Phát triển đảng là nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp
Chi bộ Tổng Công ty CP Hợp Lực được thành lập năm 2006. Từ chỗ chỉ có 1 chi bộ với 3 đảng viên đến nay đã phát triển thành Đảng bộ với trên 200 đảng viên sinh hoạt tại 7 chi bộ. Đây cũng là một trong những cơ sở đảng trong DNTN có nhiều đảng viên và hoạt động hiệu quả nhất tại Thanh Hóa.
Nguyễn Văn Thành - Bí thư Đảng ủy Công ty cho biết: Trước khi quyết định thành lập chi bộ, chúng tôi đã băn khoăn rất nhiều. Chủ yếu xoay quanh vấn đề, tổ chức đảng sẽ tác động đến hoạt động của doanh nghiệp như thế nào? Bí thư chi bộ (lúc đó là người lao động) sẽ báo cáo tổ chức đảng cấp trên về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, khi đó mọi khó khăn, thuận lợi, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị phân tán thông tin.
Từ những trăn trở đó, chúng tôi tìm hiểu, phân tích rõ nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp có sử dụng vốn nhà nước và DNTN. Nếu như doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước có đặc thù chủ đạo là quản lý và điều hành con người, tài chính, tài sản do nhà nước giao nên phải thực hiện theo đúng nguyên tắc do Đảng đề ra. Người đứng đầu doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước có trách nhiệm báo cáo toàn diện mọi hoạt động của đơn vị.
Ngược lại, DNTN tự bỏ vốn đầu tư, chịu trách nhiệm toàn diện trước các quy định pháp luật, mà những quy định này cũng được xây dựng từ chủ trương, chính sách do Đảng đề ra. Có nghĩa là, dù chủ doanh nghiệp không phải là đảng viên nhưng họ chịu sự quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước thông qua các hệ thống văn bản luật, mà luật là do Đảng quy định. Đảng lãnh đạo toàn diện thông qua quy định pháp luật. Khi doanh nghiệp hoạt động đúng, đầy đủ chính sách pháp luật cũng đồng nghĩa đã là thực hiện tốt chính sách, chủ trương của Đảng.
Vì vậy bản chất, vai trò, vị trí của tổ chức đảng trong công tác lãnh đạo, quản lý hoạt động của 2 loại hình doanh nghiệp này là khác nhau.
Cấp ủy tôn trọng các quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, điều lệ và các quy chế, quy định của doanh nghiệp. Khi thấy quyết định chưa đúng, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì có quyền trao đổi, nhắc nhở, uốn nắn lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu không thống nhất sẽ báo cáo lên cấp ủy cấp trên và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.
Mối quan hệ giữa cấp ủy cơ sở đảng trong DNTN với HĐQT, Ban lãnh đạo công ty là mối quan hệ phối hợp. Cơ sở đảng trong doanh nghiệp thực hiện tốt chức năng tập hợp, vận động, giáo dục quần chúng. Tổ chức đảng cùng với HĐQT, Ban lãnh đạo doanh nghiệp chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh trên cơ sở thượng tôn pháp luật và đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động. Từ đó, hạn chế những xung đột và vi phạm trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Với nhận thức đầy đủ, đúng đắn như trên, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, cơ sở đảng trong Tổng Công ty CP Hợp Lực đã ra đời. Gần 20 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ nhiều năm liền được đánh giá là cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, được nhận nhiều danh hiệu Đảng, Nhà nước, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh khen thưởng, tôn vinh.
Đặc biệt, mô hình phát triển đảng trong doanh nghiệp của Tổng Công ty CP Hợp Lực được cấp ủy địa phương giới thiệu kiểu mẫu tại nhiều hội nghị, tọa đàm, hội thảo về phát triển đảng trong doanh nghiệp. Cá nhân Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty – GS. TS. Nguyễn Văn Đệ dù không phải là đảng viên nhưng nhiều lần được cấp ủy các cấp mời tham gia làm báo cáo viên tuyên truyền, thảo luận, làm sáng tỏ nhiều vấn đề về đảng trong doanh nghiệp, giúp cấp ủy các cấp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển thành công nhiều mô hình cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.
Có thể khẳng định, sự ra đời và hoạt động của Đảng bộ Tổng Công ty CP Hợp Lực không chỉ giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị ngày càng hiệu quả mà còn góp phần khẳng định sự cần thiết và tính tất yếu của chủ trương phát triển tổ chức cơ sở đảng trong DNTN.
Kinh nghiệm, giải pháp từ thực tiễn
Theo TS. Nguyễn Văn Thành - Bí thư Đảng uỷ, Tổng Giám đốc Công ty CP Hợp Lực, để tổ chức đảng trong DNTN ra đời, phát triển và hoạt động có hiệu quả, trước hết người đứng đầu doanh nghiệp cần hiểu và làm rõ quan điểm: “Đảng lãnh đạo toàn diện trong doanh nghiệp” để doanh nghiệp yên tâm, xây dựng phát triển tổ chức cơ sở đảng.
Đặc biệt, cấp ủy trong doanh nghiệp tuyệt đối không lợi dụng danh nghĩa tổ chức đảng để làm khó, tạo “xung đột” với lãnh đạo doanh nghiệp, không can thiệp vào công việc kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.
Tỉnh Thanh Hoá hiện có hơn 200 nghìn công nhân, người lao động trong các DNTN. Trong số này có rất nhiều đoàn viên thanh niên trẻ, có trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh vững vàng và quan trọng hơn là đang nắm giữ những chức vụ quan trọng trong doanh nghiệp cần được bồi dưỡng, phát hiện để giới thiệu cho Đảng. Hình ảnh của người đảng viên làm việc chăm chỉ, chuyên nghiệp, có văn hóa, giao tiếp cởi mở, có tinh thần trách nhiệm cao tạo uy tín và thể hiện bản lĩnh tiên phong của tổ chức đảng đối với chủ doanh nghiệp.
