Cuộc đua khốc liệt vào thị trường giao nhận đồ ăn: Mèo nào cắn mỉu nào?

00:00 12/10/2020

Sự gia nhập cùng những "làn gió mới" về công nghệ, vận hành đã khuấy động thị trường giao nhận đồ ăn tại Việt Nam.

Chỉ trong vòng hai ngày đầu tháng 10, những động thái đổ xô vào thị trường thủ đô của các hãng dịch vụ vận chuyển công nghệ khiến thị trường giao đồ ăn “nhộn nhịp” hơn bao giờ hết.

Liên tục được hâm nóng

Báo cáo của Euromonitor cho thấy thị trường đặt món trực tuyến tại Việt Nam có giá trị khoảng 33 triệu USD trong năm nay và có thể đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Lĩnh vực giao đồ ăn, hàng hoá trực tuyến tại Việt Nam đang dần trở thành miếng bánh "béo bở". Điều này lý giải vì sao ngày càng có nhiều đơn vị đầu tư vào lĩnh vực này.

Ảnh minh họa

Xuất phát sớm với tốc độ “đáng nể”, Now.vn (trước đây là DeliveryNow) nằm trong hệ sinh thái ẩm thực Foody. Với 6 năm tuổi đời, Foody cung cấp các địa chỉ ẩm thực và “cắm rễ” khá sâu vào thói quen tìm kiếm địa chỉ ẩm thực của người Việt. Do hệ thống giao hàng riêng biệt so với các nhà hàng, khách đặt món trên Now thường phải trả thêm phụ phí theo địa điểm đặt hàng và vị trí của nhà hàng.

Bên cạnh Now, Vietnammm cũng là một tên tuổi “khá lâu đời” tại Việt Nam khá phổ biến, có mặt tại 5 tỉnh thành Việt Nam. Khác với Now, mô hình Vietnammm.com hợp tác với nhà hàng nên khách hàng không mất thêm phụ phí.

Một "tân binh" mới gia nhập thị trường đó là Lalamove. Trước khi bước chân vào thị trường Hà Nội, Lalamove đã có kinh nghiệm 5 năm hoạt động tại 112 thành phố, ở 7 quốc gia châu Á. Ông Nguyễn Đức Lợi - Giám đốc điều hành Lalamove Việt Nam đặt mục tiêu có 10.000 đối tác tài xế giao hàng thường xuyên, với thu nhập trung bình 7 triệu đồng mỗi tháng vào đầu năm sau.

Gia nhập thị trường trước Lalamove đúng 1 ngày, Grab cũng chính thức "trình làng" ứng dụng GrabFood. Nhiều người đồn đoán rằng, thị trường quá nhỏ, nên GrabFood ra đời chỉ để hoàn thành mục tiêu siêu ứng dụng mà Grab hướng đến.

Tuy nhiên, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam không giấu tham vọng khi cho biết, giống như cách mà Grab hay Uber từng xuất hiện và thay đổi tư duy người dùng, khai phá thị trường gọi xe công nghệ, ông tin rằng GrabFood sẽ tạo ra kỳ tích tương tự.

Cùng chung mục tiêu phát triển thành một siêu ứng dụng như Grab, nhưng Go Viet hiện mới chỉ cung cấp dịch vụ giao hàng Go Send. Doanh nghiệp này cũng đặt kế hoạch ra mắt dịch vụ giao đồ ăn tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất, dự kiến vào cuối năm nay. Tại thị trường Indonesia, Go Jek đã hợp tác với hơn 250.000 tiệm ăn. Năm ngoái, dịch vụ Go Send của hãng công nghệ này đã phân phối hơn 800.000 sản phẩm thời trang và 2,3 triệu mặt hàng đồ ăn cho 203.000 cửa hàng trực tuyến quy mô nhỏ.

Thị trường sẽ đi về đâu?

Thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam tuy khá mới nhưng đã vô cùng sôi động. Cái tên sừng sỏ nhất đang được đông đảo người dùng biết đến trên thị trường là Now (tên cũ là DeliveryNow), thuộc Foody. Ứng dụng giao và đặt đồ ăn của Foody đã "cắm rễ" trên thị trường từ vài năm nay, đứng đầu về số lượng đơn hàng (khoảng 25.000 đơn/ngày, theo một nguồn tin)…

Tuy nhiên, về cốt lõi, các dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến đều thực hiện kết nối giữa 3 bộ phận là khách hàng, nhà hàng và shipper. Tức là khi khách hàng vào web hoặc ứng dụng để đặt món, nhà hàng sẽ nhận được thông tin về đơn hàng để chuẩn bị chế biến, đóng gói. Trong khi đó, shipper được thông báo để di chuyển đến nhà hàng và sau đó mang thức ăn đến địa điểm của người mua. Tuy nhiên, quá trình này của Now vẫn tương đối "thủ công" với quy trình có phần rườm rà khi phải thông qua thêm bộ phận call center. Vì thế, tốc độ xử lý đơn hàng và giao nhận đồ ăn không là lợi thế của Now.

