Về tính độc lập của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

23:55 05/11/2021

Tính độc lập của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thể hiện trên hai phương diện chủ yếu, gồm tính độc lập của thỏa thuận trọng tài và tính độc lập của trọng tài viên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Về tính độc lập của Thỏa thuận trọng tài:

Thoả thuận trọng tài (TTTT) là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh. Các bên là nguyên đơn và bị đơn trong vụ tranh chấp. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không có bên có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan, không có bên thứ ba khác ngoài nguyên đơn và bị đơn. TTTT được xác lập dưới dạng văn bản, có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.

Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản: a) Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật; b) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên; c) Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên; d) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện TTTT như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác; đ) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận. Tính độc lập của TTTT còn thể hiện, trường hợp là một điều khoản trong hợp đồng thì TTTT hoàn toàn độc lập với hợp đồng, không được coi là một mục đích của hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài. TTTT có hiệu lực là điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, trừ trường hợp TTTT vô hiệu, TTTT không thể thực hiện được. Khi các bên đã có TTTT, thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì Tòa án phải từ chối thụ lý giải quyết vụ kiện đó, trừ trường hợp thuộc quyền lựa chọn tranh chấp của người tiêu dùng khi đã có TTTT.

Về tính độc lập của Trọng tài viên: 

Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được trung tâm trọng tài chỉ định để giải quyết tranh chấp theo phương thức trọng tài quy chế; hoặc là người được các bên lựa chọn hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo phương thức trọng tài vụ việc. Chất lượng và hiệu quả của tố tụng trọng tài phụ thuộc vào chất lượng trọng tài viên. Trọng tài viên giỏi là nguồn lực quan trọng nhất để xây dựng, phát triển trung tâm trọng tài, giải quyết thân thiện và hiệu quả, đáp ứng tối đa quyền tự do thỏa thuận của các bên, minh bạch, bảo mật vụ tranh chấp, để các bên tranh chấp ngày càng tin tưởng vào ưu thế, ưu điểm của trọng tài, tin cậy lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Tính độc lập của Trọng tài viên bao gồm những nội hàm sau:

Tính độc lập trong việc lựa chọn hoặc chỉ định Trọng tài viênTrọng tài là sản phẩm của quyền tự quyết của các bên. Các bên bằng ý chí của mình có thể chọn bất kỳ ai làm Trọng tài viên. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng giải quyết các vụ tranh chấp bằng trọng tài, pháp luật về trọng tài của các nước đã có quy định hạn chế đối với quyền tự quyết của các bên, chỉ những người có điều kiện nhất định mới được làm Trọng tài viên.

Khoản 1 Điều 20 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 của Việt Nam (LTTTM) quy định những người có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể làm Trọng tài viên: a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự; b) Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên; c) Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản này, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên. Khoản 2 Điều này quy định những người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 nêu trên nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trọng tài viên: a) Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án; b) Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.

Chất lượng tổng thể của đội ngũ trọng tài viên của trung tâm trọng tài tượng trưng cho trình độ, đẳng cấp, uy tín, thương hiệu và chất lượng dịch vụ của trung tâm đó, do đó các trung tâm trọng tài đều quy định các tiêu chuẩn về Trọng tài viên thuộc trung tâm mình cao hơn tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 20 nêu trên. Hơn nữa, khi nhận được thông báo của trung tâm về việc được chọn hoặc được chỉ định làm Trọng tài viên, người được chọn hoặc chỉ định làm Trọng tài viên theo điều lệ hoạt động của trung tâm đó, phải ký văn bản tuyên bố cam kết thông báo kịp thời cho trung tâm về bất kỳ sự việc nào có thể gây nghi ngờ về sự vô tư, độc lập, khách quan của mình để trung tâm thông báo cho các bên.

Ví dụ, Điều 16 Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) quy định, người được lựa chọn hoặc chỉ định không được làm Trọng tài viên trong các trường hợp sau: a) Là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên; b) Có lợi ích liên quan vụ tranh chấp; c) Đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của bất kỳ bên nào trong chính vụ tranh chấp, trừ khi các bên có thỏa thuận bằng văn bản; d) Có chứng cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, độc lập hoặc không khách quan; đ) Không đáp ứng cụ thể tiêu chuẩn mà các bên sẽ thỏa thuận; e) Không đáp ứng tiêu chuẩn theo pháp luật trọng tài được áp dụng. Nếu Trọng tài viên thuộc một trong các trường hợp quy định trên đây, thì Trọng tài viên phải từ chối giải quyết vụ tranh chấp, một trong các bên có quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên đó. Trọng tài viên không được hành động như là luật sư của bất kỳ bên nào. Trong quá trình tố tụng trọng tài, Trọng tài viên không được gặp hoặc liên lạc riêng với bất kỳ bên nào, không bên nào được gặp hoặc liên lạc riêng với Trọng tài viên để trao đổi các vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp.

