Chồn nâu đã được du nhập như là một động vật trang trại ở Đan Mạch từ những năm 1920 của thế kỷ trước. Thập niên 1980, Đan Mạch là nhà sản xuất lớn thứ hai về chồn nâu, sau Hoa Kỳ. Buôn bán lông thú đã được khai báo là một trong hai mươi chín “cụm thẩm quyền đặc biệt trong đời sống kinh tế của Đan Mạch”.
Nỗi sợ hãi từ những hố chôn tập thể
Là quốc gia nổi tiếng luôn trong Top đầu của thế giới về xuất khẩu lông chồn thế nhưng hiện nay, Chính phủ Đan Mạch đang phải đối mặt với vấn nạn vô cùng nan giải: làm gì với xác hàng triệu xác chồn nâu khi buộc phải giết bỏ chúng. Nỗi lo lắng là rất lớn, bởi thậm chí, số chồn nâu bị giết còn tăng lên rất nhiều và chưa dừng lại.
Quyết định khó khăn này được đưa ra sau khi phát hiện loài thú có túi nhỏ nói trên mang trong người một dòng virus corona đặc biệt nguy hiểm. Ít nhất 12 người Đan Mạch đã bị nhiễm các biến thể của chủng virus SARS-CoV-2.
Nữ Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã bật khóc khi bà ngỏ lời xin lỗi vì quyết định giết chồn hàng loạt. Đến thăm một nông trại nuôi chồn ở vùng Kolding, nơi những con vật bị sát hại dù vẫn khỏe mạnh, bà Frederiksen nói trong nước mắt: “Tôi xin lỗi vì những gì xảy ra, đã có sai sót xảy ra”. Nhiều lần bà Mette Frederiksen nghẹn lời lau nước mắt, đồng thời khẳng định đây không phải là lỗi của những người nuôi chồn.
Sau khi hàng chục triệu con chồn bị giết bỏ, người ta đã tiến hành đào những hố chôn tập thể để vùi lấp hàng triệu xác chồn với tổng khối lượng lên đến 10.000 tấn. Thật đáng sợ khi một hiện tượng tự nhiên đã đẩy xác chồn trở lại mặt đất. Theo lý giải của giới chức Đan Mạch, quá trình phân hủy tạo ra khí gas, khiến xác trương lên và có thể bị đẩy khỏi mặt đất.
“Xác chúng phân hủy, tạo ra các loại khí làm trương phình toàn bộ hố chôn. Trong trường hợp xấu nhất, xác chồn bị đẩy trở lên mặt đất” – người phát ngôn cảnh sát Thomas Kristensen nói với đài truyền hình quốc gia DR.
Cư dân mạng xã hội tại Đan Mạch đã thổi bùng lên những làn sóng lo ngại khi chúng kiến hình ảnh và video về những cái xác trồi lên khỏi mặt đất. Đông đảo dân cư sống gần hai khu vực chôn nhiều chồn nâu gần thành phố Karup và Holstebro lo sợ nguồn nước họ sử dụng có thể bị ô nhiễm, bất chấp việc các quan chức ngành môi trường khẳng định nguồn nước dùng là an toàn.
Những hố chôn tập thể trên nằm quá gần một hồ nước. Điều này làm dấy lên nỗi lo sợ nguồn nước uống trong vùng sẽ bị nhiễm bẩn. Giám đốc Susan Münster của Công ty nước Danske Vandværker bày tỏ: “Không thể hiểu nổi tại sao lại chôn chồn ở địa điểm trên. Chúng tôi không biết được những loại chất gì sẽ ngấm vào nguồn nước mà sau đó người dân sử dụng”.
Trước tình hình đáng lo ngại này, Công ty nước Danske Vandværker đã buộc phải phát đi thông cáo cho hay: nước do người dân tự khai thác như đào giếng có nguy cơ nhiễm bẩn đặc biệt cao.
Chồn sổng chuồng và nguy cơ lây lan Sars-CoV-2
Nguy cơ chồn nhiễm bệnh trong tự nhiên đã được xác nhận. Cơ quan nghiên cứu nhà nước của Đan Mạch - Statens Serum Institut - xác định được một số biến thể Covid-19 từ chồn. Trong đó, một biến thể được gọi là C5 đang làm dấy lên những lo ngại về hiệu quả vắc-xin.
Ở Đan Mạch, thường xuyên xảy ra hiện tượng chồn nuôi nhốt sổng ra khỏi các trang trại. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ chồn mang theo virus Covid-19 có thể lây nhiễm sang động vật hoang dã, làm lây lan Covid-19 trong tự nhiên.
Giám đốc nghiên cứu thú y tại Cục Quản lý Thực phẩm và Thú y Đan Mạch Sten Mortensen cho hay: “Mỗi năm, vài nghìn con chồn vizon sổng ra ngoài. Chúng tôi biết điều đó vì chúng là loài xâm lấn nên năm nào những người săn bắt và đánh bẫy cũng giết vài nghìn con chồn hoang dã. Số lượng chồn thoát ra ngoài khá ổn định”.
“Năm 2020, có nguy cơ khoảng 5% số chồn thoát khỏi các trang trại bị nhiễm Covid-19” - Giám đốc nghiên cứu thú y tại Cục Quản lý Thực phẩm và Thú y Đan Mạch thông tin thêm với báo giới.
Nguy cơ Sars-CoV-2 di chuyển vào các quần thể hoang dã khiến giới khoa học lo ngại. Giáo sư vi sinh vật học Joanne Santini thuộc Đại học College London phân tích rằng khi còn ở trong môi trường hoang dã “sẽ vô cùng khó khăn để kiểm soát hiện tượng lây lan sang động vật rồi lây ngược trở lại con người”.
Việc lây truyền sang môi trường hoang dã có nghĩa là “virus có thể mở rộng phạm vi vật chủ và lây nhiễm sang các loài động vật khác mà thông thường nó sẽ không thể lây nhiễm” – giáo sư Santini bày tỏ lo lắng.
Giáo sư Marion Koopmans - Trưởng khoa nghiên cứu virus thuộc Đại học Erasmus cho biết: “Sars-CoV-2 có khả năng tiếp tục lưu hành trong các trang trại quy mô lớn hoặc qua các cá thể sổng vào hoang dã như lửng, rái cá, chồn ferret, martens, chồn vizon và chồn sói… hoặc động vật hoang dã khác. Về lý thuyết, giống như virus cúm gia cầm và cúm lợn, chúng tiếp tục phát triển trong vật chủ, tạo thành mối đe dọa đại dịch thường trực đối với con người và động vật”.
Ở Mỹ, người ta hy vọng một loại vắc xin cho chồn vizon sẽ sớm được đưa vào sử dụng. TS John Easley - bác sĩ thú y và Giám đốc nghiên cứu tthuộc Ủy ban Lông thú Hoa Kỳ hy vọng “một trong ba vắc xin giàu khả năng” sẽ sẵn sàng vào mùa xuân cho những người nuôi chồn ở Hoa Kỳ và các nước khác.
Ngành công nghiệp chăn nuôi chồn nâu có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Đan Mạch, là quốc gia sản xuất da chồn lớn nhất trên thế giới, sản xuất 40% những bộ lông thú của thế giới và xếp hạng thứ ba trong các mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp của Đan Mạch có nguồn gốc động vật. Lông thú và da chồn có giá trị xuất khẩu hàng năm khoảng 0,5 tỷ EUR.
Trần Linh (T/h)