Ông Vũ Tấn Long, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh thời trang tại quận 3 cho biết, công ty ông có hai cửa hàng chuyên bán quần áo và mắt kính. Tuy nhiên, mùa dịch đã khiến công ty “điêu đứng” vì hàng bán chậm do khách mua giảm mạnh.
Theo ông Long, một cửa hàng thời trang của ông trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) đã phải đóng cửa từ tháng trước và một cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng (quận 1) cũng vừa đóng cửa, trả mặt bằng.
Nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đã phải ngừng hoạt động vì dịch Covid-19. Ảnh: Đại Việt
“5 tháng dịch bệnh là khoảng thời gian vô cùng u ám. Chủ nhà bớt tiền thuê mặt bằng 50%/tháng nhưng thu vẫn không đủ chi vì khách hạn chế mua sắm. Khách đặt hàng online cũng không có nhiều do thu nhập người dân giảm mạnh”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, trong 5 tháng qua, hai cửa hàng của ông bị lỗ tổng cộng khoảng 300 triệu đồng và ông đã quyết định đóng cửa cả hai cửa hàng này. Công ty cũng tạm ngừng hoạt động từ tháng 8, chờ tình hình dịch bệnh khả quan hơn.
Ông Trần Văn Bình, đại diện một cơ sở gia công quần áo tại quận Tân Phú chia sẻ, công ty ông đã tạm ngừng hoạt động từ tháng 7 do không đủ hàng gia công.
Theo ông Bình, trước đây, cơ sở của ông có hơn 20 công nhân chuyên may gia công quần áo cho các doanh nghiệp xuất khẩu và kinh doanh trong nước. Tuy nhiên, từ tháng 3/2020 đến nay thì lượng quần áo đưa về cơ sở sản xuất giảm đến 80%.
“Quần áo không có, tôi phải cho công nhân nghỉ gần hết nhưng sau nhiều tháng cầm cự thì công ty vẫn tiếp tục lỗ nặng nên tôi quyết định tạm ngừng hoạt động”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, trong hai đợt dịch Covid-19 vừa qua, công ty ông bị thâm hụt tài chính khoảng hơn 200 triệu đồng. Đây là số tiền lớn đối với một doanh nghiệp nhỏ như doanh nghiệp của ông.
Những cửa hàng thời trang lớn phải trả mặt bằng. Ảnh: Đại Việt
Không chỉ có những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang bị thiệt hại nặng nề vì Covid-19 mà các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng đang hứng chịu những tổn thất.
Bà Dương Thị Sáu (ngụ quận 10) cho biết, bà đã bán cà phê, nước giải khát ở quận 10 suốt 13 năm nay. Tuy nhiên, chưa bao giờ tình hình kinh doanh lại ế ẩm như mùa Covid-19.
“Trước đây, mỗi ngày mở quán ra bán đều lời khoảng 400.000 – 500.000 đồng. Nhưng dịch bệnh khiến người dân uống cà phê, nước giải khát giảm mạnh. Hiện tại, mỗi ngày tôi chỉ lời khoảng 150.000 – 200.000 đồng. Tiền bán quán chưa đủ tiền chợ cho gia đình 5 người, chưa kể chi phí cho con học hành và nhiều chi phí sinh hoạt khác”, bà Sáu chia sẻ.
Theo bà Sáu, chồng bà làm nghề dọn xà bần các công trình xây dựng nên thu nhập cũng bấp bênh. Cả gia đình bà chỉ trông chờ vào thu nhập từ quán cà phê. Thế nhưng, dịch bệnh đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cả nhà, mọi chi tiêu đều phải thắt chặt. Có lúc, bà còn phải vay mượn thêm tiền của người thân để trang trải qua mùa dịch.
Cũng theo nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, dịch vụ trang trí nội thất, kinh doanh đồ lưu niệm tại TPHCM thì dịch bệnh đã khiến người kinh doanh vô cùng lao đao. Nhiều hộ kinh doanh đã trả mặt bằng và tạm ngừng hoạt động trong tháng 7 và tháng 8.
Không khí kinh doanh "ảm đạm" trong mùa dịch bệnh. Ảnh: Đại Việt
Mới đây, trong cuộc họp trực tuyến giữa UBND TPHCM với các quận, huyện về công tác phòng chống dịch Covid-19 và triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế, Cục Thuế thành phố cho biết, tính đến ngày 31/7, thành phố đã có hơn 21.000 doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh, giải thể khiến số vốn giảm xuống hơn 12.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng: Việc phục hồi kinh tế của TPHCM đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khi dịch bệnh có diễn biến khó lường.
Việc nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và giải thể đã kéo theo hàng chục ngàn lao động mất việc, gây tác động mạnh đến tốc độ tăng trưởng kinh của thành phố.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đang chịu tác động nặng nề nhất do dịch Covid-19. Trước đây, tỷ lệ lấp đầy tại các khách sạn đạt 70 - 80% thì hiện nay các khách sạn 4 - 5 sao thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn chỉ đạt 2 - 3%.
Tại cuộc họp, đại diện Sở Công Thương thành phố cho biết, từ ngày 7 - 13/8, sức mua đã giảm 10% tại các đơn vị phân phối đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Lượng khách đến mua hàng tại hệ thống siêu thị cũng giảm 50% do ảnh hưởng của dịch bệnh do người dân ngại đến những nơi tập trung đông người.
Trước tình hình này, ông Phong yêu cầu các quận huyện, sở ngành đưa ra các giải pháp cụ thể để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố tham mưu, đề xuất phương án gói hỗ thứ 2 cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Trước đó, HĐND TP.HCM đã có Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND về hỗ trợ người lao động mất việc do Covid-19 và hỗ trợ nhiều thành phần khác trong xã hội với tổng mức hỗ trợ dự kiến lên tới 2.753 tỷ đồng.
Đại Việt