Trưởng thành trong một gia đình có truyền thống làm gỗ mỹ nghệ tại Đồng Kị - Bắc Ninh, bà Vũ Thị Mai sớm nối nghiệp cha ông, mở xưởng sản xuất gỗ lấy tên là Hướng Mai. Làm hàng kỹ, tinh xảo có tiếng, nên theo thời gian, Hướng Mai ngày càng đông khách, có những khách “ruột” gắn bó nhiều năm còn giới thiệu cho gia đình, bạn bè đến mua.
Từ lúc mới khởi nghiệp, hết lần này đến lần khác, bà Mai khốn đốn vì…bị lừa. Bà Mai kể, cú lừa nhớ đời nhất là vào giữa năm 2002, có 2 người đàn ông tìm đến cửa hàng Hướng Mai, đặt rất nhiều sản phẩm và hẹn sẽ nhận sau 1 năm. Vui mừng vì lần đầu tiên có đơn hàng lớn, dù khách mới đặt cọc 200 nghìn, bà nhanh chóng mua nguyên liệu, thuê nhân công, nhằm sản xuất những sản phẩm tốt nhất. Không ngờ, sau khi khách mang hàng đi, thì chỉ nhận được vali toàn giấy trắng. Khi ấy, hai vợ chồng chị Mai mới biết là bị lừa. Trong phút chốc, công sức, tài sản lao động tích góp bao năm tan tành. “Mẹ chồng khóc hết nước mắt, chồng tôi thì ngồi lỳ ở đồn công an đến 12h đêm. Tôi cũng xót xa lắm, nhưng biết sao giờ. Sau này nhiều người thắc mắc vì vẫn thấy tôi cười phớ lớ. Tôi chỉ bảo: Mất rồi thì thôi, quan trọng là tìm cách gây dựng lại”,nữ doanh nhân tâm sự.
3 tháng sau cú mất trắng, cửa hàng của vợ chồng Hướng - Mai lại có khách người Đài Loan tìm đến đặt hàng để bày ở showroom, và hẹn khi có khách sẽ bán ra nước ngoài, lấy tiền rồi trả cho Hướng Mai. Lại một lần nữa, bà Mai đứng trước “quả” lớn, nhưng cũng đầy rủi ro bất trắc: Thông tin về khách hàng chỉ có bấy nhiêu, chu trình giao dịch dài hơn, lại vượt ra ngoài biên giới; lại sẽ là vay vốn mua gỗ, sản xuất và chờ thanh toán. Trăn trở bao ngày đêm, thế rồi một phần vì máu nghề, phần nhiều vì thấy tin tưởng khách, nên Hướng Mai quyết định nhận đơn hàng. “Trời không phụ lòng người. May mắn là từ giao dịch đó, vị khách Đài Loan đã trở thành khách hàng gắn bó với Hướng Mai trong suốt 3 năm tiếp theo. Toà nhà 6 tầng hiện nay của Hướng Mai cũng từ mối làm ăn này mà có”, chị Mai vui vẻ kể.
Những giao dịch với ông khách hàng Đài Loan không ngờ lại mang cho bà nhiều may mắn. Sự "khư khư tin vào khách hàng" của bà Mai lại mang đến cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Ông khách Đài Loan trở thành khách hàng thân thiết nhiều năm, mang lại cho doanh nghiệp nhiều đơn hàng giá trị lớn.
"Trước đây, có một giai đoạn cả làng Đồng Kị lao vào làm hàng cho Trung Quốc, nhà Hướng Mai cũng không ngoại lệ. Hàng lúc đó lại là hàng thô, kém chất lượng. Đến năm 2008, Trung Quốc không lấy hàng khiến giá sản phẩm tụt dốc thảm hại, trong khi tiền đầu tư vào quá nhiều. Lúc đó, không biết bao nhiêu nhà ở Đồng Kị phá sản, bỏ nghề, nhà Hướng Mai cũng cạn kiệt vốn, thậm chí không có lương trả thợ", bà Mai nhớ lại giai đoạn khó khăn.
Theo nữ doanh nhân, niềm tin vào bản thân cũng như tin vào giá trị cốt lõi của làng nghề tổ tiên truyền lại là điều giúp doanh nghiệp thành công. "Việc đặt trái tim của mình vào sản phẩm, vào khách hàng, nhà Hướng Mai chắc chắn sẽ làm lại được những sản phẩm chất lượng", bà Mai cho hay.
Sau khó khăn, Hướng Mai sử dụng chính những nguồn vốn được khách hàng giao phó đó để làm lại từ đầu, sản xuất ra những sản phẩm tinh tế, chau chuốt và mang hồn cốt của nghề tổ. Từ một cửa hàng nhỏ, hiện nay, Hướng Mai đã sở hữu một showroom 9.000m2, một showroom 7 tầng 3.500m2, một nhà máy 3.000m và 5 xưởng sản xuất nhỏ. Sản phẩm của doanh nghiệp được nhiều khách hàng trong và ngoài nước lựa chọn.
Chia sẻ vể phương châm sống và kinh doanh của mình, nữ doanh nhân cho biết: Tôi rất tâm đắc với một câu nói thế này: Tôi chỉ sống trên đời này có một lần, vì vậy có thể làm điều gì nhân ái cho bất kỳ ai thì tôi sẽ không chậm trễ, bởi tôi sợ tôi không được sống đến lần thứ hai hoặc tôi không còn cơ hội. Với tôi, điều quan trọng là làm cái gì cũng phải yêu, đam mê và nhiệt huyết. Đừng đứng núi nọ trông núi kia, đừng từ bỏ, đừng bỏ dở. Bởi khoảng cách giữa thành công và thất bại rất ngắn. Đừng vội từ bỏ, bởi không có gì là dễ dàng cả.
Gia Minh (tổng hợp)