Mới đây, NHNN đã giao toàn bộ hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng năm nay khoảng 15% cho các tổ chức tín dụng. Đồng thời, nhà điều hành cho biết sẽ có điều chỉnh hạn mức tăng trưởng này theo tình hình thực tế và yêu cầu các ngân hàng kiểm soát tăng trưởng tín dụng cả năm hợp lý.
Đây là điểm khác biệt lớn nhất trong công tác điều hành tín dụng năm nay của NHNN. Các năm trước, nhà điều hành thường đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm, nhưng chỉ giao một phần room tín dụng cho các ngân hàng dịp đầu năm. Phần còn lại sẽ được điều chỉnh vào giữa năm hoặc khi các tổ chức tín dụng dùng hết room quá sớm.
Bơm vốn vào nền kinh tế nhanh hơn, trách nhiệm hơn
Lý giải về quyết định này, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết sau năm 2023 với nhiều bất ổn, năm nay kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, biến động.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương lớn vẫn neo lãi suất ở mức cao, rủi ro suy thoái vẫn hiện hữu, xuất khẩu toàn cầu sẽ giảm... Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam vốn có độ mở rất lớn.
Với xu hướng tổng cầu tiếp tục giảm, NHNN đã báo cáo Thủ tướng và giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm. Trên cơ sở đó, các ngân hàng chủ động thúc đẩy, cung ứng đủ vốn, kịp thời cho nền kinh tế, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ những ngày đầu năm.
Để đưa ra mức tăng trưởng tín dụng 15% này, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết nhà điều hành đã tính toán đến những yếu tố về mặt rủi ro hệ thống.
“Thông điệp ở đây rất rõ ràng là các ngân hàng phải đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế ngay từ đầu năm, để từ đó tạo động lực cho phát triển, tăng trưởng kinh tế”, ông Quang nhấn mạnh.
Trong khi đó, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết việc giao toàn bộ 15% room tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm là một bước thay đổi cơ chế tổ chức điều hành. Hành động này cũng mang thông điệp với các ngân hàng là phải đưa vốn vào nền kinh tế nhanh hơn và có trách nhiệm hơn.
"Nếu như những năm trước, chính sách này là những khoản cấp phát, phân bổ từng lần thì nay là cơ chế giao một lần để các ngân hàng chủ động phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng”, ông Tú chia sẻ.
Lãnh đạo NHNN cho biết trong năm 2023, có trường hợp ngân hàng dùng hết room tín dụng sớm nhưng cũng có nhiều ngân hàng không dùng hết, thậm chí có nhà băng tăng trưởng tín dụng âm. Do đó, việc thay đổi cơ cấu giao toàn bộ room tín dụng ngay từ đầu năm là để các ngân hàng phấn đấu đạt chỉ tiêu tín dụng.
Phó thống đốc cũng nói thêm dù cấp toàn bộ hạn mức vào đầu năm nhưng nếu ngân hàng nào dùng hết sớm, NHNN vẫn xem xét cấp gia tăng với điều kiện thị trường và kinh tế vĩ mô cho phép, đồng thời đảm bảo vốn tín dụng vào đúng đối tượng.
Với mức tăng trưởng tín dụng 15% năm nay, Phó thống đốc cho biết sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được cung ứng ra nền kinh tế qua kênh cho vay của hệ thống ngân hàng, cũng là con số rất lớn.
“Nếu cầu tín dụng tốt, nhu cầu vốn nền kinh tế cao, mức tăng trưởng tín dụng có thể là 16% chứ không chỉ 15%”, ông Tú nhấn mạnh.
Mặt bằng lãi suất đã giảm về mức thấp nhất 20 năm
Chia sẻ về vấn đề lãi suất, ông Phạm Chí Quang cho biết hiện lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng chỉ ở mức 3,9%/năm và lãi suất cho vay với các khoản vay mới chỉ ở mức bình quân 6,7%/năm, giảm trên 2,5% so với cuối năm 2022.
Lý giải việc lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết trong cấu trúc cân đối tài sản của ngân hàng thương mại, có tới 80% vốn huy động là ngắn hạn, trong khi đó có trên 50% dư nợ cho vay là trung, dài hạn.
Do đó, lãi suất huy động thường giảm nhanh trong khi lãi suất cho vay giảm chậm hơn. Tuy nhiên, hiện tại lãi suất cho vay trên thị trường đã thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn dịch Covid-19, kể cả các khoản vay cũ.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết mặt bằng lãi suất cho vay đã xuống rất thấp, kể cả các khoản vay ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, cả các lĩnh vực ngoài ưu tiên của Chính phủ. “Mặt bằng lãi suất hiện đã giảm về mức thấp nhất trong 20 năm qua”, ông nói.
Theo Phó thống đốc, hiện nhiều ngân hàng cho biết lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Tuy nhiên, định hướng thời gian tới của nhà điều hành vẫn là yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm lãi suất thấp hơn nữa nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
"Năm 2024 sẽ không đặt vấn đề lãi suất tăng nữa", Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
PV (t/h)