![]() |
Tỷ giá Yên Nhật hôm nay 22/5: Đồng Yên tăng giá khi USD suy yếu, kỳ vọng BoJ nâng lãi suất |
Theo khảo sát của phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập cập nhật lúc 8h30 (22/5/2025), tỷ giá mua - bán Yên Nhật có sự chênh lệch giữa các ngân hàng:
Ngân hàng | Mua vào (VND/JPY) | Bán ra (VND/JPY) |
---|---|---|
Agribank | 175,67 | 183,74 |
BIDV | 177,35 | 185,63 |
Eximbank | 177,90 | 183,96 |
HSBC | 175,52 | 183,26 |
NCB | 174,44 | 184,79 |
Sacombank | 177,61 | 185,13 |
Vietcombank | 174,84 | 185,95 |
VietinBank | 177,52 | 185,52 |
Techcombank | 173,90 | 184,32 |
Tỷ giá Yên Nhật tại thị trường tự do (chợ đen) ghi nhận:
Trên thị trường tự do, tỷ giá đồng yên Nhật đến 9h00 ngày 22/5/2025 ghi nhận nhích nhẹ, mua vào và bán ra dao động quanh mức 179,57 VND/JPY và 180,72 VND/JPY.Tại phố Hà Trung (Hà Nội), giao dịch ngoại tệ sôi động, đặc biệt với các đồng phổ biến như USD, Euro, Yên Nhật. Người dân cần lưu ý tuân thủ quy định pháp luật khi trao đổi ngoại tệ.
Đồng Yên Nhật (JPY) tiếp tục duy trì đà phục hồi ấn tượng, khi tỷ giá USD/JPY giảm sang phiên thứ ba liên tiếp, lùi về ngưỡng thấp nhất trong hai tuần quanh mốc 143,45 trong phiên giao dịch sáng giữa tuần tại châu Âu. Đây cũng là phiên giảm thứ sáu trong bảy phiên gần nhất, phản ánh rõ nét làn sóng bán ra đồng USD cũng như lực cầu tăng đối với tài sản an toàn.
Tâm lý tích cực đối với đồng Yên được củng cố sau khi biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho thấy nhà điều hành chưa loại bỏ khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách. Các phát biểu gần đây của Phó Thống đốc Shinichi Uchida cũng cho thấy BoJ vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất nếu lạm phát cơ bản tăng tốc như kỳ vọng. Điều này càng làm gia tăng kỳ vọng thị trường rằng chính sách tiền tệ tại Nhật đang bước vào chu kỳ thắt chặt mới.
Ở chiều ngược lại, đồng USD đối mặt áp lực giảm sau khi loạt chỉ số kinh tế Mỹ, bao gồm CPI, PPI và doanh số bán lẻ, đều yếu hơn kỳ vọng. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại tăng trưởng chậm lại và củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách trong thời gian tới. Đồng thời, việc Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ và chỉ số DXY giảm về đáy hai tuần đã làm gia tăng sức ép mất giá lên đồng bạc xanh.
Dữ liệu thương mại tháng 4 của Nhật Bản mặc dù chuyển sang thâm hụt, song lại không gây hiệu ứng tiêu cực lên thị trường. Nguyên nhân là nhờ nhập khẩu giảm ít hơn dự kiến và niềm tin vào khả năng hồi phục tiêu dùng nội địa gia tăng.
Triển vọng đồng Yên được đánh giá tiếp tục tích cực trong ngắn và trung hạn, nhất là khi chênh lệch kỳ vọng chính sách giữa BoJ và Fed ngày càng rõ rệt. Trong bối cảnh BoJ có khả năng nâng lãi suất thêm trong năm 2025, trong khi Fed được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất ít nhất hai lần từ nay đến cuối năm, xu hướng mất giá của USD có thể vẫn kéo dài.
Ngoài ra, các yếu tố địa chính trị như căng thẳng tại Gaza, đàm phán Nga - Ukraine, hay thông tin về vòng đàm phán thương mại cấp cao giữa Mỹ và Nhật sắp diễn ra cũng sẽ tiếp tục là các nhân tố ảnh hưởng tới biến động tỷ giá. Nếu các cuộc thương lượng song phương đạt tiến triển, đồng Yên có thể được hưởng lợi thêm từ triển vọng thương mại tích cực.
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng khi chưa có tín hiệu rõ ràng xác nhận chu kỳ giảm của USD/JPY đã kết thúc. Trong bối cảnh đó, đồng Yên vẫn duy trì vai trò là nơi trú ẩn an toàn trong bức tranh thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động.