TS. Nguyễn Thị Hồng Minh: Người phụ nữ gánh vác 3 vai trong cuộc đời hoạt động

00:00 12/10/2020

Có tầm nhìn xa và sự quyết đoán, vì quyền lợi cộng đồng dám lội ngược dòng dư luận, chấp nhận mang tiếng viển vông để được quyền mơ giấc mơ của riêng mình... nhưng trước hết, họ xứng đáng đại diện cho phái đẹp Việt Nam vì đều mang những tâm hồn đẹp. 
ky-thuat-trong-thang-long
Đấy là TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - một gương mặt quen thuộc trong ngành thủy sản. Thị trường (giám đốc doanh nghiệp khi 30 tuổi và sau khi nghỉ hưu), nghị trường (đại biểu Quốc hội bốn khóa VII, VIII, IX, XI) và quan trường (thứ trưởng Bộ Thủy sản) là ba vai trong cuộc đời hoạt động của người phụ nữ Nam bộ. Trong nhiều thời đoạn, tổ chức phân công bà cùng lúc hai vai. Có lẽ bởi vậy nên cuộc đối thoại với người phụ nữ này không bắt đầu từ câu chuyện khởi nghiệp, mà lan man từ cái thời mới chân ướt chân ráo về nước. Kỹ sư chế biến cá làm quản lý sản xuất tôm Tốt nghiệp Đại học Công nghiệp cá ở Liên Xô năm 1975, kỹ sư chế biến Nguyễn Thị Hồng Minh nhận nhiệm vụ tại phòng kỹ thuật công ty xuất nhập khẩu ở quê nhà Cần Thơ. Sau kết hôn, năm 1977, bà theo chồng về Cà Mau rồi được bổ nhiệm là ca Trưởng Nhà máy đông lạnh Cà Mau, đơn vị vừa được phân bổ hai bộ tủ đông do Nhật Bản viện trợ. Chế biến tôm là công việc mới so với những gì được đào tạo nên bà Minh vừa học vừa làm. Bà học từ đồng nghiệp, từ những kỹ sư thủy sản từng làm việc dưới chế độ cũ được điều động xuống nhà máy đào tạo kỹ thuật. Nhà máy lỗ triền miên. Nhiều năm kế toán không biết hạch toán. Tình thế đảo chiều khi bà Minh được giao vị trí giám đốc năm 1988. Hồi đó doanh nghiệp thủy sản không xuất khẩu trực tiếp, mà phải thông qua Seaprodex. Cơ chế độc quyền khiến nhiều doanh nghiệp tại địa phương bị ép giá. Phá thế độc quyền, bà Minh tự tìm đầu mối xuất khẩu. Có đầu ra nhưng lại khó đầu vào, dù nằm ngay trên vùng nguyên liệu. Nghịch lý xuất phát từ việc Chính phủ giảm thuế cho một số doanh nghiệp xuất khẩu ở TP.HCM. Thay vì sử dụng phần chênh lệch để tái đầu tư vào vùng nguyên liệu, nhóm này tăng giá thu mua. Bà Minh đã cùng cộng sự tìm cách áp dụng cơ chế khoán thành phẩm cho các ca sản xuất, tạo ra động lực tiết kiệm chi phí để tăng giá mua nguyên liệu. Không khí lao động khẩn trương quay lại nhà máy. Thiết bị được chăm chút, bảo quản. Rổ rá hư hỏng, lăn lóc được thu gom, vá víu. Công nhân giám sát các phòng ban, nhắc nhở lãnh đạo từ chuyện quên tắt đèn sau giờ làm. Nhà máy lập tức có lãi. “Cuối năm, công nhân đi chợ mua vàng. Lương công nhân cao hơn giám đốc. Không lẽ giám đốc tự tăng lương cho mình”, bà Minh kể. Công việc đang trôi thì năm 1990 bà bất ngờ bị điều động về sở Thủy sản, ngồi ghế phó giám đốc. Di sản để lại là bộ tủ đông hiện đại mới trang bị, chưa kể mấy tỉ bạc tiền lời và khí thế làm việc của cả tập thể. Công nhân rần rần ký đơn kiến nghị Thường vụ tỉnh ủy thay đổi quyết định thuyên chuyển nữ thuyền trưởng. Rồi họ gom tiền mua tặng bà một thiết bị điện tử rất quý thời đó khi biết bà phải đi. Vẫn có những thứ không mua được bằng tiền. Dân chẳng nhìn sai ai bao giờ. Nhận nhiệm vụ mới, bà đề xuất xây dựng các trạm khuyến ngư, đưa kỹ thuật viên về từng huyện, hỗ trợ nông dân. Kinh phí thực hiện do bà vận động từ một tổ chức quốc tế, đưa Cà Mau trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước có mô hình