Chưa kể, quy trình chưa tự động hóa nhiều khiến hệ thống dễ quá tải nếu số lượng đơn hàng đổ về quá nhiều trong giờ cao điểm.

Là người đến sau cùng trên thị trường giao nhận đồ ăn hiện tại, nhưng Grab sở hữu lượng người dùng rất lớn từ thị trường đặt ô tô và xe máy, dữ liệu người dùng lớn, cũng như kinh nghiệm triển khai mảng giao đồ ăn ở thị trường Indonesia và Thái Lan. Bên cạnh đó, đơn vị này có mạng lưới đối tác tài xế rộng rãi, dày đặc.

Tuy nhiên, mới "chân ướt chân ráo" gia nhập thị trường, GrabFood vẫn chỉ là tân binh trong lĩnh vực này khi mới bắt đầu quá trình kết nối với các nhà hàng, quán ăn. Bên cạnh đó, shipper tự do cũng có thể là một điểm trừ cho Grab. Điều này dẫn đến việc, các hãng giao hàng truyền thống dùng nhân sự của mình (trả lương nhân viên) nên các đơn hàng tự chủ động được còn GrabFood dùng tài xế tự do, có thể họ sẽ không nhận đơn đó.

Bên cạnh đó, khá nhiều tài xế cũng còn e ngại phải ứng tiền trước cho bên gửi hàng và có khả năng chịu rủi ro khi người dùng không nhận hàng hoá, món ăn. Ví dụ, Lalamove hiện áp dụng chính sách để tài xế ứng tiền, mua hộ tối đa lên đến 3 triệu đồng tại TP HCM và 2 triệu đồng tại Hà Nội.

Về phía các cửa hàng, một số đơn vị cũng chưa coi trọng việc bán, giao hàng qua ứng dụng của bên thứ ba. Đại diện một chuỗi cửa hàng trà sữa ở Hà Nội nói, doanh thu chủ yếu vẫn đến từ kênh bán hàng trực tiếp và đặt, giao hàng qua số điện thoại, ứng dụng của chính cửa hàng. Thời gian tiếp nhận và giao đơn hàng của hệ thống này vẫn nhanh hơn qua ứng dụng của bên thứ ba. Vị này cho biết, khi ngày càng có nhiều hãng cung cấp dịch vụ giao hàng, yếu tố mà doanh nghiệp quan tâm nhất là chính sách hỗ trợ và chiết khấu.

Trong bối cảnh cuộc đua giao hàng trực tuyến nóng lên, khách hàng sẽ ngày càng được hưởng lợi, có thêm nhiều lựa chọn khi các hãng đua cạnh tranh bằng cách tung khuyến mại, nâng cao chất lượng dịch vụ... để giành thị phần. Đại diện các hãng như Grab, Go Viet hay Lalamove đều khẳng định, cạnh tranh là tốt cho thị trường, người tiêu dùng, cũng như bản thân doanh nghiệp. Lãnh đạo một trong ba đơn vị này còn cho rằng thị trường Việt Nam sẽ có thêm nhiều đối thủ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng dự báo, sự bùng nổ này sẽ sớm châm ngòi cuộc chiến giữa các hãng giao hàng công nghệ với các doanh nghiệp truyền thống trong lĩnh vực này như Uber, Grab với taxi truyền thống trước đây.

Ngoài ra, theo một doanh nhân trong lĩnh vực vận chuyển truyền thống cho rằng từ lâu những người vận chuyển thư tín đã được thừa nhận là một nghề. Doanh nghiệp truyền thống thực thi những chính sách cụ thể như đóng bảo hiểm xã hội, để tài xế có lương hưu. Anh cho rằng bằng cách thức đó, giao hàng mới đúng là một nghề thực sự. Còn đối với những mô hình kinh tế chia sẻ, liệu họ làm được việc đó hay không?

Nha Trang