Người Mĩ và bóng đá
FIFA hy vọng: bóng đá sẽ thực sự trở thành môn thể thao thống trị toàn cầu nếu nó được tổ chức thành công tại Mỹ - "vùng sâu vùng xa" cuối cùng trong thế giới bóng đá. Và ở đây, chúng ta đang nói về sự thống trị toàn diện, tức cả năng lực "đẻ ra tiền" hoặc tầm quan trọng về mặt chính trị, chứ không chỉ nói về tính hấp dẫn của bóng đá.
Trên thực tế, World Cup 1994 có 2 con số vượt xa sự chờ đợi của chính FIFA. Một là kỷ lục về số khán giả bình quân đến sân: khoảng 69.000 người/trận, hơn rất xa so với kỷ lục trước đó là 51.000 người/trận tại World Cup 1966 (khi World Cup được tổ chức ngay tại quê hương bóng đá). Hai là tổng số khán giả đến sân: khoảng 3,6 triệu người - một kỷ lục đứng vững đến tận bây giờ, dù World Cup 1994 chỉ có 24 đội và 52 trận đấu (từ World Cup 1998 trở đi là 32 đội và 64 trận).
Nhưng có lẽ, dân Mỹ đi xem World Cup chủ yếu vì sự hiếu kỳ. Hiếm có kỳ World Cup nào trong lịch sử được giới quan sát phân tích, mổ xẻ khía cạnh thương mại và tác động xã hội của nó nhiều như World Cup 1994. Người ta làm các phóng sự cho thấy khán giả Mỹ đến sân với những bịch bắp rang to đùng.
Lần đầu tiên World Cup được tổ chức tại Mỹ và đã mang lại những thay đổi lớn về giá trị thương mại
Họ tươi cười, nói chuyện với nhau hoặc nhìn mây trôi, như đi picnic. Họ giải thích cho nhau về luật việt vị. Và họ cố phản biện với cánh nhà báo: làm sao có thể say mê một môn thể thao mà có thể không ai ghi bàn trong 90 phút, hoặc có đi chăng thì nữa người xem cũng quá mệt mỏi với sự chờ đợi một pha ghi bàn? Sao không xem bóng rổ và hào hứng nhìn tỷ số liên tục thay đổi, suốt từ phút đầu đến tận phút chót?
Dù sao, vẫn phải khẳng định USA 1994 là một kỳ World Cup thành công. Người Mỹ không giỏi chơi bóng nhưng họ có tiền và có năng lực tổ chức, thể là đủ. World Cup 1994 tại Mỹ là kỳ World Cup lạ lùng, từ hình ảnh chiếc xe tự động chạy vào sân chở cầu thủ chấn thương ra ngoài hoặc cách thay khung thành chớp nhoáng khi có sự cố, đến diễn biến từng trận đấu hoặc những quan điểm lớn về chuyên môn, đấu pháp. Cho một ví dụ về toàn cầu hóa? Trả lời: một kỳ World Cup thành công tại Mỹ!
Trái ngược hoàn toàn với sự non trẻ, những sáng tạo "kiểu Mỹ" hoặc đẳng cấp kỹ thuật tầm thường của bóng đá Mỹ là nền bóng đá Brazil danh tiếng, đầy vẻ nghệ thuật và luôn có khả năng làm những đối thủ mạnh nhất cũng phải nghiêng người thán phục về đẳng cấp kỹ thuật. Nhưng, đã 24 năm trôi qua kể từ khi Pele và đồng đội lên ngôi vô địch World Cup 1970, đoạt vĩnh viễn cúp "Nữ thần vàng".
Người ta đã phải khóc cho thế hệ của Zico, Socrates, Falcao, khi đội bóng xuất sắc và đẹp mắt ấy liên tục thất bại ở các kỳ World Cup 1982, 1986. Rồi Brazil có một kỳ World Cup tệ nhất lịch sử tại Italia 1990. Thế giới đã thay đổi biết dường nào. Nước Mỹ bây giờ cũng quan tâm đến bóng đá xin tổ chức World Cup. Chẳng lẽ bóng đá Brazil không thể thay đổi?
Vâng, hàng loạt thay đổi lớn giúp Brazil trở lại ngôi vô địch World Cup sau 24 năm chờ đợi chính là một trong những bài học chuyên môn lớn nhất trong lịch sử World Cup. Người ta ngạc nhiên bao nhiêu về sức hút của một kỳ World Cup ở Mỹ bao nhiêu thì cũng kinh ngạc bấy nhiêu về con đường dẫn Brazil lên ngôi vô địch World Cup 1994.
