Thế giới trong tuần: Mỹ nhượng bộ loại 7,8 tỷ USD hàng Trung Quốc khỏi đợt đánh thuế 10%

00:00 12/10/2020

Chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo hoãn tăng thuế 10% với một số hàng hóa Trung Quốc; Anh thả tàu chở dầu của Iran... là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Mỹ loại 7,8 tỷ USD hàng Trung Quốc khỏi đợt đánh thuế 10%
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ hôm 16/8 công bố danh sách 44 mặt hàng Trung Quốc được miễn áp thuế 10%, trị giá khoảng 7,8 tỷ USD.
Danh sách được miễn áp thuế mới do Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ công bố bao gồm đồ nội thất gia đình, đồ cho trẻ em, các modem internet và bộ phát wifi, một số hóa chất được dùng trong sản xuất nhựa. 
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ vừa công bố danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc được đưa ra khỏi kế hoạch áp thuế 10%.
Các sản phẩm này sẽ được loại khỏi số hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD bị đánh thuế 10% kể từ ngày 1/9 và 15/12, trong đó có một số mặt hàng đã chịu mức thuế 25% từ đợt áp thuế trước đó. 
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế bổ sung 10% với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ ngày 1/9, không bao gồm 250 tỷ USD hàng Trung Quốc đã chịu mức thuế 25%. Washington sau đó thông báo một số mặt hàng sẽ được lùi ngày áp thuế sang giữa tháng 12. 
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ hôm 13/8 cho biết sẽ bỏ một số sản phẩm Trung Quốc khỏi danh sách chịu thuế nhập khẩu mới do "các yếu tố về sức khỏe, an toàn, an ninh quốc gia và một số lý do khác".
Anh tháo gỡ căng thẳng với Iran
Gibraltar - vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh, hôm 15/8 đã trả tự do tàu Grace 1, mà Anh đã tịch thu từ Iran vào tháng 7, nhưng không cung cấp chi tiết. Bước đi này có thể sẽ mở đường cho một cuộc trao đổi với tàu chở dầu Stena Impero mà Iran đang giữ.
 Gibraltar hôm 15/8 đã trả tự do tàu Grace 1 của Iran.
Trước đó, chính quyền và Tòa án Tối cao Gibraltar đã quyết định dỡ bỏ lệnh bắt giữ và thả tàu Grace 1 bất chấp đề nghị tiếp tục tạm giữ tàu này từ phía Mỹ. 
Quan hệ giữa Anh và Iran rơi vào tình trạng căng thẳng liên quan đến việc hai nước bắt giữ tàu chở dầu của nhau gần đây.
Ngày 4/7 vừa qua, Anh đã bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran ở ngoài khơi Gibraltar do nghi ngờ tàu này vi phạm các lệnh trừng phạt của EU khi chở dầu tới Syria. Hai tuần sau đó, Iran đáp trả bằng cách bắt giữ tàu chở dầu treo cờ Anh Stena Impero gần Eo biển Hormuz, cáo buộc tàu này vi phạm quy định hàng hải.
Các vụ bắt tàu chở dầu của Anh và Iran đã khiến căng thẳng vùng Vịnh leo thang đáng kể. Tuyến giao thông trên Eo biển Homuz đã trở thành điểm nóng ở Vùng Vịnh do quan hệ căng thẳng Mỹ - Iran ngày càng trầm trọng hơn kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehrran.
Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa
Quân đội Hàn Quốc ngày 16/8 cho biết, Triều Tiên đã phóng hai vật thể bay được cho là các tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra phía Biển Nhật Bản vào sáng cùng ngày.
