Vĩnh Phúc: Siết chặt quản lý thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu

09:25 16/11/2021

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng tiếp tục phối hợp, kiểm tra việc thực hiện dán tem bổ sung, dán tem lại và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai. Qua đó, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và chống thất thu thuế.

Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 85 DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu với 130 cửa hàng và có 454 cột bơm được phân bổ rộng khắp trên toàn tỉnh. 

  Đoàn kiểm tra tại một địa điểm kinh doanh xăng dầu.

Trong đó, có 1 DN Nhà nước là Chi nhánh Công ty xăng dầu Hà Nội tại Vĩnh Phúc với 32 cửa hàng, 167 cột bơm; còn lại là 84 cơ sở kinh doanh tư nhân với 98 cửa hàng bán xăng dầu, 287 cột bơm.

Thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu thông qua việc dán tem niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng, dầu của Bộ Tài chính; Chỉ thị số 03 ngày 21/4/2021 của UBND tỉnh và Kế hoạch số 3250 ngày 19/5/2017 của Cục Thuế tỉnh về việc tăng cường các biện pháp quản lý nguồn thu và chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, công tác triển khai thực hiện dán tem đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của phần lớn chủ cửa hàng, DN bán lẻ xăng, dầu.

Việc dán tem niêm phong không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN giúp công tác quản lý thuế được minh bạch, rõ ràng, tạo niềm tin với NTD, tăng thu NSNN.

Quá trình kiểm tra trực tiếp của các đoàn kiểm tra liên ngành cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số ít DN chưa tự giác chấp hành chủ trương của tỉnh, nảy sinh một số bất cập khi quy định mẫu về các tiêu chuẩn kiểm định các phương tiện đo xăng, dầu còn chưa được thống nhất, việc dán tem chỉ dừng ở mức niêm phong thông dụng, chưa ứng dụng được công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý.

Để đảm bảo quyền lợi của các DN cũng như người tiêu dùng, tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, chống thất thu NSNN, UBND tỉnh yêu cầu Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp cùng Sở Công thương, Sở KH&CN (Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) triển khai dán mã QR tích hợp cùng phần mềm quản lý thuế với phần mềm tổng hợp và lưu các dữ liệu về ghi chỉ số đồng hồ (công tơ) tổng của các cột bơm xăng, dầu.

Hỗ trợ tính toán doanh thu của từng cơ sở kinh doanh xăng dầu trong từng kỳ; kết xuất và so sánh, đối chiếu với hồ sơ khai thuế của các kỳ tương ứng làm căn cứ xác định và xử lý các vi phạm về thuế.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Cục Thuế tỉnh đã và đang chỉ đạo các phòng chức năng, Chi cục thuế tiếp tục triển khai thực hiện quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu sau dán tem niêm phong và dán mã QR, thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cập nhật chỉ số đồng hồ (công tơ) tổng của các cột bơm xăng, dầu trên địa bàn định kỳ hàng quý và đột xuất khi có sự thay đổi lớn về giá bán xăng, dầu.

Đồng thời, đối chiếu số liệu về sản lượng, doanh thu với hồ sơ khai thuế để xác định nghĩa vụ thuế theo nguyên tắc quản lý rủi ro về thuế; yêu cầu cơ sở kinh doanh xăng dầu giải trình, bổ sung thông tin khi xác định có chênh lệch, rủi ro về thuế.

Tổ chức thực hiện kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất đối với việc quản lý, bảo quản tem niêm phong; kiểm tra và xử lý vi phạm đối với việc quản lý, bảo quản tem niêm phong và vi phạm về thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin trên hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung giữa các cơ quan quản lý Nhà nước để phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn sau khi đã thực hiện dán tem niêm phong và mã QR đồng hồ (công tơ) tổng các phương tiện đo xăng, dầu; xử lý kịp thời các vi phạm theo quy định của pháp luật.

 PV