![]() |
Văn hóa và đạo đức người nổi tiếng trong quảng cáo, bán hàng trên môi trường số. |
Quang Linh Vlog, cái tên vốn gắn liền với hình ảnh đẹp về các hoạt động thiện nguyện tại châu Phi, bất ngờ gây tranh cãi khi tham gia livestream bán hàng. Nhiều ý kiến cho rằng việc anh xuất hiện dày đặc trong các chiến dịch bán hàng đã khiến hình ảnh thiện nguyện trở nên "thương mại hóa", làm lung lay niềm tin công chúng.
Tương tự, Hằng Du Mục - một vlogger nổi tiếng về đời sống du mục, cũng vướng phải chỉ trích khi tận dụng danh tiếng để tiếp thị sản phẩm không rõ chất lượng. Trong khi đó, hoa hậu Thủy Tiên - một biểu tượng sắc đẹp gắn liền với nhiều hoạt động xã hội - lại bị đặt dấu hỏi về sự minh bạch khi liên tục quảng bá các thương hiệu trên mạng xã hội.
Người nổi tiếng, với sức ảnh hưởng rộng lớn, từ lâu đã được xem như "người truyền cảm hứng" cho cộng đồng. Nhưng khi ranh giới giữa chia sẻ cuộc sống và tận dụng sự nổi tiếng để bán hàng ngày càng mờ nhạt, câu chuyện văn hóa ứng xử và đạo đức nghề nghiệp cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Không thể phủ nhận quyền tự do kinh doanh, quảng bá của cá nhân, nhưng khi hành vi đó ảnh hưởng đến lòng tin cộng đồng, giá trị thương hiệu cá nhân và thậm chí cả những giá trị đạo đức xã hội, thì câu chuyện đã vượt ra ngoài phạm vi cá nhân.
Văn hóa quảng cáo đối với người nổi tiếng không chỉ là chuyện lợi nhuận, mà còn là vấn đề của trách nhiệm xã hội: Quảng bá sản phẩm phải đi kèm với sự hiểu biết, chọn lọc và cam kết về chất lượng. Họ cần ý thức rằng mỗi phát ngôn, mỗi sản phẩm giới thiệu đều có khả năng tác động trực tiếp đến quyết định tiêu dùng của hàng triệu người theo dõi.
Từ vụ việc Quang Linh , Hằng Du Mục đến Thủy Tiên, có thể thấy một điều rõ ràng: Công chúng hiện nay không chỉ quan tâm người nổi tiếng làm gì, mà còn họ làm như thế nào. không còn chỉ đại diện cho cá nhân họ, mà còn cho cả những giá trị văn hóa mà họ mang theo. Việc bảo vệ lòng tin công chúng chính là bảo vệ sự nghiệp lâu dài của chính họ. Việc kiếm tiền qua mạng xã hội là hợp lý, nhưng nếu thiếu cân nhắc về đạo đức, hậu quả là sự sụp đổ niềm tin - điều quý giá nhất mà một người nổi tiếng sở hữu.
Những ồn ào gần đây không chỉ là lời nhắc nhở với riêng Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục hay hoa hậu Thủy Tiên, mà là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn bộ giới nổi tiếng: Ở thời đại mạng xã hội, văn hóa ứng xử và đạo đức nghề nghiệp không chỉ là bổn phận, mà còn là nền tảng để duy trì và phát triển giá trị bản thân trong lòng công chúng.
Ở các quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu, vi phạm đạo đức trong quảng cáo không chỉ dẫn đến mất uy tín mà còn có thể "chôn vùi" sự nghiệp của người nổi tiếng chỉ sau một đêm.
Trung Quốc là một trong những quốc gia nghiêm khắc nhất với vấn đề này. Theo quy định, nghệ sĩ tham gia quảng cáo phải chịu trách nhiệm liên đới nếu sản phẩm gian dối hoặc gây hại. Hàng loạt tên tuổi lớn như Triệu Vy, Ngô Diệc Phàm đã bị "phong sát" - tức là cấm hoạt động nghệ thuật, bị xóa tên khỏi phim ảnh, hợp đồng quảng cáo bị hủy bỏ - khi vướng bê bối đạo đức, dù đôi khi chưa có phán quyết pháp lý cuối cùng. Gần đây, các quy định mới còn yêu cầu nhãn hàng kiểm tra lý lịch người nổi tiếng kỹ lưỡng trước khi ký hợp đồng quảng bá.
Hàn Quốc cũng không kém phần nghiêm khắc. Văn hóa Hàn Quốc đề cao "chính trực cá nhân" của nghệ sĩ. Những bê bối như Seungri (cựu thành viên BigBang) hay Kim Seon-ho (vụ bê bối đời tư) đã khiến các nhãn hàng lập tức gỡ bỏ hình ảnh quảng cáo, fan quay lưng, và sự nghiệp gần như đóng băng.
Nhật Bản cũng rất khắt khe. Khái niệm "kibishii" (nghiêm khắc) trong văn hóa Nhật khiến nghệ sĩ phải giữ hình ảnh sạch sẽ tuyệt đối. Một vụ bê bối quảng cáo sai sự thật, hay hành vi thiếu chuẩn mực cá nhân cũng có thể khiến họ bị loại khỏi các chiến dịch quảng cáo, bị cắt vai diễn, và chịu áp lực xã hội nặng nề đến mức phải tuyên bố giải nghệ.
Châu Âu, đặc biệt là tại Đức, Pháp, Anh, các quy định về quảng cáo thương mại và trách nhiệm của người nổi tiếng cũng rất chặt chẽ. Nghệ sĩ quảng bá sản phẩm gian dối có thể đối mặt với các vụ kiện dân sự, đền bù hợp đồng khổng lồ và thiệt hại hình ảnh khó cứu vãn. Trường hợp Kendall Jenner bị kiện liên quan đến chiến dịch quảng bá cho Lễ hội Fyre Festival thất bại thảm hại là một minh chứng điển hình.
Dù ở châu Á hay châu Âu, điểm chung là: Niềm tin công chúng chính là "tài sản vô hình" quý giá nhất mà người nổi tiếng sở hữu. Khi niềm tin này bị tổn thương bởi những hành vi thiếu đạo đức, đặc biệt trong quảng cáo thương mại, hệ quả sẽ không chỉ dừng lại ở việc "xin lỗi công chúng", mà có thể là sự sụp đổ toàn bộ sự nghiệp.
So với thế giới, việc xử lý hành vi thiếu đạo đức trong quảng cáo ở Việt Nam còn tương đối nhẹ nhàng, chủ yếu là phê bình xã hội và sự lên tiếng của công chúng. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội và nhận thức xã hội ngày càng cao, tương lai đòi hỏi những chuẩn mực cao hơn và các biện pháp chế tài mạnh mẽ hơn đối với những hành vi vi phạm và cũng là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.