![]() |
Hơn 1.000 học sinh, sinh viên trong đường dây lừa đảo Mr.Pips - hệ lụy xã hội sâu sắc |
Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phó Đức Nam – một cái tên nổi tiếng trên mạng xã hội với biệt danh “Mr Pips” – cầm đầu, không chỉ khiến dư luận bàng hoàng bởi mức độ tinh vi và quy mô tài chính lên tới 5.300 tỷ đồng, mà còn đặc biệt đáng lo ngại khi có sự tham gia của hơn 1.000 học sinh, sinh viên. Theo thông tin do Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng – Giám đốc Công an TP Hà Nội – công bố tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 17/4, nhiều người trong số này biết rõ hành vi mình tham gia là lừa đảo nhưng vẫn tiếp tục tiếp tay, khiến cơ quan điều tra buộc phải xử lý nghiêm theo pháp luật.
Vụ việc như một hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng đáng báo động trong nhận thức pháp luật của một bộ phận giới trẻ – những người vốn được kỳ vọng là tương lai của đất nước. Không chỉ dừng lại ở khía cạnh vi phạm pháp luật, sự tham gia của học sinh, sinh viên trong những hành vi như vậy phản ánh rõ rệt sự thiếu hụt về định hướng giá trị sống, cũng như lỗ hổng trong giáo dục kỹ năng số và khả năng đề kháng trước những cám dỗ từ không gian mạng.
![]() |
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng – Giám đốc Công an TP Hà Nội |
Tình trạng lừa đảo qua mạng không còn là hiện tượng đơn lẻ mà đã trở thành vấn đề xã hội nghiêm trọng. Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm, nhiều người dân đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước làn sóng tội phạm công nghệ cao đang lan rộng. Cử tri Nguyễn Thị Hòe (huyện Gia Lâm) cho rằng, lừa đảo qua mạng xã hội và điện thoại đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản của người dân, đồng thời đe dọa an ninh trật tự xã hội. Không dừng lại ở đó, các cử tri Trần Thị Hương và Nguyễn Ngọc Phúc (quận Hoàng Mai) còn nhấn mạnh tình trạng rò rỉ dữ liệu cá nhân – vốn là điều kiện thuận lợi để các đối tượng phạm tội tận dụng cho các mục đích lừa đảo. Cả ba cử tri đều kiến nghị cần có giải pháp tổng thể, từ việc truy tìm nguồn rò rỉ thông tin đến siết chặt quản lý hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân.
Trước thực trạng đó, Dự luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đang được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt quan trọng trong việc tạo dựng hành lang pháp lý vững chắc, giúp Nhà nước và người dân chủ động phòng ngừa các rủi ro từ không gian số. Tuy nhiên, ngay cả khi luật được ban hành, hiệu quả thực thi vẫn phụ thuộc lớn vào nhận thức cộng đồng – đặc biệt là thế hệ trẻ – về quyền riêng tư và trách nhiệm pháp lý khi tham gia các nền tảng trực tuyến.
Có thể thấy, vụ việc liên quan đến Mr Pips và Lê Khắc Ngọ không đơn thuần là một vụ án hình sự quy mô lớn mà còn là bài kiểm tra đối với năng lực quản lý xã hội trong thời đại số. Trong khi công an đã vào cuộc mạnh mẽ, bắt giữ và khởi tố 33 bị can, đồng thời phát lệnh truy nã quốc tế đối với 5 đối tượng, thì về phía xã hội, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để học sinh, sinh viên – những người còn đang ngồi trên ghế nhà trường – không bị lôi kéo vào con đường sai trái?
Trả lời câu hỏi này đòi hỏi một chiến lược toàn diện, trong đó giáo dục pháp luật, kỹ năng số và trách nhiệm công dân cần được lồng ghép sâu rộng từ nhà trường đến gia đình. Cần nhìn nhận rằng, nếu thanh thiếu niên có đủ khả năng phân biệt đúng – sai, đủ hiểu biết để bảo vệ bản thân trên môi trường mạng, thì các đường dây lừa đảo sẽ khó có thể hoạt động với quy mô lớn như thời gian qua.
Tội phạm công nghệ cao sẽ tiếp tục biến hóa phức tạp, nhưng nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, hệ thống giáo dục và mỗi gia đình – cùng với việc ban hành và thực thi hiệu quả các đạo luật liên quan – chúng ta hoàn toàn có thể tạo nên một “lá chắn xã hội” đủ mạnh để ngăn chặn và đẩy lùi loại hình tội phạm nguy hiểm này. Không gian mạng chỉ thật sự an toàn khi mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, được trang bị đủ kiến thức, bản lĩnh và ý thức trách nhiệm trước pháp luật.