ĐT Brazil từ bỏ lối chơi đẹp truyền thống để thực dụng hơn và giành chức vô địch sau 24 năm chờ đợi
Trừ quả phạt đền của Rai ở trận ra quân, không có tiền vệ nào ghi bàn cho Brazil tại World Cup 1994. Brazil vô địch World Cup 1994 với hàng tiền vệ thủ nhiều hơn công, chiến đấu nhiều hơn biểu diễn. Người ta nhớ những hình ảnh nắm chặt tay hoặc nghiến răng của thủ quân Dunga, ở vị trí tiền vệ trụ. Brazil còn vô địch bằng cả sự lạnh lùng lẫn khả năng ăn miếng trả miếng.
Trong trận gặp Mỹ, hậu vệ Brazil Leonardo giật cùi chỏ vào Tab Ramos, mạnh đến nỗi đối phương rạn nút xương đầu (Leonardo sau đó bị treo giò đến hết giải). Brazil vào chung kết nhờ pha đội đầu ghi bàn duy nhất ở phút 80 của Romario trong trận gặp Thụy Điển. Trước đó, Romario chưa bao giờ chơi bóng bằng đầu.
Và Brazil vô địch còn vì có cả thủ môn xuất sắc Taffarel. Đấy chỉ là vài hình ảnh cụ thể. Một cách tổng quát, Brazil không chỉ thay đổi về lối chơi mà cả về quan điểm bóng đá. Họ không đẹp, không hay như Brazil trong thập niên 1980. Nhưng họ vô địch World Cup!
Với một đội hình mà người trẻ nhất là Andreas Moeller đã 26 tuổi, với Rudi Voeller đã 34 tuổi vẫn cứ đá chính, hoặc Lothar Matthaeus đã dự World Cup lần thứ 4, Đức bị Bulgaria biến thành cựu vô địch khi vòng tứ kết khép lại.
Đấy là một trong những thất bại nặng nề nhất của bóng đá Đức trên đấu trường World Cup. Giới điều hành bóng đá Đức đã phải nhìn lại World Cup 1994 (cùng vài giải quan trọng khác) để mổ xẻ kinh nghiệm, trẻ hóa thành phần cầu thủ cũng như đổi mới cách chơi, dẫn đến hệ quả là bóng đá Đức bây giờ có những đường nét khác hẳn những giá trị truyền thống mà người ta từng biết về họ.
ĐT Đức vẫn giữ lại nhiều cựu binh, không bất ngờ khi nhận kết quả tệ hại và bắt đầu hướng đến những cải cách mạnh mẽ
Nói chung, World Cup 1994 là kỳ World Cup kỳ lạ về mọi mặt, trong đó những thay đổi lớn về chuyên môn, về quan điểm, về trường phái... là một điểm nhấn quan trọng. Muốn hay không muốn, người ta đều phải thay đổi. Bắt đầu từ World Cup 1994, ranh giới giữa các trường phái bóng đá lớn trở nên mờ nhạt hoàn toàn.
Rút cuộc thì Brazil cũng phải quẳng đi thứ bóng đá thiên về trình diễn, tiền vệ chỉ lăm lăm lao lên ghi bàn. Rút cuộc thì ngay cả người Đức cũng phải thấy rằng vai trò libero đã lỗi thời để không dùng nữa. Đội Pháp thậm chí không được dự VCK World Cup 1994, nhưng chỉ 4 năm sau thì họ đã đăng quang trên sân nhà, với một đoàn quân đa sắc tộc...
Trận chung kết
Luật mới cấm thủ môn chạm tay vào bóng khi đồng đội dùng chân chuyền về được FIFA áp dụng từ kỳ World Cup này, cùng hàng loạt hướng dẫn, khuyến cáo, quy định khác với một điểm chung duy nhất là khuyến khích bóng đá tấn công.
Trớ trêu thay, tuy tỷ lệ ghi bàn bình quân có tăng lên so với kỳ World Cup tồi tệ 1990 trước đó (2,74 bàn/trận so với 2,21 bàn/trận tại Italia 1990), nhưng rút cuộc World Cup 1994 lại trở thành kỳ World Cup duy nhất xưa nay không có bàn thắng trong trận chung kết. Định mệnh đã được ghi sẵn khi nữ danh ca Diana Ross sút ra ngoài, dù chị có bóng chỉ cách khung thành trống vài mét, trong một tiết mục biểu diễn ở lễ khai mạc?
24 năm trước, Italia và Brazil đều có cơ hội trở thành đội đầu tiên 3 lần vô địch, khi họ bước vào trận chung kết World Cup 1970. Bây giờ, họ lại tái ngộ ở trận chung kết, và đều có cơ hội trở thành đội đầu tiên 4 lần vô địch World Cup. Nhưng cuộc đụng đội giữa 2 đội tuyển mạnh nhất trong lịch sử World Cup giờ đã cân bằng hơn so với thời Brazil có Pele.