TS.Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, nội dung hoạt động của tổ chức cơ sở đảng trong các DNTN không được mâu thuẫn với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp. Mục đích cuối cùng là doanh nghiệp ngày càng phát triển, có hiệu quả cao, đảm bảo lợi ích chính đáng của chủ doanh nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Ngoài ra, người đứng đầu cấp uỷ phải thể hiện rõ vai trò là cầu nối, tính thân thiện giữa doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp với các cơ quan chính quyền địa phương và công nhân lao động. Hai mối quan hệ giữa doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp với các cơ quan Đảng, chính quyền địa phương và giữa chủ doanh nghiệp với công nhân lao động phải đảm bảo sự hài hoà, mật thiết.
Hơn nữa, để tổ chức đảng trong DNTN thể hiện vai trò lãnh đạo toàn diện cần phải dựa vào 2 nhân tố cơ bản: Thứ nhất, đảng viên phải thật sự gương mẫu, ưu tú, có trình độ kiến thức chuyên môn cao và kỹ năng cần thiết cho công việc tại doanh nghiệp và được sự ủng hộ, đồng thuận cao của chủ doanh nghiệp. Thứ 2, tổ chức cơ sở đảng trong DNTN phải thể hiện tốt vai trò để chủ doanh nghiệp thấy việc thành lập chi bộ là có lợi, là cần thiết.
Khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cơ chế, chính sách còn bất cập, cấp uỷ, tổ chức đảng phải “xắn tay” cùng lo, cùng kiến nghị lên cấp uỷ cấp trên để được quan tâm, tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ biện chứng, cộng sinh, bởi nếu doanh nghiệp có mạnh thì tổ chức đảng mới mạnh, nếu doanh nghiệp bị phá sản thì tổ chức đảng cũng không hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài những giải pháp đã được phân tích, dẫn dụ cụ thể như trên, TS. Nguyễn Văn Thành cũng đề xuất một số ý kiến về xây dựng, phát triển cơ sở đảng trong DNTN.
Trước hết, ông Nguyễn Văn Thành khẳng định, công tác xây dựng, phát triển đảng và các đoàn thể trong DNTN vẫn là vấn đề mới và khó. Trong khi nhà nước chưa thể luật hóa các quy định về việc thành lập tổ chức đảng và đoàn thể trong doanh nghiệp, ông Thành nêu ý kiến, các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu đề ra chính sách khuyến khích, ưu tiên đối với các doanh nghiệp có thành lập tổ chức đảng. Bởi theo TS. Nguyễn Văn Thành, chúng ta không chỉ tuyên truyền, vận động một cách chung chung mà cần có chính sách cụ thể. Không thể có sự đối xử giống nhau giữa doanh nghiệp có nhiều quyết tâm và ủng hộ việc thành lập tổ chức đảng với những doanh nghiệp chưa mặn mà, thờ ơ. Để làm được điều này, cần có hệ thống đồng bộ và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Để công tác kết nạp đảng trong DNTN đạt hiệu quả cao hơn nữa, ông Nguyễn Văn Thành còn đề xuất ý kiến về việc cải cách thủ tục hành chính và sinh hoạt chi bộ. Đó là cải cách nội dung sinh hoạt định kỳ. Các biểu mẫu, báo cáo đảng trong doanh nghiệp không nên dài, chi tiết như cơ sở đảng trong cơ quan Nhà nước, cần cải cách đơn giản, rút gọn, dễ hiểu, phù hợp với tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Công tác thẩm tra, xác minh lý lịch của người vào Đảng cũng cần cởi mở và rút ngắn quy trình, tránh mất nhiều thời gian, công sức của người gia nhập Đảng... Vì phần lớn đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp dành nhiều thời gian cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ít có nghiệp vụ để nghiên cứu đề án, đề tài khoa học hoặc tham gia các cuộc thi viết, thi tìm hiểu về Đảng và sự kiện chính trị như khối cơ quan nhà nước.
Về phía lãnh đạo Đảng, TS. Nguyễn Văn Thành đưa ra quan điểm cần bỏ cách gọi “doanh nghiệp ngoài nhà nước” để phân biệt với “doanh nghiệp nhà nước”.
Ông Thành giải thích: Việc sử dụng khái niệm này tuy không sai về ngữ nghĩa nhưng trong bối cảnh Đảng ta đã thừa nhận nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là động lực quan trọng của nền kinh tế, thì doanh nghiệp nhà nước hay DNTN đều hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Cách gọi “doanh nghiệp ngoài nhà nước” dễ tạo ra khoảng cách, sự phân biệt giữa hai loại hình doanh nghiệp; khiến các doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực kinh tế tư nhân ... chạnh lòng!
Do đó, TS. Nguyễn Văn Thành đề nghị, trong các văn bản của Đảng, Nhà nước không nên sử dụng cụm từ “doanh nghiệp ngoài nhà nước” mà nên thống nhất một tên gọi “doanh nghiệp tư nhân”. Bởi đã là doanh nghiệp đều chung giống nòi, chung tiếng mẹ đẻ, hát chung một bài Quốc ca, đều do Nhà nước quản lý trên cơ sở quy định pháp luật. Doanh nghiệp đều cùng chung mục tiêu, sứ mệnh là làm ra của cải vật chất, đảm bảo an sinh cộng đồng, phục vụ xã hội, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Minh Hiền