Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa và Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp tổ chức Chương trình Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024). Chương trình được thực hiện tại 3 điểm cầu: Khu Tượng đài Anh hùng Liệt sĩ Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải Quân (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh); Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 tại TP. Sầm Sơn (TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) và Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh (TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).
Dự tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Cùng dự có đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, gia đình cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954.
Với chủ đề “Niềm tin và Khát vọng”, Chương trình Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024) gồm 3 chương: “Đi vinh quang - ở anh dũng”, “Đồng bào - nghĩa nặng tình sâu” và “Hành trình tiếp nối”. Bằng các tiết mục sân khấu hóa, những thước phim tư liệu quý và “tiếng nói” của nhân chứng lịch sử, cầu truyền hình đã mang đến cho đại biểu và khán giả xem truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật đặc sắc, hoành tráng và nhiều cung bậc cảm xúc.
Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, chương trình đã khơi gợi lại những cuộc chia tay đầy cảm động của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, học sinh lên đường tập kết ra Bắc, mang theo niềm tin vào ngày thống nhất đất nước. “Đi vinh quang, ở anh dũng” - người đi quyết tâm xây dựng miền Bắc vững mạnh, người ở lại giữ trọn lời thề, quyết đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Điểm cầu Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 tại TP. Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), khán giả được xem những ký ức sâu đậm về tình quân dân, về sự đùm bọc và sẻ chia của người dân miền Bắc dành cho những người con ưu tú của miền Nam trong những năm tháng gian khó nhưng đầy nghĩa tình “Tất cả vì miền Nam thân yêu, tất cả vì miền Nam ruột thịt”.
Ê - kíp thực hiện chương trình tại Khu Tượng đài Anh hùng Liệt sĩ Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải Quân (TP. Hồ Chí Minh) tái hiện chân thực những chuyến tàu không số bí mật vận tải vũ khí và chiến sĩ từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Cùng với đó là những câu chuyện xúc động về sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ hải quân trong cuộc kháng chiến.
Phần kết của Cầu truyền hình là những câu chuyện về “Hành trình tiếp nối”. 70 năm đã trôi qua, những thế hệ học sinh miền Nam trưởng thành trên đất Bắc đã nỗ lực đóng góp cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và dựng xây quê hương. Ngày hôm nay, những học sinh miền Nam năm xưa đã không ngừng cống hiến trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước, vì một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, hội nhập với thế giới.
Tại chương trình, Trung tâm lưu trữ Quốc gia III - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) đã trao hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B cho gia đình. Theo đó, tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, ông Trần Minh Lý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ đã trao kỷ vật đi B của liệt sĩ Hồ Hữu Hy cho bà Hồ Thanh Thủy (là con gái của liệt sĩ Hồ Hữu Hy). 70 năm trước, liệt sĩ Hồ Hữu Hy đã lên tàu tập kết ra Bắc, và khi trở lại miền Nam chiến đấu ông đã hy sinh. Đến nay gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt của liệt sĩ. Dịp này, Ban liên lạc học sinh miền Nam Trung ương đã trao tặng Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa và Hội Khuyến học tỉnh Đồng Tháp mỗi đơn vị 200 triệu đồng ủng hộ cho công tác giáo dục của địa phương.
Chương trình Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024) khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử to lớn của Hiệp định Genève và sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc năm 1954 trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng thời thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam năm xưa đã không ngại hy sinh, gian khổ ra Bắc học tập, công tác góp phần xây dựng “hậu phương” miền Bắc vững chắc và chuẩn bị lực lượng tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục, bồi đắp truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Thúy Quyên (ĐTO)