Và sự cẩn thận tuyệt đối từ cả hai phía đã dẫn đến kết quả 0-0 sau 120 phút quần thảo. Trung vệ Marcio Santos của Brazil sút hỏng ngay quả luân lưu 11m đầu tiên, nhưng Brazil đăng quang sau khi thắng 3-2 ở loạt đấu súng. Phía Italia, trung vệ huyền thoại Franco Baresi và người hùng của trận chung kết Champions League vài tuần trước đó, Daniele Massaro, cũng đều sút hỏng. Nhưng, có vẻ như người ta chỉ nhớ mỗi "tội đồ" Roberto Baggio. Trận đấu kết thúc khi cầu thủ số 1 thế giới 1993 sút quả cuối cùng vọt xà.
Lần đầu tiên trận chung kết World Cup không có bàn thắng nào được ghi và trận đấu phải giải quyết trên chấm luân lưu, nơi người hung Roberto Baggio thành tội đồ
Nhìn chung, đây là một kỳ World Cup đáng nhớ, với nhiều sự kiện nổi bật từ trong ra ngoài sân cỏ. Lần đầu tiên, cả 4 đội tuyển thuộc vương quốc Anh đều không qua được vòng loại World Cup. Pháp, Uruguay và ĐKVĐ châu Âu Đan Mạch cũng đều vắng bóng. Bất ngờ ở VCK là Mỹ và Saudi Arabia đều lọt vào giai đoạn knock-out, Nigeria và Romania của Gheorghe Hagi chơi rất hay.
Nhưng, bất ngờ lớn nhất là chuyện Bulgaria của ngôi sao Hristo Stoichkov hạ bệ ĐKVĐ Đức ở vòng tứ kết (đến cuối năm thì Stoichkov đoạt "Quả Bóng Vàng châu Âu"). Đấy là kỳ World Cup đầu tiên sau khi nước Đức thống nhất. Franz Beckenbauer từng nói: "Tôi không thể hình dung Đức sẽ mạnh như thế nào khi đội vô địch World Cup 1990 được bổ sung thêm các hảo thủ Đông Đức"!
Cameroon và Nga đều thất bại, về nước ngay sau vòng bảng. Trớ trêu thay, trận đấu "thủ tục" của họ (Nga thắng Cameroon 6-1) lại sản sinh 2 kỷ lục khó phá. Phía Nga, Oleg Salenko trở thành cầu thủ duy nhất xưa nay ghi đến 5 bàn trong 1 trận đấu ở VCK World Cup.
Phía Cameroon, Roger Milla (42 tuổi) có kỷ lục kép: cầu thủ già nhất từng thi đấu và ghi bàn trên trận địa World Cup. Đây cũng là kỳ World Cup cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ của huyền thoại Diego Maradona. Tiếc thay, anh phải ra đi trong hình ảnh tủi nhục: bị trục xuất khỏi giải vì sử dụng doping.
Với một bộ phận không nhỏ trong giới hâm mộ trung lập, Colombia là đội bóng rất đáng chờ xem tại World Cup 1994. Họ thắng Argentina đến 5-0 trên sân đối phương ở vòng loại (khiến Argentina phải đá play-off). Họ có Faustino Asprilla mà cả thế giới khen ngợi là một siêu sao chỉ trong nay mai.
Họ lại còn được Pele nhận định là ứng cử viên vô địch World Cup (hay phải nói Colombia "bị" Pele khen? Vào thời điểm 1994, Pele còn chưa "nổi tiếng" về chuyện luôn dự đoán sai). Thế rồi, Colombia thua Romania 1-3 ngay trận ra quân. Và họ coi như bị loại sau trận kế tiếp, thua Mỹ 1-2. Đấy là một kết quả bất ngờ.
Hậu vệ Andres Escobar nhận cái chết thảm khốc sau khi đốt lưới nhà khiến ĐT Colombia bị loại
Hơn thế nữa, đấy là một bi kịch. Andres Escobar tự đưa bóng vào lưới nhà khi lúng túng tìm cách phá quả tạt của John Harkes. Thông thường, Escobar là một hậu vệ khá chắc chắn trong hàng thủ Colombia. Người ta còn gọi anh là "El Caballero" (người lịch sự), vì đặc điểm luôn điềm đạm. Escobar cố tỏ ra bình tĩnh sau pha đốt lưới nhà tai hại: "Cũng chỉ là một trận bóng đá. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn sau thất bại khó nuốt này".
