đàn nhưng tăng hiện quả về mặt kinh tế, mạnh dạn đưa con giống mới và chăn nuôi như bò lai, lợn siêu nạc, gà lairi… để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm cũng như chăn nuôi theo quy mô tập thể thì những năm tới chúng tôi sẽ thành lập các tổ hợp tác để duy trì sản xuất, chăn nuôi tăng giá trị thu nhập.

PV: Liên Trạch là một vùng đất có địa bàn khá phức tạp, “cách sông trở đò”, dân cư phân bố dàn trải, giao thông không mấy thuận lợi… Theo ông, để tạo bước đột phá trong xây dựng giao thông nói chung và kết cấu hạ tầng nói riêng, xã cần phải làm gì để sớm đạt chuẩn nông thôn mới?

Trụ sở xã Liên Trạch

Xã Liên Trạch chúng tôi được bao quanh bởi núi đồi. dân cư phân bố dàn trãi dưới các sườn núi, có Sông Son ngăn cách, hạ tầng giao thông còn nhiều cách trở, đường ô tô vào trung tâm xã chỉ có 1 tuyến đường duy nhất nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Với mục tiêu đã được đặt ra đến cuối nhiệm kỳ là Liên Trạch đạt xã nông thôn mới. Chúng tôi xác định là một nhiệm vụ hết sức nặng nề đòi hỏi cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm hợp lực của mọi tầng lớp nhân dân để tạo bước đột phá trong xây dựng giao thông nói chung và kết cấu hạ tầng nói riêng. Đảng ủy, chính quyền địa phương xác định vai trò người dân rất quan trọng quyets định mọi thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Cần phải làm cho người dân xác định chính họ là chủ thể thì Chương trình mới thực sự thành công. Cùng với đó, phải xác định những công trình trọng tâm, trọng điểm; việc dễ và cần thiết đối với người dân thì tập trung thực hiện trước. Từ đó, tạo niềm tin,khí thế phấn khởi cho người dân, khơi dậy và phát huy được vai trò của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, cần tranh thủ các nguồn vốn của cấp trên lồng ghép vốn của các Chương trình dự án, vốn thu ngân sách trên địa bàn và nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng giao thông, kết cấu hạ tầng, điện, đường, trường, trạm…

Đặc biệt là các tuyến giao thông nội đồng, đường lâm sinh phục vụ cho sản xuất nông nghiệp khai thác rừng trồng gỗ nguyên liệu… Tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội phấn đấu đạt NTM mà mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ XXIII đã đề ra.

PV: Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế - Xã hội phát triển nhanh hơn, xã Liên Trạch cần tập trung vào những nhiệm vụ giải pháp nào?

Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XXIII đã bàn rất kỹ và tập trung vào 7 nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

1. Sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp, chăm sóc và bảo vệ rừng, đất rừng hiện có; vận động nhân dân trồng rừng gỗ lớn, kết hợp với phát triển chăn nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn nước ở các hồ chứa; chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

2. Phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của Hội nông dân tỉnh và huyện để tổ chức các lớp dạy nghề và tư vấn việc làm tại chỗ cho nông dân.

3. Tiếp tục phát huy có hiệu quả các nguồn vốn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay vốn để phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động và phát triển kinh tế.

4. Xây dựng và khai thác tối đa mọi nguồn thu tại địa bàn như: phí và lệ phí, hoa lợi cộng sản, thu đống góp của nhân dân. Thực hiện tốt công tác quy hoạch đất đai và đấu giá quyền sử dụng đất; đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng ngành nghề để tăng nguồn thu. Thực hiện thu, chi tài chính đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách.

5. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các nguồn thu trong cân đối, đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời; quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn thu.

6. Có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng và con nuôi theo nhu cầu thị trường; khuyến khích các hộ gia đình đầu tư mở rộng cơ sở chăn nuôi, lựa chọn giống, thức ăn. Chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại đã được quy hoạch, để kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu phát triển chăn nuôi lớn, quy mô trang trại tập trung cách ly khu dân cư; đồng thời tranh thủ tối đa các chương trình, dự án của Nhà nước để phát triển toàn diện.

7. Tranh thủ các nguồn vốn cấp trên, vốn thu trên địa bàn và nguồn xã hội hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở. Tiếp tục vận động nhân dân đóng góp tiền của, hiến đất, tài sản để mở rộng các tuyến đường chính còn hẹp, chưa đảm bảo giao thông, các thiết kế văn hóa… tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi

Trọng Lãnh (thực hiện)