Vụ Silicon Valley Bank sụp đổ: Không gây phản ứng dây chuyền trong hệ thống tài chính, ngân hàng

10:05 12/03/2023

"Từ đống tro tàn sẽ có một ngôi nhà mới được dựng lên". Vì vậy, vụ đóng cửa của ngân hàng SVB không mang tầm cỡ quốc tế, không gây phản ứng dây chuyền trong hệ thống tài chính, ngân hàng của Việt Nam, mà nó chỉ ảnh hưởng về tâm lý, theo chuyên gia.

REUTERS
Nguồn ảnh REUTERS.

Các nhà quản lý Hoa Kỳ đã đóng cửa Silicon Valley Bank (SVB) và kiểm soát tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng này hôm 10/3. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất tại Mỹ kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.

Các động thái này được đưa ra khi SVB, một ngân hàng chuyên cho các công ty khởi nghiệp - đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ vay vốn, đang cố gắng huy động tiền để khắc phục khoản lỗ do bán trái phiếu bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao hơn.

Thông tin này đã khiến khách hàng của họ rút tiền ồ ạt và làm dấy lên lo ngại về tình trạng của ngành ngân hàng.

Silicon Valley Bank phá sản không ảnh hưởng đến Việt Nam

TS Bùi Kiến Thành
TS Bùi Kiến Thành.

Chuyên gia kinh tế - tài chính TS Bùi Kiến Thành cho rằng, việc ngân hàng SVB (Mỹ) đóng cửa không ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng cũng như các hoạt động kinh tế tài chính khác ở Việt Nam.

Tuy nhiên, sự việc này có thể tạo ra tâm lý lo lắng cho một số người có tiền gửi ở các ngân hàng chưa thực sự vững chắc. "Người gửi sẽ đi rút tiền ở các ngân hàng và ngân hàng đó phải đối mặt với khó khăn về tiền mặt khi thanh khoản", TS Bùi Kiến Thành bày tỏ.

Ông Thành chia sẻ từ 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước quản lý tốt hoạt động của các ngân hàng, trong đó cả những ngân hàng chưa thật sự bền vững. Các ngân hàng này chưa có sự quản lý chặt chẽ cho nên có thể dẫn đến nợ xấu và đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng dư luận, từ đó việc quản lý trở nên khó hơn. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý và đưa vào danh sách các ngân hàng cần được theo dõi, kiểm soát.

Cũng có cùng nhận định này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng khẳng định, ngân hàng SVB (Mỹ) đóng cửa không ảnh hưởng đến Việt Nam, mà chỉ ảnh hưởng về mặt tâm lý. Thuật ngữ phá sản có vẻ nặng nề, kinh khủng, nhưng trong Kinh tế học được cho đó là sự “tàn phá sáng tạo”, tức là đơn vị hỏng thì đơn vị giải thể, sau đó nhà đầu tư khác vào đầu tư và vực dậy.

Như vậy là "từ đống tro tàn sẽ có một ngôi nhà mới được dựng lên". Vì vậy, vụ đóng cửa của ngân hàng SVB không mang tầm cỡ quốc tế, không gây phản ứng dây chuyền trong hệ thống tài chính, ngân hàng của Việt Nam, mà nó chỉ là ảnh hưởng về tâm lý.

Ảnh minh họa
Chuyên gia Lê Đăng Doanh 

“Lỗi của ngân hàng này là cho vay quá nhiều, trong khi tiền vốn và tiền người dân gửi tiết kiệm qua kỳ dịch COVID-19 vừa rồi giảm sút. Vì thế họ không có tiền trả lại cho khách. Theo Luật phá sản của Mỹ, khi đơn vị không chi trả được các khoản nợ tới hạn ở một thời gian nhất định thì đơn vị đó phải làm thủ tục phá sản”, chuyên gia Lê Đăng Doanh phân tích.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng cho rằng đây cũng là một bài học cho Việt Nam, chứ không ảnh hưởng đến việc điều chỉnh tỷ giá, đến hoạt động tài chính ngân hàng. Vị chuyên gia này cho rằng việc này cũng không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động ngân hàng của Mỹ.

NHNN sẽ càng kiên định trong việc kiểm soát tỷ lệ LDR 

Theo quan điểm của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, một lần nữa sai lầm đã lặp lại như giai đoạn khủng hoảng của năm 2008. Vào năm 2018, Donald Trump đã ký sắc lệnh bỏ các quy định trong Dodd Frank, tức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không cần kiểm soát các ngân hàng có quy mô dưới 250 tỷ USD.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong năm 2020 và 2021, động thái bơm mạnh tiền của Fed như năm 2001 đã khiến các ngân hàng mạnh tay đầu tư vào các tài sản dài hạn và mạo hiểm hơn, SVB đang có tổng tài sản là 212 tỷ USD và chuyên tập trung đầu tư vào các khoản đầu tư mạo hiểm và startup. Từ khi lãi suất tăng lên thì tốc độ cho vay của SVB đã có xu hướng chậm lại trong năm 2022 và NIM của ngân hàng này cũng thu hẹp dần.

Mô hình quản trị rủi ro của SVB cũng có vấn đề khi ngân hàng này chuyên huy động ngắn và cho vay dài, mô hình này cũng không lạ lẫm ở các ngân hàng Việt Nam. Tóm lại, lượng tiền rẻ từ các chương trình mua trái phiếu (nới lỏng định lượng - QE) của Fed đã khiến SVB quên đi việc quản trị rủi ro của mình.

"Sau vụ việc này, tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ càng kiên định việc kiểm soát tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) của các ngân hàng thương mại (NHTM)," ông Minh cho hay.

 Bài học rút ra ở đây là gì?

Một trong những câu hỏi lớn nhất được đặt ra sau sự việc lần này là có những ngân hàng nào đã mắc phải sai lầm tương tự, tức đánh giá sai về sự tương xứng giữa 1 bên là chi phí và “tuổi thọ” của lượng tiền gửi mà họ huy động được và 1 bên là lợi suất và kỳ hạn của tài sản mà họ có. Đây là điều khác biệt cốt lõi so với những câu hỏi về núi nợ xấu đã thổi bùng lên khủng hoảng tài chính 2008.

Khi tiền ồ ạt chảy vào các ngân hàng trong đại dịch, mua trái phiếu ngắn hạn hoặc giữ tiền mặt sẽ giúp họ phòng vệ tốt trước những rủi ro từ lãi suất tăng. Tuy nhiên điều đó đồng nghĩa thu nhập của ngân hàng giảm xuống. Lần này chính công cuộc đi tìm “lợi suất an toàn” đã gây rắc rối lớn cho họ.

SVB nổi tiếng ở California với tư cách là ngân hàng cho các công ty đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân, chuyên về các khách hàng công nghệ và chăm sóc sức khỏe.

Ngân hàng này đã báo cáo lợi nhuận là 3,4 tỷ USD cho năm 2022, khi có khoảng 172 tỷ USD tiền gửi.

Lâm Nghi t/h