Điều này được thể hiện qua sự hợp tác đa chiều giữa hai nước trong những năm gần đây. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương 2 nước đạt 7,18 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ ước đạt 4,37 tỷ USD, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn bao gồm điện thoại các loại và linh kiện (924 triệu), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (817 triệu USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (409 triệu USD), hóa chất (162 triệu USD), cà phê (31 triệu USD)... Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ nhiều nhất là sắt thép các loại (124 triệu USD), dược phẩm (164 triệu USD)... Nhìn chung cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Ấn Độ cân bằng và có sự bổ sung cho nhau.
Những thông tin này đã được đưa ra trong sự kiện Kết nối doanh nghiệp & đầu tư Việt Nam và Ấn Độ diễn ra sáng 26/8/2024, tại TP. Hồ Chí Minh do Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Với mục tiêu nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ cũng như tạo cơ hội giao lưu, kết nối quan hệ đối tác thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, sự kiện đã cung cấp thông tin về môi trường kinh doanh, tình hình kinh tế và những chính sách phát triển quan hệ kinh tế của hai nước Việt Nam và Ấn Độ.
Tham dự chương trình có ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, ông Ravi Bhagat - Thư ký đặc biệt cho Bộ trưởng, Chính quyền bang Punjab, Ấn Độ, ông Devinder Pal Singh Kharbanda - Giám đốc Cơ quan xúc tiến đầu tư bang Punjab, Ấn Độ, ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI tại TP. Hồ Chí Minh và 25 tập đoàn, nhà sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu của Ấn Độ trong các lĩnh vực: Nông sản -thực phẩm, vật liệu xây dựng, hóa chất, dược phẩm, thương mại tổng hợp, cơ khí máy móc, May mặc, Công nghệ thông tin…
Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ giữa Việt Nam - Ấn Độ luôn được Chính phủ hai nước quan tâm và củng cố không ngừng trên mọi lĩnh vực. Quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Ấn Độ đã có bước phát triển tích cực. Về quan hệ thương mại, Ấn Độ đang nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia quan trọng trong “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ, nằm trong top 4 quốc gia ASEAN có quan hệ thương mại với Ấn Độ.
Theo ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI tại TP. Hồ Chí Minh, hiện nay hai nước đang đặt ra mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 20 tỷ USD trong thời gian tới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam và Ấn Độ cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh và hỗ trợ nhau như: khai khoáng, hoá chất, dệt may, da giày, năng lượng, y tế - dược phẩm, công nghiệp phụ trợ, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng ô tô, máy nông nghiệp và công nghệ thông tin.
Về đầu tư, tính đến tháng 4/2024, Ấn Độ đã có 402 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 1,021 tỷ USD, đứng thứ 26 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của Ấn Độ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch … Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư, Hiệp định Thương mại và Hợp tác Kinh tế, do đó còn rất nhiều dư địa để tăng cường hợp tác đầu tư và thương mại song phương trong thời gian tới.
“Tôi hy vọng, thông qua sự kiện này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về môi trường đầu tư và những chính sách phát triển quan hệ kinh tế, thương mại của hai nước Việt Nam và Ấn Độ. Bên cạnh đó, phiên kết nối doanh nghiệp B2B sẽ mang lại cơ hội tìm kiếm đối tác mới và tăng cường mối quan hệ kinh doanh cho doanh nghiệp hai bên trong thời gian tới” - ông Trần Ngọc Liêm nói.
Phát biểu tại sự kiện, ông Devinder Pal Singh Kharbanda - Giám đốc Cơ quan xúc tiến đầu tư bang Punjab cho biết, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, với GDP đạt 3,5 nghìn tỷ USD. Ấn Độ cũng đã sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với giá trị GDP đạt 5 nghìn tỷ USD vào năm 2026 – 2027. Chi tiêu tiêu dùng của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng lên gần 6.000 tỷ USD vào năm 2017 – 2030. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt mức cao mới trên 437 tỷ USD vào năm 2023-2024. Hệ sinh thái khởi nghiệp thành công lớn thứ 3 trên thế giới. Ấn Độ cũng là nơi có dân số trong độ tuổi lao động lớn nhất thế giới, ước tính sẽ vượt 1 tỷ vào năm 2030.
Cũng theo ông Devinder Pal Singh Kharbanda, Việt Nam là đối tác thương mại thứ 22 của Ấn Độ và là đối tác lớn nhất của Ấn Độ trong năm 2023 – 2024. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ sang Việt Nam gồm: ngũ cốc, sắt thép, bông, thức ăn gia súc, thủy sản, thiết bị điện, máy móc. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đạt xấp xỉ 2 tỷ USD vào các lĩnh vực như: năng lượng, khoáng sảnthăm dò, chế biến nông sản, đường, trà, cà phê.
“Trong khi đó, đầu tư của Việt Nam vào Ấn Độ đạt xấp xỉ 28,55 triệu USD, chủ yếu vào các lĩnh vực như: dược phẩm, công nghệ thông tin, hóa chất và vật liệu xây dựng. Ấn Độ nhập khẩu chính từ Việt Nam các mặt hàng thiết bị điện tử, thiết bị viễn thông, máy móc và thiết bị cơ khí, sắt thép…”, ông Devinder Pal Singh Kharbanda thông tin thêm.
Nhân dịp này, về phía các doanh nghiệp, ông Sandeep Kumar Singh - Tổng Giám đốc Ngân hàng Ấn Độ đã chia sẻ những thông tin, hoạt động của ngân hàng Ấn Độ chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, là Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài có mặt chính thức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 22/7/2016 với số vốn điều lệ 15.00 triệu USD, tới nay tổng vốn của chi nhánh đã lên 20.500 triệu USD. “Ngân hàng Ấn Độ có dấu ấn mạnh mẽ tại nhiều quốc gia từ châu Âu đến châu Mỹ, châu Phi, Singapore, Hồng Kông, Indonesia và nhiều nơi khác trên thế giới, và rất lạc quan cam kết đảm bảo sự hiện diện đáng chú ý tại chi nhánh BOI HCMC. Chúng tôi sẽ tạo dấu ấn của mình thông qua sự quyết tâm và nỗ lực chung”, ông Sandeep Kumar Singh khẳng định.
Ông cũng chia sẻ thêm: “Chúng tôi mong muốn thấy mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam ngày càng bền chặt, đáng tin cậy và bền vững hơn thông qua sự hỗ trợ và hợp tác lẫn nhau. Vì vậy, Ngân hàng Ấn Độ sẵn sàng mở rộng mọi hỗ trợ tài chính, hướng dẫn về các vấn đề chính sách và kết nối với nhiều bên liên quan trong doanh nghiệp từ cả hai phía”.
Trong khuôn khổ sự kiện cũng đã diễn ra các cuộc giao lưu kết nối B2B giữa hai bên doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam.
Uyển Nhi