![]() |
Tỷ giá Yên Nhật hôm nay 19/5: Đồng Yên biến động trái chiều |
Theo khảo sát của phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập cập nhật lúc 9h00 (19/5/2025), tỷ giá mua - bán Yên Nhật có sự chênh lệch giữa các ngân hàng:
Ngân hàng | Mua vào (VND/JPY) | Bán ra (VND/JPY) |
---|---|---|
Agribank | 174,44 | 182,42 |
BIDV | 175,22 | 183,37 |
Eximbank | 175,90 | 181,97 |
HSBC | 174,23 | 181,92 |
NCB | 172,59 | 182,94 |
Sacombank | 175,04 | 182,59 |
Vietcombank | 172,38 | 183,33 |
VietinBank | 173,79 | 183,49 |
Techcombank | 171,81 | 182,25 |
Tỷ giá Yên Nhật tại thị trường tự do (chợ đen) ghi nhận:
Trên thị trường tự do, tỷ giá đồng yên Nhật đến 9h00 ngày 16/5/2025 ghi nhận nhích nhẹ, mua vào và bán ra dao động quanh mức 178,20 VND/JPY và 179,40 VND/JPY.Tại phố Hà Trung (Hà Nội), giao dịch ngoại tệ sôi động, đặc biệt với các đồng phổ biến như USD, Euro, Yên Nhật. Người dân cần lưu ý tuân thủ quy định pháp luật khi trao đổi ngoại tệ.
Tỷ giá USD/JPY trong tuần qua tiếp tục có nhiều biến động, ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp trước khi suy yếu nhẹ vào cuối tuần. Cặp tiền này từng leo lên ngưỡng 148,647 sau khi Mỹ và Trung Quốc tạm đình chiến thương mại, sau đó hạ nhiệt và khép tuần tại 145,621, tăng 0,18% so với tuần trước.
Tâm lý lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại song phương giữa Mỹ - Nhật cũng góp phần gia tăng áp lực mất giá lên đồng Yên, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) duy trì lập trường chính sách thận trọng.
Ở chiều ngược lại, đồng Yên đã cho thấy dấu hiệu phục hồi vào đầu tuần này khi đồng USD suy yếu trở lại. Áp lực lạm phát gia tăng và triển vọng tăng lương tại Nhật khiến nhiều nhà đầu tư đánh cược rằng BoJ sẽ tiến gần hơn tới các bước đi thắt chặt chính sách trong thời gian tới.
Thị trường trong tuần này sẽ tập trung vào một loạt số liệu vĩ mô quan trọng của Nhật Bản, được kỳ vọng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng chính sách tiền tệ của BoJ. Đầu tiên là chỉ số ngành dịch vụ tháng 3, công bố ngày 19/5, với dự báo giảm 0,2%. Vì lĩnh vực này chiếm gần 70% GDP Nhật, kết quả thấp hơn kỳ vọng có thể thúc đẩy BoJ giữ nguyên chính sách nới lỏng.
Tiếp theo, dữ liệu thương mại sẽ được công bố vào ngày 21/5. Sau khi GDP quý I/2025 của Nhật suy giảm do xuất khẩu yếu, nếu số liệu tháng 4 ghi nhận cải thiện, BoJ có thể phải cân nhắc lại lập trường hiện tại. Ngày 22/5, chỉ số PMI dịch vụ – một chỉ báo then chốt khác, nếu rơi dưới ngưỡng 50, sẽ làm dấy lên lo ngại suy thoái và giảm khả năng tăng lãi suất trong năm nay.
Đáng chú ý nhất là dữ liệu lạm phát quốc gia sẽ được công bố ngày 23/5. Dự kiến, lạm phát toàn phần tăng lên 3,7% và lõi giữ ở 2,9%. Nếu vượt dự báo, điều này sẽ củng cố khả năng BoJ nâng lãi suất trong quý III. Ngoài ra, các tín hiệu chính sách mới từ BoJ và động thái của Fed – hiện đang chuyển sang lập trường ôn hòa hơn cũng có thể tạo thêm động lực cho đồng Yên phục hồi.