này. Nghe đâu chương trình khuyến ngư của Cà Mau lên sóng truyền hình cả năm sau Cục Khuyến ngư mới thành lập. Nước mắt nghị sĩ Lệ ứa ra khóe mắt người phụ nữ từng trải khi lật lại vụ án Cimexcol. Tái cử đại biểu Quốc hội khóa VIII, bà Minh mang theo gần 200 lá thư nhân dân gửi đến nhà riêng, phản ứng kết luận của tòa đối với lãnh đạo Cimexcol. “Tôi tiếp nhận thông tin vụ án qua báo chí và phản ánh của nhân dân”, bà Minh thừa nhận không hay biết những lắt léo phía sau vụ án. Trước kỳ họp, bà đề nghị đoàn xin Tỉnh ủy ý kiến chỉ đạo nhưng không có hồi âm. Cận ngày khai mạc, một đoàn cán bộ cấp cao về họp, chỉ đạo và khẳng định kết quả xử án là đúng. Bà xin phát biểu, phản ánh nhiều cử tri không đồng tình với kết luận của tòa. Đề xuất và chắp bút văn bản gửi Quốc hội xem xét lại vụ án Cimexcol được nhiều thành viên trong đoàn ủng hộ, nhưng ký tên chỉ có bốn người là ông Chín Hùng - Giám đốc Công ty Thủy sản Cà Mau, ông Ba Liêm - Bí thư Tỉnh Đoàn, ông Lâm Nuol - đại biểu khối dân tộc và bà - đại biểu nằm trong Tỉnh ủy. Để ngừa bất trắc, bản kiến nghị được gửi đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước. “Tụi bây trẻ, tương lai còn dài, nên để Chín Hùng đọc”, bà Minh nhắc lại lời khuyên của ông Năm Vận - Tổng thư ký Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Truy xuất nguồn gốc điện tử là khả năng tiếp cận nhanh và chính xác toàn bộ câu chuyện về một sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối thông qua một điện thoại thông minh (smartphone) có cài phần mềm QR Code. Truy xuất nguồn gốc là quy định bắt buộc ở nhiều quốc gia trên thế giới, xuất phát từ châu Âu sau dịch bò điên hồi thập niên 1990. Năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành hai thông tư về Truy xuất nguồn gốc thực phẩm, hướng dẫn thực hiện Luật An toàn vệ sinh thực phẩm.
Trước phiên khai mạc, một bài viết dài đăng trên tờ báo chính thống, phân tích những sai phạm của ban lãnh đạo Cimexcol và cá nhân giám đốc Dương Văn Ba khiến dư luận sôi sục. Ra nghị trường, phiên thảo luận về Tòa án, Viện kiểm sát không có trong nghị trình. “Chúng tôi hơi bất ngờ vì hai nội dung này không được đưa vào như thông lệ. Sau khi hội ý, mọi người thống nhất luật pháp (Cimexcol) cũng liên quan đến kinh tế xã hội” - bà Minh nhắc lại việc ông Chín Hùng đọc văn bản kiến nghị một lèo dù bị chủ tọa nhắc đến ba lần. Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Phó chủ tịch Quốc hội là người sắp xếp để ông Chín Hùng được phát biểu. Cũng chính bà Phượng trước đó đã hỏi đoàn: “Sao Minh Hải không đứng ra bảo vệ cán bộ của mình?”. Hậu vụ án Cimexcol, hàng chục người bị kỷ luật, trong đó có ông Năm Hạnh - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải - bị tuyên một năm tù treo dù ông đi học nước ngoài trong thời gian Cimexcol thành lập và hoạt động. Cái rủi của ông là đảm nhiệm vị trí chủ tịch tỉnh khi Cimexcol bị đưa ra xét xử. “Mãn hạn, anh Năm nhiều lần đòi phục hồi Đảng tịch. Người ta kêu viết đơn vô Đảng lại nhưng ảnh không chịu. Chú Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) hiểu rõ vụ việc, mời cả Bộ Chính trị vào nghe ảnh và chú Ba Vị (Bí thư Minh Hải giai đoạn 1982-1987 - NV) trình bày... Nghe nói sau này ảnh được phục hồi tiền lương và chế độ hưu. Ảnh mất lâu rồi. Mọi chuyện cũng xếp lại”, bà Minh nghẹn lời. Kết thúc kỳ họp Quốc hội, bà Minh có hai lần chủ động đăng ký làm việc