Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đánh giá cao mô hình du lịch cộng đồng ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành đã khai thác tài nguyên sẵn có, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển du lịch và tạo sinh kế bền vững cho người dân; “Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh” giúp du khách trải nghiệm không gian văn hóa cộng đồng người Khmer tại danh thắng ao Bà Om, tham quan chùa Âng – trên một nghìn năm tuổi, Bảo tàng dân tộc Khmer; tìm hiểu hoạt động giã cốm dẹp, xem biểu diễn nhạc cụ dân gian.
Các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành cho rằng, để góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân, Trà Vinh cần tăng cường xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch trong và ngoài nước. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch chất lượng, nâng cao kỹ năng phục vụ khách du lịch cho các cơ sở, dịch vụ ăn uống nhà hàng, khách sạn.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh -Trần Minh Thanh giải đáp một số vấn đề vướng mắc, khó khăn của ngành du lịch tỉnh. Đồng thời, xin tiếp nhận đầy đủ các đề xuất về giải pháp khôi phục, phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh.
Tới đây, tỉnh tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, trong đó phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc phát triển du lịch xanh, nói không với bê-tông hóa.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2021, lượng khách ngành du lịch Trà Vinh phục vụ ước 453.075 lượt, đạt 41,19% so với kế hoạch năm; tổng doanh thu du lịch của tỉnh ước hơn 151,1 tỷ đồng, giảm hơn 17,7% so với năm 2020. Năm 2022, tỉnh Trà Vinh đề ra chỉ tiêu đón 550.000 lượt khách du lịch, trong đó có 10.000 lượt khách quốc tế và tăng 22% so với năm 2021./.
Theo Nhandan.vn