Nhân viên y tế nỗ lực cứu chữa bệnh nhân trong cơn mưa lũ. |
Cứu bệnh nhân ngừng tim trên xuồng giữa biển nước; phẫu thuật cấp cứu thành công ca viêm ruột thừa dọa vỡ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng; vừa phòng chống bão lũ vừa cấp cứu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân... Những nỗ lực của ngành y tế Yên Bái không chỉ đảm bảo an toàn về tính mạng cho người bệnh và nhân viên y tế mà còn góp phần duy trì liên tục hoạt động y tế, đảm bảo các bệnh nhân vẫn nhận được sự chăm sóc tốt nhất ngay trong những tình huống thiên tai phức tạp với mục tiêu giảm thiểu tối đa thiệt hại và rủi ro, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.
Đêm ký ức kinh hoàng
Đêm 9/9 bước sang ngày 10/9/2024 đã trở thành một đêm kinh hoàng đối với nhiều người dân thành phố Yên Bái; khi mà chỉ trong vài tiếng đồng hồ, nhiều địa bàn trong thành phố đã ngập chìm trong nước. Trong màn đêm tăm tối, mưa trên trời cứ trút ào ào liên tục, nước ở đâu cuồn cuộn đổ về các tuyến đường, khu phố như những dòng sông, con suối hung dữ đang ngạo nghễ thách thức, trêu ngươi sự kiên nhẫn của con người. Sợ hãi, hoảng loạn và bất lực, nhiều người chỉ biết than trời, phó mặc cho số phận khi nhìn dòng nước cứ dâng cao ngay trước mắt mà không thể làm gì được. Những người kịp đi sơ tán từ khi được chính quyền địa phương cảnh báo, vận động thì chỉ biết cầu cho ngôi nhà và các tài sản trong nhà của mình thiệt hại ở mức thấp nhất. Thành phố trắng đêm không ngủ.
Đến giờ, mỗi khi nhớ lại ký ức kinh hoàng đó, bác sỹ Bùi Thị Bích Hợi, Trạm trưởng Trạm y tế Phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái vẫn không khỏi bàng hoàng. Chị Hợi kể lại mà giọng vẫn còn run run:
“Ca trực tối 9/9/2024, trạm chúng tôi có tổng số 4 người. Khoảng 19h30 có một bệnh nhân nữ 76 tuổi, ở Tổ 12 vào trạm trong tình trạng tăng huyết áp. Sau khi thăm khám và xử lý, khoảng 15 phút sau thì huyết áp bệnh nhân ổn định. Chúng tôi đã cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi và động viên bà ở lại trạm để tiếp tục theo dõi. Khoảng 20h, tôi nghe có tiếng gọi và hô hoán của người dân “nước suối đang cao ngập đến mặt cầu rồi”. Sau đó, chúng tôi đã được một số bà con nhân dân cùng hỗ trợ giúp kê đồ đạc, máy móc, thiết bị điện tử lên cao. Nhưng đến tầm 21h, thấy nước tràn về rất nhanh, tôi lập tức gọi điện đề nghị ứng cứu thì 15 phút sau, đội cứu hộ của phường đã tới và khẩn trương chuyển bệnh nhân về nhà an toàn. Kíp trực chúng tôi đã khóa hết cửa các phòng, sơ tán sang tầng 2 của nhà dân. Nhìn qua cửa sổ, thấy toàn bộ mênh mông như một dòng sông, chỉ mờ mờ thấy mái nhà của trạm trong biển nước, chúng tôi chỉ biết khóc trong bất lực, xót xa...”
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến ngày 17/9/2024 toàn tỉnh đã có 53 người chết (trong đó 50 người chết do sạt lở đất; 03 người chết do ngập lũ), 01 người mất tích, nhiều người bị thương do mưa lũ, sạt lở đất. Gần 25.300 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó trên 22.400 nhà bị ngập nước; 303 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 397 nhà bị hư hỏng nặng; 239 nhà phải di dời khẩn cấp.
Tính riêng lĩnh vực y tế, đã có 35 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, ngập lụt, sạt lở (trong đó 18 cơ sở bị ngập; 07 cơ sở bị sạt lở; 10 cơ sở bị cô lập). Tổng thiệt hại ước tính gần 25 tỷ đồng.