với hai vị lãnh đạo tỉnh ủy về vụ Cimexcol. Vậy nhưng nội dung xem xét kỷ luật bà bất ngờ được đưa vào một cuộc họp của Ban chấp hành. “Có lẽ mình còn chút may mắn khi kết quả biểu quyết thiếu ba phiếu thuận là đạt quá bán” - bà Minh nói. Mười ba năm làm thứ trưởng Sau nhiệm kỳ đó, bà Minh xin rút khỏi danh sách ứng cử Ban chấp hành Đảng bộ Minh Hải. Năm 1994, khi bước sang tuổi 42, bà nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Thủy sản phụ trách xuất khẩu, thị trường và an toàn vệ sinh. “Sự phát triển mà đầu tàu là xuất khẩu không giống các ngành khác” là lý do Laura Chirot - nghiên cứu sinh trường MIT - chọn thủy sản làm đề tài luận văn tiến sĩ. Đặt kỳ vọng kết quả nghiên cứu của Laura có lợi cho một số ngành sản xuất nông nghiệp khác, bà Minh nói: “Cô ấy đã tham gia một số diễn đàn nông nghiệp trong nước, trình bày một số phát hiện làm tôi ngạc nhiên vì sâu sát và sắc sảo. Tiếc là đa số đại biểu lại chỉ tò mò tại sao cô ấy nói tiếng Việt rành thế”. Cũng theo bà Minh, một thời gian khá dài lãnh đạo đất nước ít quan tâm đến tài nguyên nước và biển. Có lẽ nhờ thế mà ngành thủy sản tự vật lộn, tự đổi mới. Bằng chứng là hầu hết nhà xuất khẩu đều đạt các giấy chứng nhận theo yêu cầu nước nhập khẩu. Cửa ải đầu tiên ra thế giới là được EU công nhận danh sách các doanh nghiệp đạt chuẩn. Đó thật sự là đòn cân não với bà do chịu cùng lúc hai sức ép. Bên ngoài là đối sách với cơ quan thẩm quyền EU. Bên trong là những doanh nghiệp không có tên trong danh sách đã trình EU. Số lượng giới hạn trong khi doanh nghiệp nào cũng muốn vô. Đã có trường hợp đòi kiện bà ra quốc tế. Thậm chí một lãnh đạo tỉnh điện ra dọa “cuộc đời chính trị của chị còn dài!”. Thị phần cá ba sa Việt Nam tăng liên tục tại Hoa Kỳ khiến Hội Cá da trơn miền Nam Mỹ lo ngại. Sau nhiều “chiêu” nhằm ngăn chặn cá ba sa vào Mỹ bất thành, năm 2002, họ khởi kiện bán phá giá cá ba sa. Vụ kiện bán phá giá đầu tiên làm công luận Việt Nam nóng hầm hập, dẫn tới việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ cử một quan chức cao cấp sang Việt Nam giải thích. Địa điểm viếng thăm đầu tiên là Bộ Thuỷ sản. Câu hỏi đầu tiên đặt ra cho Thứ trưởng Minh là ở Việt Nam có quan chức nào vừa làm ở bộ, vừa tham gia hiệp hội. Bà trả lời việc kiêm nhiệm vai trò chủ tịch VASEP là do hội viên bầu nhờ kinh nghiệm làm doanh nghiệp trong khi VASEP còn non trẻ. Mọi quyết định của Ban chấp hành đều thông qua biểu quyết theo đa số. Sau này một thành viên đoàn Mỹ cho biết việc kiêm nhiệm này là “không hiểu được” với các nước kinh tế thị trường. Quan chức hưởng lương bằng tiền thuế của dân, không được gắn vào bất kỳ nhóm lợi ích nào mà phải phục vụ công bằng. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là ban hành chính sách, còn hiệp hội đề xuất và phản biện chính sách. Kiêm nhiệm dẫn tới “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Đấy cũng là lý do khiến bà Minh từ nhiệm ghế chủ tịch VASEP khi xảy ra vụ kiện Việt Nam bán phá giá tôm. Hỏi liệu có thể làm được nhiều hơn cho ngành thủy sản nếu ngồi ghế bộ trưởng Thủy sản, bà Minh lắc đầu: “Tôi là người kỹ trị, dù cũng phải dính chính trị nhưng tôi không phải là dân chính trị”. Năm 2007, bà xin về hưu trước ba tháng để chuyển sang làm doanh nghiệp, khép lại chặng đường 13 năm làm thứ trưởng. Trở lại thương trường Rời nghị trường và quan trường giúp bà Minh “không còn bị ràng buộc