Các nhà phân tích cho rằng, Hải quân Mỹ vẫn dẫn trước Trung Quốc trong cuộc chiến hàng hải, nhưng Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã chi hàng tỷ đô la trong những năm gần đây để thu hẹp khoảng cách. Theo một báo cáo trong tháng này của viện Hudson có trụ sở tại Washington, mối đe dọa từ tàu ngầm đối với Mỹ và các đồng minh đã tăng lên đáng kể, bao gồm cả việc hiện đại hóa hạm đội khoảng 65 đến 70 tàu ngầm của hải quân Trung Quốc.
Báo cáo cho biết Trung Quốc đã tìm cách tiến hành các hoạt động tấn công như một phần của chiến lược phòng thủ tích cực, nhằm mở rộng ảnh hưởng và kiểm soát lãnh thổ của nước này, có khả năng cản trở lực lượng Mỹ trong khu vực. Cụ thể như sau: “Tàu ngầm là một yếu tố ngày càng quan trọng trong danh mục vũ khí của đối thủ, mang lại những khả năng chính cần thiết cho các chiến lược” và “Để giải quyết mối đe dọa tàu ngầm đang gia tăng, quân đội Hoa Kỳ và đồng minh cần một cách tiếp cận mới đối với ASW (chiến tranh chống tàu ngầm) bền vững và hiệu quả hơn. Nếu không, các đối thủ sẽ khai thác lợi thế, làm thay đổi vĩnh viễn các mối quan hệ an ninh với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ”.
Kế hoạch năm 2021 của Hải quân Hoa Kỳ cũng nêu bật những rủi ro từ hải quân đối thủ của Trung Quốc, hạm đội lớn nhất thế giới và cho biết Hoa Kỳ cần xây dựng một “hạm đội lớn hơn, có lực sát thương hơn” với nhiều tàu ngầm hơn. Mỹ có khoảng 66 tàu ngầm, trong đó có hơn 50 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và hơn một chục tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Ni Lexiong, một chuyên gia quân sự có trụ sở tại Thượng Hải, cho hay cả Trung Quốc và Nga đều có khả năng chống tàu ngầm kém vượt trội so với Mỹ.
Nhưng Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu từ viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, cho biết các tàu ngầm Mỹ tiếp tục gây ra mối nguy hiểm đáng kể cho Trung Quốc, chủ yếu bằng cách đe dọa các tuyến đường hàng không và tàu nổi. Người này nhận định: “Năng lực tàu ngầm của Mỹ chắc chắn rất mạnh, và đây là lý do tại sao cả Trung Quốc và Nga đều tìm cách tăng cường sức mạnh chống tàu ngầm của mình, đặc biệt khi tình hình an ninh quốc tế hiện nay không ổn định. Trung Quốc đã không tăng đáng kể quy mô của các tàu ngầm thông thường cũng như không có các tàu ngầm mới trong biên chế”.
Các nhà phân tích cho biết rốt cuộc, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Collin Koh, một thành viên nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết Hải quân Mỹ đã có nhiều thập kỷ kinh nghiệm trong chiến tranh chống tàu ngầm, kể cả trong thời kỳ mà Liên Xô thách thức. Ông chỉ ra: “Trong khi hải quân Trung Quốc đã có những bước tiến đáng chú ý về phần cứng và phần mềm, bao gồm cả việc tiếp cận các công nghệ của Nga trong những năm 1990, nhưng vẫn có một khoảng cách đáng kể, chẳng hạn như trong vấn đề đào tạo".
TL (theo SCMP)