Livestream "gà đẻ trứng vàng" cho sàn thương mại điện tử

00:00 12/10/2020

Hiện tượng livestream bùng nổ tại thị trường Trung Quốc nhanh chóng lan rộng thị trường Đông Nam Á và Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xuất hiện tại Việt Nam từ cuối năm 2018, phương thức bán hàng qua livestream đang bước vào thời kỳ cực thịnh và hứa hẹn trở thành công cụ đắc lực của các nhà bán lẻ trên môi trường Thương mại điện tử (TMĐT).

Thị trường livestream bùng nổ

Tại thị trường Việt Nam, nhiều tài khoản livestream đã đạt lượng người xem cao kỷ lục và mang về doanh số lớn cho các nhà bán hàng. Chính vì thế, nhiều sàn thương mại điện tử cũng đi theo con đường này vì đây là một lĩnh vực hốt bạc. Trong thời gian giãn cách xã hội, Shopee, Lazada, Sendo, hay Tiki…đều tranh thủ đưa ra những chương trình thu hút người tiêu dùng với nhiều hình thức khác nhau.

Thấy trước được xu hướng bán hàng qua livestream mới bùng nổ, từ 2 năm trước, Tiki đã thử nghiệm hình thức bán hàng bằng cách phát video trực tiếp trên fanpage. Đến tháng 6.2019, Tiki đặt lịch livestream cố định hàng tháng, coi đây là một trong những kênh chủ lực tương tác với khách hàng.

Từ đầu năm 2020, Tiki mở rộng tính năng livestream để bán hàng cho nhiều đối tượng khác nhau, với nhóm các thương hiệu nổi tiếng; nhóm nhà bán; nhóm cộng đồng người mua, người có ảnh hưởng trên cộng đồng mạng…

Làn sóng livestream cũng kéo theo Lazada, Sendo, Shopee. Ngay những ngày cách ly xã hội, Shopee bắt đầu với khẩu hiệu “Ở nhà không khó - Có Shopee lo”, đây là chiến lược ứng phó của Shopee trước đại dịch COVID-19. Những gian hàng livestream của Shopee khá đa dạng với các hình thức như: trò chuyện cùng người nổi tiếng, săn quà “khủng” tại những livestream độc quyền... Cứ 2 ngày mỗi tuần các buổi livestream lại được triển khai, mỗi ngày có thể lên tới 3 đợt.

Vốn khá có tiếng trong ngành thương mại điện tử, Lazada cũng không hề kém cạnh khi lập tức bắt tay triển khai ngay chiến dịch “An tâm mua sắm tại nhà”. Lazada không sắp xếp nhiều lịch phát trực tiếp trong một ngày, mà trải dài vào các ngày trong tuần với nhiều chủ đề. Mỗi chủ đề đều được gắn hashtag, giúp người xem dễ dàng theo dõi, tìm kiếm nội dung ưa thích như: LazCook, LazMusic, LazGetfit, LazLearn, LazHome, LazPlay. Các hoạt động nổi bật nhất như: hướng dẫn nấu ăn, tổ chức hòa nhạc online với các ngôi sao ca nhạc, các trò chơi sáng tạo cho gia đình và trẻ em...

Sendo đưa SenLive nhập cuộc với chiến dịch “Săn sale nửa giá - Streamer tranh bá”. Sendo hợp tác với OTA Network (mạng lưới quy tụ các nhà sáng tạo nội dung chuyên biệt về game) để tổ chức Livestream Showmatch. Đặc tính của game là cạnh tranh, tương tác giữa người chơi gần như ngoài đời thật. Theo đó, SenLive giúp khách hàng trải nghiệm cùng lúc việc “săn” sale (khuyến mãi) và giải trí, nhân đôi cảm xúc cũng như sự tương tác.

LIvestream là hình thức kinh doanh hiệu quả, nhất là khi dịch COVID-19 xảy ra.