nhiều thứ”. Quyết định từ quan để ngồi vào ghế Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hệ thống phân phối Việt Nam theo đề nghị của Hội đồng Quản trị gồm bốn nhà bán lẻ nội địa là Satra, Hapro, Saigon Co-op và Tập đoàn Phú Thái. Sau hơn một năm điều hành, bà xin rút vì hướng đi của Hội đồng Quản trị không phù hợp với mục đích thành lập ban đầu dù mức lương lúc đó theo bà là hấp dẫn: 30 triệu đồng/tháng. Bà cùng một số đồng đội cũ ở VASEP thành lập Công ty Hải Đăng. Thiết bị nhập khẩu hiện đại nhưng thiếu chuyên gia, nhóm sáng lập hợp tác với Trung tâm Sắc Ký của TS. Diệp Ngọc Sương, thành lập Công ty cổ phần Sắc Ký Hải Đăng, chuyên cung cấp dịch vụ kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm và quan trắc môi trường; tư vấn xây dựng phòng thí nghiệm và đào tạo kỹ thuật viên. Năm 2011, bà Minh kiêm nhiệm Giám đốc dự án Truy xuất nguồn gốc điện tử (Traceverified). Tổ chức hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF) tài trợ 60% kinh phí thực hiện, còn lại là vốn đối ứng. Tháng 5.2015, Sắc Ký Hải Đăng bán 65% cổ phần cho Eurofins - tập đoàn kiểm định chất lượng có hơn 200 phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế trên toàn cầu với doanh thu khoảng 2 tỉ euro/năm. Giá trị thương vụ không được tiết lộ. Tuy nhiên, mảng dịch vụ truy xuất nguồn gốc điện tử được giữ lại. Những ngày cuối năm, bà Minh và các cộng sự bận rộn hoàn tất những thủ tục cần thiết để chuẩn bị cho việc khai trương Công ty cổ phần Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc. Traceverified là nền tảng để bà khởi xướng việc thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, liên kết những nhà sản xuất có trách nhiệm với thị trường, cộng đồng. Vượt qua hơn 700 ứng viên trên thế giới, Truy xuất nguồn gốc điện tử và Hiệp hội Thực phẩm minh bạch là một trong 30 dự án khởi nghiệp vì cộng đồng được tài trợ tham dự hội chợ công nghệ SLUSH ở Phần Lan năm 2015. Xu hướng của thế giới chuyển sang ủng hộ đầu tư tác động cộng đồng vì đầu tư nói chung không làm giảm mà còn đào sâu hố cách giàu nghèo. Hình thành từ năm 2008 với 800 người tham dự, sự kiện thường niên này thu hút 15 ngàn người, đến từ hơn 100 quốc gia. Mục tiêu là kết nối các dự án khởi nghiệp với những nhà đầu tư. “Nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng chưa đến lúc. Một trong những lý do là quy mô thị trường của chúng ta quá bé” - bà Minh cho biết. Đến nay, Traceverified cung cấp dịch vụ truy xuất nguồn gốc hoàn chỉnh cho các chuỗi cá tra, tôm, thịt heo, rau và trái cây. “Lẽ ra, chúng ta đã đi nhanh hơn” - bà Minh bày tỏ sự tiếc nuối khi nhắc đến một khoản tài trợ nước ngoài từ 2007 cho một cơ quan Nhà nước để phát triển đề án truy xuất nguồn gốc điện tử. Nhà tài trợ Đan Mạch mời một chuyên gia quốc tế sang Việt Nam tư vấn. Nhưng đáp lại báo cáo tư vấn là sự thờ ơ của cơ quan hữu trách của Việt Nam. Được biết, Thái Lan triển khai truy xuất nguồn gốc từ 2006. Để thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, bà Minh gõ nhiều cửa, kể cả Phó Thủ tướng phụ trách vì vấn đề thực phẩm chịu sự quản lý của ba bộ là Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương. Đến nay, dự án đã nhận được hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. “Nhưng thủ tục vẫn chưa hết...” - bà cho biết. Xem ra, ở tuổi 64, người phụ nữ này còn rất nhiều việc phải làm.

Mộc Công/nguoidothi.vn