Vĩnh Phúc: Tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh thương mại

09:44 05/07/2022

Để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện công tác nắm bắt địa bàn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, chú trọng kiểm tra, kiểm soát đối với các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng, nhất là các mặt như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), thực phẩm, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi, trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19… Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật tới nhân dân, thương nhân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cũng như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn cùng tham gia đấu tranh, tố giác đối với các hành vi vi phạm về buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Ảnh minh họa
Kiểm tra kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra với mức độ, quy mô nhỏ lẻ. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là quần áo, giày dép. Các đối tượng dùng nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó, gây khó khăn cho lực lượng chức năng như xé lẻ hàng nhập lậu, vận chuyển bằng xe khách, xe tải nhỏ; cất giấu hàng hóa nhập lậu lẫn với hàng hóa có hóa đơn, chứng từ, quay vòng hóa đơn, chứng từ để vận chuyển hàng nhập lậu; lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra 355 vụ, xử lý 41 vụ vi phạm về kinh doanh hàng lậu, hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về giá và các vi phạm khác; thu nộp ngân sách nhà nước trên 264 triệu đồng; vận động 264 cơ sở ký cam kết không kinh doanh hàng hoá nhập lậu, không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả...

Cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra và xử lý đối với mặt hàng trọng điểm xăng dầu. Qua kiểm tra 113 vụ việc, phát hiện và xử lý 2 vụ với số tiền phạt trên 56 triệu đồng. Các hành vi vi phạm đối với mặt hàng xăng dầu là không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; kinh doanh ở địa điểm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh.

 PV