Mùi bùn thải và phân hầm cầu
Mùi hôi từ bãi rác Đa Phước theo gió đã gây ảnh hưởng đến đời sống của một vùng dân cư rộng lớn, nhất là các quận huyện lân cận khu vực này. Báo chí và các phương tiện truyền thông đã phản ánh nhiều về nỗi thống khổ của người dân địa phương và các vùng phụ cận khi hàng ngày phải hít thở mùi hôi thối bắt nguồn từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước. Đặc biệt, mức độ ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, khiến cho người dân mắc các bệnh về da, hô hấp...
Ông Nguyễn Văn Tư (người dân ấp 1, xã Phong Phú) cho rằng, mùi hôi thối càng ngày càng nặng nên... dai dẳng không chịu được.
Ông Nguyễn Văn Tư (người dân ấp 1, xã Phong Phú) bức xúc khi phải gánh chịu mùi hôi từ rác và phân hầm cầu từ khu Đa Phước.
“Vừa rồi thành phố cho dân vào thị sát 2 nhà máy xử lý bùn thải với phân hầm cầu, họ chỉ cần dỡ bồn chứa ra là thở không nổi. Ai cũng rõ nguyên nhân và điểm phát xuất mùi hôi thối, chỉ chờ thành phố xử lý sao cho đúng thôi, dân khổ quá rồi!”, ông Tư nói thêm.
Bà Trịnh Thị Hương (người dân ấp 1, xã Phong Phú) thì chia sẻ: “Tối ngủ con tôi phải quấn khăn giấy nhét vào lỗ mũi mới ngủ được chứ hôi thối không chịu nổi. Cứ 8-9h tối trở đi là hôi thối kinh khủng. Nhiều khi dọn cơm ra xong rồi ăn không nổi, bỏ bữa luôn”.
Trong khi bị đại đa số người dân phản ánh mùi hôi phát xuất từ chính đơn vị của mình thì trong cuộc thị sát nhà máy gần đây do Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM tổ chức, ông Hoàng Giáng Sinh, đại diện Nhà máy bùn thải Sài Gòn Xanh nói mùi hôi là do quá trình chuyên chở, tiếp nhận bùn thải. Ý kiến này ngay lập tức bị phản ứng gay gắt bởi bà Tô Hồng Trang (người dân quận 7), khi cho rằng mùi hôi xuất phát ngay khu vực xử lý, ngồi trên xe đã xộc vào nồng nặc. Nhiều người dân khác ở huyện Nhà Bè cũng đồng quan điểm với bà Trang.
Khu chứa chất thải trong bể lộ thiên của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh.
Theo ghi nhận của PV, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước không chỉ có bãi rác của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), mà còn có 2 đơn vị khác là Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh (Nhà máy bùn thải Sài Gòn Xanh) và Công ty CP Dịch vụ Môi trường đô thị Hòa Bình (Nhà máy xử lý phân hầm cầu Hòa Bình). Đáng nói, các bãi tập kết bùn thải và bồn chứa phân hầm cầu của 2 nhà máy này lại để “lộ thiên”, không có dấu hiệu che chắn.
Chính quyền TP HCM đã tiến hành nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động của 2 nhà máy trên. Người dân cho biết, sự có mặt của ngành chức năng đã giúp mùi hôi giảm so với trước nhưng vẫn còn ở mức cao, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
Nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm?
Không chỉ sống khổ vì mùi hôi, hiện nay người dân ở ấp 1, xã Phong Phú còn lo lắng khi nguồn nước ngầm đang có dấu hiệu bị ô nhiễm. Nhiều trẻ nhỏ và kể cả người lớn khi tắm bằng nước giếng đều có dấu hiệu viêm da dị ứng, nổi mẩn ngứa, nổi ghẻ lây lan khắp người.
Hàng ngày người dân vẫn sinh hoạt bằng nguồn nước ngầm có nguy cơ ô nhiễm.
“Thấy cháu nổi mẩn ngứa đưa đi viện thì bác sĩ nói viêm da, dị ứng nhưng uống thuốc hoài không hết. Hồi trước con tôi nó mập mạp mà bị như vậy ngủ không được mãi rồi gầy đi, nên tôi rất xót. Không biết có nghiêm trọng gì hơn không nữa”, bà Thành hoang mang.
Các bệnh về da xuất hiện ngày càng nhiều do sinh hoạt, tắm rửa bằng nguồn nước ngầm nghi bị ô nhiễm từ Đa Phước.
Cũng giống như bà Thành, bà Trần Thị Bích Thủy (người dân ấp 1, xã Phong Phú) cho biết, gần như trẻ nhỏ cả xóm điều bị mẩn ngứa, nổi ghẻ như nhau. Sức vóc của các bé thời gian gần đây nhanh chóng bị giảm xuống, người xanh xao và gầy đi do mẩn ngứa, không ngủ được. Thậm chí, một số trường hợp người lớn còn bệnh ung thư nên rất sợ.
Theo TS. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, nếu người dân sống gần nơi có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước nhất là các bãi rác, xử lý chất thải... sẽ có nguy cơ nhiễm các bệnh nhiễm trùng tiêu hóa như lỵ trực trùng, lỵ anib (tiêu chảy phân đàm máu), dịch tả, thương hàn, nhiễm leptospira (sốt kéo dài, vàng da suy gan suy thận), dị ứng da, ngứa ngáy...
“Tùy mức độ ô nhiễm là chất gì và thói quen sinh hoạt của người dân ra sao, nếu tiếp xúc càng lâu và càng gần với nguồn nước, nguồn không khí ở những nơi như vậy thì khả năng nhiễm bệnh càng cao”, BS Châu nhấn mạnh.
Lo lắng, bức xúc, thậm chí bất mãn trước những điều đang phải đối diện hằng ngày, người dân cho rằng, ngành chức năng thành phố cần sớm có biện pháp xử lý triệt để, hoặc ít nhất giảm thiểu tối đa mùi hôi thối phát ra từ 2 nhà máy Sài Gòn Xanh và Hòa Bình. Nếu cần phải có biện pháp mạnh, chế tài đủ răn đe để doanh nghiệp làm tốt, bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường. Đồng thời kiến nghị, cần sớm xây dựng hành lang vành đai xanh, tổ chức đền bù, di dời tái định cư đối với các hộ thuộc diện quy hoạch để người dân sớm có cuộc sống ổn định, không bấp bênh như hiện nay.
VWS không phủ nhận việc gây mùi
Đại diện VWS khẳng định, đơn vị này hoàn toàn không chối bỏ gây ra mùi hôi, bởi quá trình vận chuyển, tiếp nhận, xử lý... sẽ không thể khép kín 100%, sẽ có khâu “hở”, gây phát tán mùi hôi. VWS hiện đã nghiên cứu và lập đề án công nghệ xử lý rác mới, phù hợp hơn. Đề án cũng đã được trình lên lãnh đạo TP.HCM xem xét hơn một năm qua và VWS vẫn đang chờ kết quả để nhanh chóng triển khai.
Kim Cường