Có đúng vậy? Mười ngay sau cú đá phản khiến Colombia thua Mỹ tại World Cup 1994, thế giới mới kinh hoàng khi thấy bi kịch thật sự của Escobar là như thế nào. Anh bị bắn gục ở bãi xe bên ngoài một nhà hàng tại thành phố quê hương Medellin, sau khi dùng cơm tối với hôn thê của mình. Các nhân chứng cho biết: họ nghe hung thủ gằn giọng: "Đá phản này! Đá phản này" trước mỗi phát súng. Escobar lĩnh trọn 12 viên đạn từ cự ly gần.
Một năm sau, hung thủ Humberto Munoz Castro bị kết án 43 năm và 5 tháng tù. Đấy là một sát thủ chuyên nghiệp, chuyên làm việc cho các ông trùm khét tiếng nhất trong thế giới ngầm ở Colombia. Người ta cho rằng, ông chủ của Castro đã thua khoảng 20 triệu USD khi đặt cược Colombia thắng Mỹ ở World Cup 1994.
Anh chỉ thi đấu 3 trận tại World Cup 1994. Trận đầu, anh chỉ ngồi ghế dự bị, được vào sân ở phút 55. Sau 3 trận vòng bảng, anh và đồng đội phải xách va ly về nước. Vậy mà anh lại là vua phá lưới. Chỉ bấy nhiêu cũng đã đáng phục.
Nhưng lịch sử không chỉ ghi nhận Oleg Salenko là vua phá lưới của World Cup 1994. Anh còn giữ một kỷ lục rất khó phá, đấy là cầu thủ ghi đến 5 bàn trong một trận đấu ở VCK World Cup. Kỳ tích này diễn ra vào ngày 28/6/1994, ở trận Nga thắng Cameroon 6-1. Trước đó, Salenko cũng ghi được bàn duy nhất cho đội tuyển Nga trong trận thua Thụy Điển 1-3. Như vậy, đội Nga ghi được 7 bàn tại World Cup 1994 thì có đến 6 bàn thuộc về Salenko.
Điều lạ nhất về Salenko thật ra không phải là cú "ăn 5" trong trận gặp Cameroon. Vì sao rất ít người nhớ hoặc biết về một cầu thủ đã đi vào lịch sử World Cup với thành tích ghi bàn như vậy? Vì sao số lần khoác áo ĐTQG của Salenko chỉ đếm được trên đầu ngón tay? Đấy là một bí ẩn lớn.
Oleg Salenko là vua phá lưới của World Cup 1994 với kỷ lục ghi 5 bàn trong 1 trận đấu nhưng lại không được nhớ đến quá nhiều
Ngoài 6 bàn thắng ghi được tại World Cup 1994 (chia sẻ danh hiệu vua phá lưới với Hristo Stoichkov của Bulgaria), Salenko chưa bao giờ ghi được bàn thắng nào khác cho các ĐTQG. Anh từng khoác áo Ukraine, sau đó chuyển sang khoác áo Nga. Nhưng tổng cộng, Salenko chỉ được thi đấu quốc tế 9 lần, trong đó có 8 lần chơi cho đội Nga.
Cũng không thể cho rằng Salenko may mắn ghi bàn hàng loạt tại World Cup 1994, bởi anh đã nổi tiếng từ khi là một cầu thủ trẻ. Salenko chính là cầu thủ duy nhất trong lịch sử đoạt chức vua phá lưới ở cả hai đấu trường: World Cup và U20 thế giới (anh là vua phá lưới của giải U20 thế giới năm 1989).
Giống Salenko, rất nhiều cầu thủ khác xuất thân là ngôi sao trẻ trong làng bóng Liên Xô hoặc đã là tuyển thủ Liên Xô trước khi nước này tan rã. Ban đầu, cầu thủ người nước nào thì khoác áo đội tuyển nước ấy. Khi FIFA tuyên bố cho phép các cầu thủ của 15 nước tách ra từ Liên Xô tự do chọn màu áo ĐTQG, đồng thời tuyên bố Nga được thừa hưởng những gì bóng đá Liên Xô để lại, thì không khó đoán các cầu thủ sẽ chọn đội nào. Salenko cùng Viktor Onopko, Andrei Kanchelskis, Sergey Yuran... chọn đội tuyển Nga dù họ là người Ukraine.
Dĩ nhiên, mỗi cầu thủ chỉ được chọn đội tuyển một lần. Các cầu thủ người Ukraine như Salenko sau đó rất ít khi được đội tuyển Nga triệu tập. Và họ cũng không bao giờ khoác áo Ukraine được nữa.
Kết quả World Cup 1994(Từ 17/6 đến 17/7/1994, tại Mỹ). |
Bóng đá và cuộc sống