Tổng thiệt hại ước tính gần 25 tỷ đồng về lĩnh vực y tế. |
Nhiều cơ sở y tế bị ảnh hưởng nặng nề, như: Bệnh viện Nội tiết bị sạt taluy dương xuống khối nhà nhiễm khuẩn, nhà để máy phát điện, nhà xe bệnh nhân với trên 3.800 mét khối đất đá; Trung tâm y tế huyện Trạm Tấu sạt taluy dương thiệt hại 01 lò đốt rác, một phần nhà kho, khối lượng đất đá khoảng trên 2.000 mét khối; Phòng khám đa khoa khu vực An Bình, huyện Văn Yên bị nứt tòa nhà 3 tầng, sụt lún móng, nhà có hiện tượng nghiêng...
Nỗ lực vì tính mạng và sức khỏe nhân dân
Công tác chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế và UBND tỉnh Yên Bái. |
Các cơ sở y tế trong tỉnh đã triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó về y tế, khắc phục hậu quả sau thiên tai; duy trì thường trực cấp cứu 24/24h sẵn sàng tiếp nhận thông tin, điều phối các tổ cấp cứu ngoại viện, thu dung cấp cứu, điều trị nạn nhân bị thương do ngập lụt và sạt lở đất.
Cùng với cả hệ thống chính trị và các lực lượng, ngành Y tế đã kiện toàn, bổ sung và phát huy tích cực hiệu quả của các đội cấp cứu lưu động, phòng chống dịch bệnh, thanh khiết môi trường. Hiện có 95 đội, với tổng số 542 thành viên; cùng với 417 cán bộ y tế tham gia và huy động tối đa người dân trong cộng đồng cùng tham gia khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với đó, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai phương án kích hoạt tổ cấp cứu ngoại viện sẵn sàng cứu chữa người bệnh.
Trường hợp cấp cứu bệnh nhân nguy kịch trong điều kiện giao thông, thời tiết bình thường đã cần phải chạy đua với thời gian từng phút, từng giây. Và giữa mưa bão, nước ngập, đêm tối, đường sạt lở đất thì khó khăn càng nhân lên gấp bội.
Công tác cứu chữa bệnh nhân kịp thời trong thời điểm mưa bão |
Câu chuyện về các ca cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Văn Yên trong những ngày đỉnh điểm của cơn bão số 3 vừa qua là một ví dụ về sự tận tâm, nỗ lực, quyết đoán, kinh nghiệm và chuyên môn vững vàng của đội ngũ nhân viên y tế, quyết tâm giành giật lại sự sống cho bệnh nhân trong điều kiện, hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt, nguy hiểm.
Đáng nhớ nhất là trường hợp bệnh nhân Đặng Thị Tư, sinh năm 1993, ở thôn Khe Qué, xã Viễn Sơn. Khoảng 8h30 sáng 10/9/2024, đất đá bất ngờ đổ sập xuống nhà, chồng chị Tư đã tử vong tại chỗ. Chị Tư được lực lượng cứu hộ tìm thấy trong đống đổ nát và đưa đến Trạm Y tế xã sơ cứu. Sau tai nạn, chị Tư đã hồi tỉnh và được đưa lên xuồng của Ban CHQS đến Trung tâm Y tế huyện Văn Yên tiếp tục cứu chữa.
Trên xuồng đến Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, chị Tư bị ngừng tim đột ngột. Nhân viên y tế cơ sở đi cùng xuồng đã cấp cứu ngừng tuần hoàn. Sau 5 phút bệnh nhân có tim trở lại. Bác sĩ trực cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Văn Yên tiếp nhận, khẩn trương sơ cứu người bệnh cho chụp CT Scanner với chẩn đoán bệnh nhân sốc, đa chấn thương. Sau khi tiến hành chẩn đoán và xin ý kiến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị Tư được chuyển lên tuyến trên tiếp tục điều trị, tính mạng đã được bảo đảm an toàn.
Trường hợp bệnh nhân nam sinh năm 1994, ở xã Lâm Giang đến Trạm Y tế xã thăm khám và được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, cần phải phẫu thuật cấp cứu. Ngay trong đêm, bệnh nhân đã được đội vận chuyển khiêng bằng cáng, phải đi bộ dọc đường sắt, vì tại thời điểm đó, lũ cô lập không có phương tiện. Xuống đến địa phận xã An Bình thì được Công an xã An Bình đón và đưa đến điểm xe cấp cứu đã được tiếp cận. Trung tâm Y tế huyện Văn Yên đã quyết định phẫu thuật cấp cứu, hiện tại bệnh nhân đã ổn định.
