Mặc dù hiện nay Đức chưa phải là thị trường xuất khẩu lớn đối với hàng nông sản của Việt Nam, nhưng đây lại là thị trường có nhiều triển vọng phát triển, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết và thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong ba tháng đầu năm 2024, nhập khẩu rau, củ, quả (HS 07, 20, 08 – không bao gồm hạt điều HS 080131, 080132) của Đức từ các thị trường ngoài khối EU đạt 1,04 tỷ Euro (tương đương 1,1 tỷ USD), tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ hiện là hai thị trường ngoài khối lớn nhất cung cấp rau, củ, quả cho Đức, chiếm 47,4% tổng giá trị nhập khẩu trong ba tháng đầu năm 2024. Đức cũng đã tăng mạnh nhập khẩu rau, củ, quả từ hai thị trường này, trong khi giảm nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Serbia và Ecuador. Việt Nam đứng thứ 18 trong số các nước ngoài khối EU cung cấp rau, củ, quả cho Đức, chiếm 0,85% tổng giá trị nhập khẩu, đạt 8,8 triệu Euro (tương đương 9,5 triệu USD), tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhu cầu nhập khẩu nông sản của Đức rất đa dạng và phong phú, phản ánh sự phát triển kinh tế và sự đa dạng trong khẩu vị của người tiêu dùng. Đức là một trong những thị trường lớn nhất châu Âu về nhập khẩu trái cây và rau quả. Các loại trái cây như chuối, cam, táo và nho rất được ưa chuộng, cùng với đó là các loại rau củ như cà chua, dưa leo và ớt. Đặc biệt, nhu cầu về nông sản hữu cơ đang có xu hướng tăng mạnh.
Đức cũng là một trong những thị trường có nhiều quy định khắt khe nhất tại châu Âu. Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu và gia tăng thị phần tại thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng tốt các yêu cầu của Đức. Ngoài các yêu cầu tối thiểu bắt buộc, người mua Đức thường có những yêu cầu riêng cho từng loại sản phẩm. Tham gia các hội chợ quốc tế lớn tại Đức cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác.
Ông Volker Frirfrich, Chủ tịch Uỷ ban chuyên gia về ngoại thương của BMW và Giám đốc điều hành công ty GBP OnternationaSang, chia sẻ trước dịch COVID-19 ông đã từng sang Việt Nam nhiều lần, thưởng thức nhiều loại rau quả của Việt Nam và nhận thấy nông sản Việt có nhiều tiềm năng để xuất khẩu sang Đức.
Tuy nhiên, do Đức là thị trường khó tính nên ông Volker Frirfrich đưa ra lời khuyên các doanh nghiệp Việt Nam nên bắt đầu xuất khẩu hàng với số lượng ít sang thị trường Đức để rút ra các bài học kinh nghiệm, sau đó làm dần dần với số lượng tăng thêm. Bước khởi đầu thành công tốt đẹp sẽ tạo đà thuận lợi cho phát triển trong tương lai.
"Tôi xin khẳng định, nhu cầu thị trường Đức luôn rất cao, vấn đề là làm sao đảm bảo chất lượng sản phẩm, nếu đạt được thì nông sản Việt sẽ giành được lợi thế lớn và được khách hàng trả giá cao hơn", ông Volker Frirfrich lưu ý.
Tương tự, ông Claus Norup, Trưởng ban kinh doanh thủy sản đông lạnh, Công ty I. Schroeder Hambrg, cho rằng muốn xuất khẩu nông sản sang Đức thì giá cả phải ổn định, đảm bảo được những điều khoản đã được ký kết tại hợp đồng. Hợp đồng ký đầu tiên thì số lượng vừa phải, đảm bảo được thời gian giao hàng, chất lượng, sau đó sẽ tăng cường số lượng lên.
Theo ông Claus Noru, vấn đề quan trọng nhất là làm sao tạo được niềm tin với khách hàng, tránh tình trạng lô hàng trước tốt, lô hàng sau lại không đạt yêu cầu.
Với việc tận dụng tốt các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, xuất khẩu rau, củ, quả của Việt Nam sang thị trường Đức dự báo có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, hàng nông sản Việt vẫn đang có hạn chế là sản xuất nhỏ lẻ, hầu như đi thu gom nên chất lượng không đảm bảo, đồng đều. Việt Nam cần có các nông trường lớn để sản xuất những mặt hàng nông sản đạt được chất lượng cao.
Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam tại Đức và doanh nghiệp tại Việt Nam phải kết hợp chặt chẽ, nâng cao sản phẩm của mình làm sao để vào được Đức, đồng nghĩa với việc vào được tất các thị trường ở châu Âu, bởi Đức là thị trường rất rất khó tính.
"Người Việt tại Đức lên tới 225 nghìn người, đây là cơ hội tốt để kết nối, cầu nối đưa hàng Việt nói chung và nông sản sang đây. Đây cũng là con đường ngắn nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất để xây dựng thương hiệu nông sản Việt tại Đức", ông Long nói.
Xuân Nguyên