Đây là lần thứ 6 kể từ cuối tháng trước Triều Tiên tiến hành phóng các vật thể bay. Nếu tính từ tháng 5 thì đây là vụ phóng thứ 8. Trong các vụ phóng trước, Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thử các “vũ khí dẫn đường chiến thuật mới”, trong khi phía Seoul xác định đó là các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và các hệ thống tên lửa dẫn đường phóng loạt cỡ lớn mới phát triển.
 Nhà lãnh đạo Triều Tiên giám sát vụ phóng tên lửa hôm 16/8.
Vụ phóng mới nhất diễn ra sau khi Triều Tiên cảnh báo sẽ chấm dứt đối thoại với Hàn Quốc, một động thái phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn đang diễn ra cũng như kế hoạch mua sắm quốc phòng 5 năm của Seoul.
Gần đây, Triều Tiên dường như đang tìm cách hiện đại hóa vũ khí thông thường của mình và động thái này làm dấy lên lo ngại mới trong khu vực, vì loại vũ khí này có thể đặt toàn bộ Bán đảo Triều Tiên trong tầm bắn, và vì độ phức tạp của đường bay, việc sử dụng nhiên liệu lỏng và phóng từ bệ phóng thẳng đứng (TEL) khiến khó phát hiện và đánh chặn hơn.
Phép màu trên cánh đồng ngô
Ngày 15/8, các phi công điều khiển chiếc Airbus A321 của hãng hàng không Ural Airlines (Nga) trong hành trình từ Moscow tới Simferopol đã hạ cánh khẩn cấp thần kỳ, bảo toàn tính mạng cho toàn bộ hành khách khi phi cơ gặp sự cố nguy hiểm. Chiếc Airbus A321 đã hạ cánh tại một cánh đồng ngô gần sân bay quốc tế Zhukovsky.
 Chiếc Airbus A321 nằm trên cánh đồng ngô. Ảnh: Tass
Theo cơ quan hàng không liên bang Nga, chiếc Airbus A321 không lâu sau khi cất cánh đã va chạm với một đàn chim dẫn đến hư hỏng động cơ máy bay. Ủy ban Hàng không liên bang Nga (IAC) đang nhận trách nhiệm phân tích dữ liệu hộp đen của chiếc A321.
Ngày 16/8, Tổng thống Vladimir Putin đã trao danh hiệu Anh hùng Nga cho hai phi công điều khiển máy bay của Ural Airlines. Những thành viên phi hành đoàn còn lại được trao Huân chương Dũng cảm.
Hãng Ural Airlines đã khen ngợi cả cơ trưởng Damir Yusupov và cơ phó Georgy Murzin (23 tuổi) vì hành động chuyên nghiệp trong tình huống khẩn cấp. Cơ trưởng 41 tuổi Damir Yusupov là người giàu kinh nghiệm với hơn 3.000 giờ bay.
Quan hệ Ấn Độ - Pakistan trên đà tuột dốc
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục gia tăng nghiêm trọng xoay quanh quyết định gây tranh cãi mới đây của New Delhi đối với khu vực Kashmir đang tranh chấp.
Trước sức ép từ Pakistan khi kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế trong vấn đề Kashmir, Ấn Độ dường như vẫn giữ nguyên lập trường cứng rắn khi bác bỏ những chỉ trích về việc nước này hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir.
 Binh sĩ Ấn Độ tuần tra gần Đường Kiểm soát ở Kashmir. Ảnh: Rediff.
Tình hình càng thêm xấu đi khi đụng độ quân sự tiếp tục nổ ra giữa binh sĩ Ấn Độ và Pakistan tại ranh giới kiểm soát, gây nhiều thương vong về cả hai phía trong những ngày qua.
Theo Đạo luật chia tách bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ, hai vùng lãnh thổ liên bang là Ladakh (không có cơ quan lập pháp) cùng Jammu và Kashmir (có cơ quan lập pháp) sẽ chính thức được thành lập từ ngày 31/10 tới. Pakistan đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ quyết định này, tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ hoạt động thương mại song phương với Ấn Độ và đưa vấn đề này ra Liên Hợp quốc. 
Hiện gia tăng lo ngại, nếu Ấn Độ và Pakistan không kiềm chế được xung đột, “thùng thuốc súng” trực chờ phát nổ tại hai quốc gia Nam Á này có nguy cơ dẫn tới hậu quả vô cùng nghiêm trọng. 

Nguyễn Phương