TS. Bác sỹ Trần Lan Anh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Những ngày lũ đỉnh, chúng tôi vẫn chia nhau đi thuyền, leo bộ qua đồi vào Bệnh viện để làm việc, trong đó tất cả anh chị em gia đình bị ảnh hưởng vẫn đi làm, đi trực, gác lại việc nhà với tinh thần tất cả vì người bệnh. Đêm nào Bệnh viện cũng thức trắng. Nhưng giữa đêm bão lớn, các bác sỹ còn phải hướng dẫn đường đi qua điện thoại và lo cho cả ca cấp cứu trên đường đến viện”.
Trong những ngày đỉnh điểm của đợt mưa lũ vừa qua, nhiều đơn vị y tế đã tiếp nhận và bố trí chỗ tạm trú, tránh sạt lở cho người dân, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Bệnh viện Đa khoa tỉnh không chỉ đảm bảo an toàn cho người bệnh mà còn bố trí nơi ở cho các gia đình chạy lũ và cùng các nhà hảo tâm lo chu đáo cơm nước cho họ.
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Tính đến ngày 17/9/2024, 100% các trạm y tế bị ngập trên địa bàn toàn tỉnh đã hoàn thành công tác dọn dẹp, vệ sinh, khử khuẩn. Tuy nhiên hệ thống mạng Internet tại 4 Trạm y tế của thành phố Yên Bái bị hư hỏng, đang khẩn trương khắc phục. 26/35 cơ sở y tế đã khắc phục và tổ chức khám chữa bệnh. Hoạt động khám chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh vẫn đảm bảo, không bị gián đoạn. Đến ngày 17/9, các cơ sở y tế đã khắc phục 73,9% cơ sở bị ảnh hưởng,chỉ còn 10 cơ sở đang tiếp tục khắc phục. 100% các Trạm y tế bị ngập đã khắc phục dọn dẹp, vệ sinh, khử khuẩn xong đảm bảo yêu cầu khám chữa bệnh.
Các Trạm y tế bị ngập khắc phục dọn dẹp, vệ sinh, khử khuẩn đảm bảo yêu cầu khám chữa bệnh. |
Ngành Y tế đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách khử trùng nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải, xác động vật trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh cơ sở, qua các nhóm Zalo của các tổ dân phố, khu dân cư...
Sau khi nước rút, ngành Y tế đã cấp hóa chất xử lý nước, khử trùng cho các đơn vị, hộ gia đình, tiến hành phun thanh khiết môi trường và xử lý giếng nước bị ngập. Hiện tại, nguồn nước sinh hoạt đã được xử lý cho 6.360 hộ gia đình, 65 đơn vị công cộng, 22 cơ sở y tế, 11 công trình cấp nước tập trung và đang tiếp tục phun khử khuẩn, vệ sinh, thanh khiết môi trường tại các khu vực công sở, công cộng và các tuyến đường xung quanh thành phố và các địa điểm bị ngập tại các huyện khi nước rút.
Cùng với hoạt động chuyên môn, trong những ngày qua ngành Y tế đã tiếp nhận nguồn lực, thuốc men, trang thiết bị, lương thực thực phẩm do của Bộ Y tế và các địa phương, tổ chức, cá nhân ủng hộ tỉnh Yên Bái, thực sự là những món quà ý nghĩa thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tinh thần tương thân tương ái, đã góp phần giúp địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.
Được biết, hậu quả của cơn bão số 3 đã khiến cho trên 700 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Y tế tỉnh Yên Bái bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề. Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có 185 (chiếm tới 40%) gia đình cán bộ, nhân viên y tế bị ngập nhà hoặc sạt lở đất hỏng nhà, trong đó có 2 nhà bị sập hoàn toàn nhưng, họ đã gác lại việc nhà để đảm bảo chế độ trực, sẵn sàng ứng phó thiên tai, tham gia vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân trong mưa lũ với những hình ảnh thân thương sẽ được người dân ghi nhớ mãi.
Những nhân viên y tế tận tâm và thầm lặng đã góp phần quan trọng vào những nỗ lực, cố gắng của toàn ngành, quyết tâm bảo toàn sức khỏe và tính mạng nhân dân, cùng với cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua cơn bão dữ.