Trọng tài viên độc lập trong việc giải quyết tranh chấp: Nội hàm này đã được minh thị trong Khoản 2 Điều 16 “Quyền, nghĩa vụ của Trọng tài viên” của LTTTM. Thành phần Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo thỏa thuận của các bên. Hội đồng Trọng tài quy chế thông thường được thành lập gồm 3 Trọng tài viên hoặc 01 Trọng tài viên duy nhất. Trọng tài viên độc lập với các bên, độc lập giữa các Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp trong toàn bộ quá trình, thủ tục tố tụng trọng tài, không đại diện cho lợi ích của một bên nào. Quy tắc trọng tài của VIAC và của nhiều trung tâm trọng tài khác tại Việt Nam hoặc của các tổ chức trọng tài nước ngoài đều có quy định tương tự: Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp một cách độc lập, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ lợi ích cá nhân hoặc áp lực bên ngoài.

Độc lập với các Trọng tài viên khác trong Hội đồng trọng tài trong toàn bộ quá trình và thủ tục tố tụng trọng tài, bao gồm độc lập với nhau trong việc xem xét và tự mình quyết định về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, xem xét sự tồn tại và hiệu của TTTT, nghiên cứu hồ sơ tài liệu vụ tranh chấp do các bên cung cấp thông qua trung tâm, nghe trình bày của các bên trong phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, tuyên bố về phiên họp cuối cùng, đưa ra ý kiến độc lập của mình đối với quyết định trọng tài hoặc phán quyết trọng tài. Mục đích thực sự của tính độc lập của từng Trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài là để vụ việc có thể được thảo luận đầy đủ, tránh sự thiên lệch ý kiến ​​của Trọng tài viên có thể dẫn đến kết quả giải quyết vụ tranh chấp không công bằng. Sự độc lập lẫn nhau của các Trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài là một yêu cầu tất yếu, nhằm bảo vệ quyền tự lựa chọn Trọng tài viên của các bên.

Độc lập với tổ chức trọng tài: Sự độc lập của các Trọng tài viên với tổ chức trọng tài bao gồm hai khía cạnh. Một là quyền lực thực chất để phân xử các tranh chấp nằm ở Trọng tài viên chứ không phải tổ chức trọng tài, hai là quyền phán quyết độc lập của Trọng tài viên không phải chịu bất kỳ sự can thiệp, tước đoạt hoặc hạn chế nào từ tổ chức trọng tài. Trong tổ chức trọng tài, để đảm bảo chất lượng của vụ việc và uy tín của tổ chức, trung tâm trọng tài có điều lệ hoạt động và quy tắc đạo đức mà các Trọng tài viên phải tuân thủ. Quyết định hoặc phán quyết trọng tài là của Hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp, không phải là của tổ chức trọng tài. Thuộc tính thiết yếu này đòi hỏi Trọng tài viên, Hội đồng trọng tài trong toàn bộ quá trình tố tụng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp độc lập với tổ chức trọng tài.

Cơ chế đảm bảo cho tính độc lập của Trọng tài viên: Thứ nhất, người được lựa chọn hoặc chỉ định làm Trọng tài viên, khi nhận là Trọng tài viên giải quyết vụ tranh chấp phải tuyên bố về tính vô tư, khách quan, không có bất kỳ lợi ích liên quan vụ tranh chấp. Thứ hai, các tổ chức trọng tài sử dụng công nghệ thông tin để tiết lộ thông tin cá nhân của các Trọng tài viên một cách thích hợp, để các bên lựa chọn Trọng tài viên một cách chính xác, đồng thời là kênh để các trọng tài viên thực hiện nghĩa vụ tiết lộ tốt hơn và toàn diện hơn. Công bố danh sách Trọng tài viên của các tổ chức trọng tài hoạt động tại Việt Nam là một trong những nội dung quản lý Nhà nước về trọng tài. Thứ ba, quyền thay đổi Trọng tài viên của các bên. 

Ngoài quy định pháp luật về trọng tài và quy định tố tụng trọng tài của các tổ chức trọng tài nhằm đảm bảo cho sự độc lập của các Trọng tài viên, pháp luật còn quy định về quyền thay đổi Trọng tài viên của các bên. Thứ tư, chế tài xử lý vi phạm về tính độc lập của Trọng tài viên. Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 68 LTTTM, trường hợp “Trọng tài viên nhận tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài” là một trong những căn cứ mà một bên hoặc các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài. Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, Khoản 1 Điều 27 quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với Trọng tài viên có một trong các hành vi sau: a) Giải quyết tranh chấp trong trường hợp trọng tài viên là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên trong vụ tranh chấp; b) Giải quyết tranh chấp trong trường hợp trọng tài viên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp; c) Giải quyết tranh chấp trong trường hợp trọng tài viên đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của một trong các bên trước khi đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại trọng tài, trừ trường hợp được các bên chấp thuận bằng văn bản; d) Giải quyết tranh chấp khi có căn cứ rõ ràng cho thấy trọng tài viên không vô tư, khách quan. Khoản 2 Điều này quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với Trọng tài viên có một trong các hành vi sau: a) Tiết lộ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; b) Hoạt động trọng tài thương mại mà không đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm trọng tài viên. Người bị phạt còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 đã dẫn chiếu trên đây.

Luật sư Bùi Văn ThànhVăn phòng Luật sư Mặt Trời Mới