Xuất khẩu da giày đã tăng trưởng trở lại sau 3 tháng giảm liên tiếp

18:35 24/11/2021

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, luỹ kế đến hết tháng 10/2021, xuất khẩu giày dép các loại đạt 14,24 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu giày dép các loại sang thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc.

Tháng 10/2021, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam đạt 937 triệu USD, tăng 38,1% so với tháng trước. Như vậy, xuất khẩu của ngành da giày đã tăng trưởng trở lại sau 3 tháng giảm liên tiếp.

Nhìn vào thống kê có thể thấy, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong quý III/2021 đạt 2,925 tỷ USD, giảm 47,7% so với quý II/2021 và giảm 26,9% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu xét về số tuyệt đối thì trong số các ngành hàng xuất khẩu, giày dép là mặt hàng có kim ngạch sụt giảm mạnh nhất so với quý II/2021, khi giảm 2,67 tỷ USD. Tuy nhiên, do các tháng đầu năm xuất khẩu giày dép tăng cao nên tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 13,31 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020 – thấp hơn mức tăng 12,8% của 9 tháng năm 2019 (thời điểm chưa có dịch Covid-19). 

Việt Nam xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép, với lượng xuất khẩu đạt 1,233 tỷ đôi trong năm 2020.
Việt Nam xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép, với lượng xuất khẩu đạt 1,233 tỷ đôi trong năm 2020. (Ảnh: PV)

Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã đẩy nhiều doanh nghiệp sản xuất da giày vào tình thế khó khăn. Một lượng lớn doanh nghiệp phải giảm sản lượng, thậm chí ngừng sản xuất, trong khi chi phí tăng cao, nguồn lao động không đảm bảo... Từ cuối tháng 9/2021, tình hình dịch bệnh có cải thiện, nhưng việc phục hồi sản xuất trong điều kiện “bình thường mới” sẽ phải mất nhiều tháng mới có thể trở lại mức trước khi xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, sự tăng trưởng trở lại của xuất khẩu giày dép trong tháng 10 đã cho thấy sức hồi phục khá khả quan của ngành.

Cũng theo Hiệp hội Da – Giày- Túi xách Việt Nam, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là cú huých lớn cho xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang thị trường EU. Cũng đồng thời góp sức “neo” mức tăng trưởng xuất khẩu của ngành này trong bối cảnh nhu cầu tại các thị trường khác sụt giảm mạnh, doanh nghiệp lao đao vì dịch bệnh.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày- Túi xách Việt Nam khẳng định, không chỉ EVFTA, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, FTA Việt Nam – Vương quốc Anh và Bắc Ireland… cũng đang được các doanh nghiệp khai thác. Tuy nhiên, để tận dụng hơn nữa lợi thế từ các FTA, đẩy mạnh xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước cần nắm đầy đủ thông tin từng thị trường cụ thể, chuẩn bị tốt nguồn lực, đáp ứng các đòi hỏi của thị trường nhất là các yêu cầu về phát triển bền vững.

Đối với đối tác, dựa trên đặc điểm thế mạnh của mình, doanh nghiệp chủ động tìm kiếm và đàm phán với khách hàng. Ngoài ra, khi tham gia một khâu trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin về các khâu còn lại, từ đó vươn lên mắt xích cao hơn, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn.

Bà Phan Thị Thanh Xuân cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết, thực thi nhiều FTA, doanh nghiệp không chỉ tham gia đơn lẻ một mình mà cần có mạng lưới cộng đồng doanh nghiệp để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như nắm bắt, tiếp cận những chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp nâng cao năng lực, xây dựng chiến lược kế hoạch cụ thể. Ngoài ra, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy từ thế bị động sang chủ động, tiếp cận thị trường, tiếp cận nguồn thông tin và có sự chuẩn bị chiến lược sẵn sàng trong bối cảnh sắp tới.

Bên cạnh các lợi thế truyền thống về nhân công, môi trường chính trị, tham gia vào các FTA song phương và đa phương, thì việc kiểm soát tốt dịch bệnh được dự báo sẽ mang lại ưu thế lớn giúp doanh nghiệp Việt Nam đón được đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia khác.

Kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khởi sắc trở lại nhờ chiến lược tiêm chủng vắc xin Covid-19 được thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới, thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ hồi phục nhanh. Các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và EU mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng được phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có mặt hàng giày dép… sẽ tăng trở lại. Do vậy, việc tận dụng cơ hội nhằm giữ và giành được các đơn hàng lớn để phục hồi sản xuất trong nước trong thời gian tới là hết sức quan trọng.

Theo số liệu từ World Footwear Yearbook, Việt Nam xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép, với lượng xuất khẩu đạt 1,233 tỷ đôi trong năm 2020. Lần đầu tiên Việt Nam vượt qua mức 10% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới (chiếm 10,2%), tăng 4,4 lần so với năm 2011 (chiếm 2,3%, với 316 triệu đôi giày được xuất khẩu). Đáng chú ý, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất (về giá trị), vượt xa Trung Quốc. Các quốc gia kế tiếp gồm Indonesia xuất khẩu 366 triệu đôi (3% thị phần); Đức 301 triệu đôi (2,5% thị phần); Thổ Nhĩ Kỳ 280 triệu đôi (2,3% thị phần).

Mai Anh