LIvestream là hình thức kinh doanh hiệu quả, và được đẩy mạnh khi dịch COVID-19 xảy ra. Ảnh: Internet

Một trong những đơn vị thành công nhất và vẫn đang dẫn đầu trào lưu này tại châu Á là Taobao của Alibaba. Năm 2018, sàn thương mại điện tử này thu về 100 triệu nhân dân tệ (gần 14 triệu USD) từ bán hàng qua video. Trung bình, cứ 100 người xem livestream, thì có 34 người chốt mua hàng. Taobao dự báo, trong vòng 3 năm tới, tổng lượng giao dịch qua mô hình mới này chạm mốc 500 triệu USD. Những “ông lớn” e-commerce như Amazon, JD... đều đã gia nhập cuộc đua và đạt tăng trưởng doanh thu cao

Livestream là xu hướng cả thế giới

Trên thế giới, mô hình bán hàng qua livestream (còn gọi là social e-commerce) không mới. Năm 2015, Nhà mốt Kohl's lần đầu tiên ra mắt mô hình bán hàng qua livestream áp dụng trực tiếp vào các show trình diễn thời trang. Trong khi xem video trình diễn qua ứng dụng của Hãng, người mua có thể click chọn mua ngay sản phẩm ưng ý. Kể từ đó, bán hàng qua livestream trở thành xu hướng. Năm 2016, Facebook cũng tham gia vào thị trường livestream khi công bố nền tảng phát video trực tiếp.

Lý Giai Kỳ, ông hoàng của Taobao cũng do tài ăn nói linh hoạt và sắc sảo đã lên như diều gặp gió trong lĩnh vực mỹ phẩm và làm đẹp. Công cụ livestream chủ yếu của anh là TikTok, mạng xã hội đang phát triển mạnh nhất tại Trung Quốc. Sau mỗi buổi livestream, các sản phẩm đều được bán sạch.

Bà Tiffany Wan, Tổng giám đốc VS Media (Trung Quốc), công ty sáng tạo nội dung và hỗ trợ người bán hàng livestream, cho rằng để thu hút người xem, video livestream cần có nội dung hấp dẫn, vừa giải trí, vừa có thông tin bổ ích.

Với diễn biến của COVID-19, các sàn thương mại điện tử cần phải không ngừng tìm kiếm những hướng đi mới. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với người phát video là làm thế nào giữ chân người xem lâu nhất, từ đó tạo tương tác qua bình luận, lượt thích, trao đổi và cuối cùng là chốt đơn hàng. Số liệu từ Hãng nghiên cứu Locowise cho thấy, hơn 53% người khảo sát chỉ xem video trên Facebook trong khoảng 30 giây.

Ông Lê Hữu Nhân, Quản lý đối tác cấp cao tại Tiki chia sẻ với báo chí, với hình thức livestream để bán hàng, nội dung phải được đầu tư rất kỹ. Một số nhà bán hàng có doanh thu từ TikiLive chiếm hơn 70% tổng doanh thu trên sàn, doanh thu những ngày có livestream cao gấp nhiều lần so với ngày bình thường.

Với sự ra mắt tính năng “theo dõi”, tương tác thả tim (like), nhận xét, đặt câu hỏi trên TikiLive, lượt người xem cùng thời điểm trong một chương trình livestream tăng mạnh, có lúc lên đến 3.000 người xem cùng một thời điểm. Ngoài ra, livestream kết hợp mini game có thể chứng kiến lượng tương tác cao hơn nhiều lần.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Giám đốc Marketing của Lazada Việt Nam cũng chia sẻ với báo chí, có nhiều lý do khiến livestream trở thành đòn bẩy doanh thu cho các nhà bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử. Tận dụng lợi thế từ lượng người dùng khổng lồ có sẵn, các nhà bán hàng có thể thu hút lượng người xem đông đảo mà không tốn chi phí. 

Sơn Mai