Cuộc chiến giữa Boeing và Airbus liệu có nổ ra?

00:00 12/10/2020

Năm 2020 là một năm đen tối với ngành hàng không toàn cầu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Không dừng lại ở đó, cả Liên minh châu u và Hoa Kỳ đều đang chuẩn bị áp một loạt thuế mới đến hàng xuất khẩu lẫn nhau.

Chế tạo máy bay từ lâu đã là ngành công nghiệp có tính tự hào và khẳng định vị thế công nghệ cũng như năng lực kỹ thuật của các quốc gia trên thế giới. Hai cái tên đang thay nhau dẫn đầu lĩnh vực công nghiệp hàng không hiện nay chính là Boeing và Airbus. Một cuộc tranh chấp thương mại giữa hai người anh cả của ngành hàng không thế giới rất có thể sẽ diễn ra khi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu chuẩn bị đưa ra một loạt các biểu thuế đánh vào các mặt hàng xuất khẩu của nhau.

Ảnh minh họa.

Nguyên nhân cuộc chiến

Nguyên nhân của cuộc thương chiến xuất phát từ chính sách hỗ trợ mang tính bảo hộ của cả Hoa Kỳ lẫn Liên minh châu Âu dành cho hai hãng sản xuất máy bay Boeing và Airbus.

Vào năm 2004, Hoa Kỳ đã tố cáo EU vi phạm điều khoản của WTO vì sự hỗ trợ của quốc gia thành viên đối với Airbus. Đến năm 2011, WTO đã ra phán quyết cho thấy EU đã tài trợ cho Airbus hàng tỷ USD bất hợp pháp cho phép Airbus ra triển khai nghiên cứu dòng máy bay thân rộng và bay chặng ngắn. EU đau đó đã mở một vụ kiện song song chống lại Hoa Kỳ, cho rằng Boeing được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của nhà nước cùng các hợp đồng không gian và quân sự ưu đãi, giúp làm giảm chi phí phát triển máy bay dân sự. Năm 2012, WTO xác định Boeing đã nhận được ít nhất 5,3 tỷ USD viện trợ bất hợp pháp từ chính phủ Hoa Kỳ. Các vụ kiện tiếp tục diễn ra trong suốt quá trình WTO giải quyết tranh chấp cho đến năm 2019, khi WTO cho phép Hoa Kỳ áp đặt một khoản thuế trừng phạt trị giá 7,5 tỷ USD đối với hàng xuất khẩu của EU. Do sự chậm trễ về mặt thời gian, WTO sẽ không thể đưa ra phán quyết trả đũa đối với khiếu nại của EU về Boeing cho đến mùa thu này.

Tại sao cuộc chiến lại nổ ra lúc này?

Hoa Kỳ hiện đang tăng cường sức ép đối với EU, bằng cách chuyển thuế quan sang các mặt hàng xuất khẩu khác châu Âu như ô liu, bia, rượu gin và xe tải trị giá 3,1 tỷ USD, theo chiến thuật thương mại được gọi là trả đũa băng chuyền (carousel retaliation). Ở chiều ngược lại, EU đang chờ được WTO cho phép áp thuế lên 11,2 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ vào khu vực này. Năm 2019, WTO cho biết Hoa Kỳ đã tiếp tục cung cấp các khoản tài trợ bất hợp pháp cho Boeing thông qua chương trình ưu đãi thuế quan của tiểu bang Washington vốn gây bất lợi cho Airbus. Hoa Kỳ sau đó cho biết họ đã tuân thủ phán quyết của WTO sau khi nhà nước chấm dứt việc giảm thuế đối với Boeing, nhưng WTO vẫn chưa xác nhận tuyên bố này của Hoa Kỳ.

Airbus và Boeing đã nhận được những viện trợ nhà nước nào?

Chính phủ Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh đã tài trợ cho Airbus thông qua các khoản vay ưu đãi để phát triển máy bay, chuyển đổi cổ phần, xóa nợ và nhiều khoản đóng góp tài chính khác. Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho Boeing thông qua các dự án tài trợ nghiên cứu và phát triển của liên bang, các chương trình thuế của tiểu bang cũng như tài trợ liên quan đến cơ sở hạ tầng. Cả Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đều cáo buộc các biện pháp của nhau không tuân thủ Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO(WTO’s Agreement on Subsidies and Countervailing Measures), bao gồm các nguyên tắc chung có liên quan đến trợ cấp và biện pháp đối kháng mà tất cả các thành viên WTO phải tuân thủ.

Ảnh minh họa.

Hiệp định phân chia trợ cấp thành trợ cấp bị cấm và trợ cấp được chấp nhận. Các khoản trợ cấp được chấp nhận gồm hai loại: Trợ cấp có thể khiếu kiện và trợ cấp không thể khiếu kiện.

Khi những hình thức trợ cấp của chính phủ gây ra “những tác động xấu” tới lợi ích thương mại của những nước khác, Hiệp định cho phép nước này đánh thuế đối kháng để cân bằng trợ cấp. Các khoản thuế như vậy chỉ được áp dụng sau khi điều tra kỹ lưỡng, các cơ quan có thẩm quyền điều tra thỏa mãn rằng có mối liên hệ nhân quả giữa nhập khẩu được trợ cấp với thiệt hại vật chất cho ngành sản xuất liên quan. 

Tại sao Boeing và Airbus rất quan trọng đối với chính phủ của họ?

Trong hơn 20 năm, Boeing và Airbus đã duy trì sự độc quyền trong thị trường máy bay dân dụng cỡ lớn, vốn đang chịu sức ép sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 đã làm giảm nhu cầu mua sắm máy bay mới. Doanh số bán hàng của hai hãng rất quan trọng, cả về mặt thương mại và chính trị do chúng trực tiếp tạo ra hàng ngàn việc làm và là một thành phần quan trọng trong cán cân thương mại tổng thể của cả Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ. Sự cạnh tranh địa chính trị cũng ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ giữa hai công ty. Airbus được thành lập cách đây nửa thế kỷ với tư cách là một tập đoàn tập hợp các nguồn lực của các công ty hàng không vũ trụ châu Âu bao gồm Aerospatiale của Pháp, Deutsche Airbus của Đức và Construcciones Aeronauticas SA của Tây Ban Nha. Mục đích về chính trị, công nghiệp và công nghệ của Airbus là nhằm cạnh tranh sự thống trị của các nhà sản xuất máy bay chở khách của Hoa Kỳ: Boeing với các mẫu 707, 737 và 747, McDonnell Douglas với các dòng DC-8, DC-9 và DC-10 và Lockheed với máy bay Tristar ba động cơ.

Ảnh minh họa.

Liệu tranh chấp có thể được giải quyết ôn hòa?

Airbus cho biết vào ngày 24 tháng 7 vừa qua, họ đã đồng ý thay đổi khoản viện trợ có thể hoàn lại từ Pháp và Tây Ban Nha dành cho máy bay phản lực A350 để đổi lại sự miễn giảm thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng hóa châu Âu. Ủy viên Thương mại EU Phil Hogan kêu gọi Hoa Kỳ chấp nhận đàm phán dàn xếp và cho biết EU sẵn sàng trả đũa hàng hóa Mỹ nếu hai bên không thể đạt được sự đồng thuận.

Mục tiêu của Hoa Kỳ là gì?

Mục tiêu ban đầu của Hoa Kỳ là nhằm ngăn chặn Liên minh Châu Âu tài trợ cho dự án máy bay Airbus A350 XWB - đối thủ tiềm tàng với 787 Dreamliner của Boeing. Nhưng tính đến nay, Airbus đã hoàn thành sản xuất và cung cấp hơn 360 máy bay A350 XWB. Hiện nay, lợi ích thực sự duy nhất mà Hoa Kỳ có thể có được, ngoài việc áp dụng thuế trả đũa đối với hàng hóa xuất khẩu của châu Âu, là ngăn chặn các khoản tài trợ của châu Âu cho phép bán phá giá các loại máy bay Airbus mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành hàng không cũng đang rất ảm đạm và ít có các đơn hàng mới, Airbus cũng đang giảm động lực phát triển các dòng máy bay mới trong tương lai gần. Nghiên cứu từ công ty dịch vụ tài chính Mỹ Jeffries Group dự đoán, tình hình giao hàng của Airbus sẽ giảm mạnh trong năm 2020 từ dự tính là 880 chiếc xuống chỉ còn 650 chiếc. Bên cạnh đó, Airbus phải ngừng hoạt động tại các nhà máy của họ ở Pháp và Tây Ban Nha trong 4 ngày khi đại dịch virus Covid-19 đang lan rộng. Tính đến ngày 30/7, Airbus cho hay họ đã ‘đốt” hơn 12 tỷ Euro tiền mặt và lỗ ròng 1,9 tỷ Euro (2,2 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2020. Trước tình hình khó khăn hiện nay, Airbus dự định giảm 40% sản lượng máy bay. Trước đó, ngày 29/4, Boeing (Mỹ) cũng đã thông báo lỗ 2,4 tỷ USD trong quý 2/2020 và dự kiến thu hẹp hoạt động sản xuất sau khi đã thông báo sẽ cắt giảm 10% lực lượng lao động của doanh nghiệp này.

Cả hai bên cho biết họ cũng mong muốn đạt được một thỏa thuận, mang hình thức một hiệp định máy bay song phương mới.

Nếu trước năm 2020, áp lực về cạnh tranh cũng như hiệu quả lợi ích cho các hãng hàng không đã khiến cả Boeing và Airbus gặp nhiều rắc rối về tài chính cũng như chất lượng máy bay, thì nay dịch Covid-19 đã đánh thêm một đòn mạnh mẽ đến sự tồn tại của hai hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới này. Sự nhập cuộc của các chính phủ là điều tất yếu để bảo vệ ngành công nghiệp công nghệ cao mũi nhọn quốc gia, song trong bối cảnh hiện nay, bản thân các doanh nghiệp và các chính phủ cũng cần có sự hợp tác tìm cách cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đây cũng nên là thời điểm mà ngành hàng không nhìn lại và cải tổ các vấn đề đã tồn tại từ lâu, từ chất lượng đến việc giảm tính độc quyền phân phối nhằm đưa toàn ngành hàng không thế giới trở lại guồng phát triển an toàn, bền vững.

Nguyễn Trần Minh Trí