Tổng quan về dự thảo Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025: Bài 1 – Thành quả và thực trạng phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020

21:16 01/11/2021

Dự thảo Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025 do Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng không chỉ ghi nhận những thành quả, mà còn nêu rõ về thực trạng phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này giai đoạn 2016 -2020…

Từ phát triển doanh nghiệp…

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2016-2020, số lượng doanh nghiệp thành lập mới của Nghệ An là 8.960 doanh nghiệp, gấp 1,49 lần so với giai đoạn 2011-2015, tăng bình quân 7,09%/năm: Từ 2016-2028, doanh nghiệp Nghệ An tăng mạnh với tỷ lệ 11,9%/năm. Đồng thời, có 2.157 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng số doanh nghiệp thành lập mới của Nghệ An vẫn tăng 6,94% so với năm 2019. 

  Biểu đồ tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp hoạt động hàng năm của Nghệ An.

Tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 là 60.152 tỷ đồng, vốn đăng ký doanh nghiệp tăng bình quân 26,03%/năm. Vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp tăng từ 4,04 tỷ đồng năm 2015 lên 8,82 tỷ đồng năm 2020. Luỹ kế đến năm 2020, tổng số doanh nghiệp đăng ký toàn tỉnh là 23.404 doanh nghiệp, tăng 61,4% so với năm 2015, trong đó, số doanh nghiệp hoạt động là 13.220 doanh nghiệp, chiếm 56,48% số lượng doanh nghiệp đăng ký, tăng 43% so với năm 2015 và tăng bình quân 7,45%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Cơ cấu doanh nghiệp theo thành phần kinh tế: Doanh nghiệp nhà nước có 63 doanh nghiệp, chiếm 0,48%, giảm 17 doanh nghiệp (do sắp xếp lại và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước); doanh nghiệp ngoài nhà nước có 13.107 doanh nghiệp, chiếm 99,14% trong tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh. Qua đó, khẳng định vai trò quan trọng của thành phần kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế của tỉnh; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 50 doanh nghiệp, chiếm 0,38%.

Theo tiêu chí xác định quy mô doanh nghiệp tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì đến năm 2020, Nghệ An có 12.827 doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ, chiếm 97,03% , trong đó doanh nghiệp quy mô nhỏ chỉ chiếm 18,09%. Doanh nghiệp quy mô vừa trở lên chỉ có 273 doanh nghiệp, chiếm 2,97%. 

  Tỉnh Nghệ An gặp mặt các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu năm 2021 nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.

Cơ cấu theo ngành nghề kinh doanh chính: Dịch vụ là lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp lớn nhất, với 7.966 doanh nghiệp, chiếm 60,25% tổng số doanh nghiệp; lĩnh vực công nghiêp – xây dựng có 4.757 doanh nghiệp, chiếm 35,99% tổng số doanh nghiệp, trog đó xây dựng là 23,05%; lĩnh vực lâm - nông nghiệp và thuỷ sản có 497 doanh nghiệp, chỉ chiếm 3,76% tổng số doanh nghiệp.

Cơ cấu theo địa bàn: Doanh nghiệp được thành lập chủ yếu ở đồng bằng với 11.395 doanh nghiệp, chiếm khoảng 86,2%, trong đó TP.Vinh chiếm hơn 53,55%, còn lại ở các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu. Khu vực miền núi có 1.825 doanh nghiệp, chiếm 13,8%, trong đó vùng núi cao có 608 doanh nghiệp, chỉ chiếm 4,6%.

Đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp…

Bình quân giai đoạn 2016-2020, mỗi năm các doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An đang hoạt động tạo ra 170,7 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần, tốc độ tăng bình quân đạt 9,2%/năm, tăng 35,14% so với bình quân giai đoạn 2011-2015. Theo ngành kinh tế cho thấy, khu vực dịch vụ có quy mô doanh thu lớn nhất. Tuy nhiên, tốc độ tăng doanh thu giai đoạn 2016-2020 lại thấp nhất trong các ngành kinh tế, cụ thể: Khu vực dịch vụ bình quân mỗi năm tạo ra 90.852 tỷ đồng doanh thu (chiếm 53,22%), tăng bình quân 12,16%/năm và tăng 54,1% so với giai đoạn 2011-2015; khu vực công nghiệp và xây dựng tạo ra 73.026 tỷ đồng/năm (chiếm 42,78%), tăng bình quân 12,25%/năm và tăng 75,3% so với giai đoạn 2011-2015; khu vực nông - lâm nghiệp và thuỷ sản tạo ra 6.820 tỷ đồng/năm (3,99%), tăng 18,23%/năm và tăng 171,6% so với giai đoạn 2011-2015. 

  Nhờ đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, doanh nghiệp hoạt động trong ngành may mặc của Nghệ An vẫn duy trì được hoạt động sản xuất.

Theo thành phần kinh tế: Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra doanh thu cao nhất trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp, bình quân mỗi năm khu vực này tạo ra 152.007 tỷ đồng, chiếm 89% tổng doanh thu, tăng bình quân 10,94%/năm; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra 7.394 tỷ đồng, chiếm 4,33%, tăng bình quân 9,29%/năm; khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra 11.391 tỷ đồng, chiếm 6,67%, tăng bình quân 1,67%/năm.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi đạt 38,8% và tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh lỗ chiếm 45,25%.

Đóng góp của doanh nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội

Về giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động: Số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp năm 2016 là 192.286 người, đến năm 2020 là 221.205 người, tăng bình quân 3,6%/năm. Hằng năm, bình quân khu vực doanh nghiệp tạo việc làm mới cho khoảng 9.090 lao động. Theo thành phần kinh tế, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 169.525 lao động, chiếm 76,63%, tăng bình quân 3,9%/năm. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là  28.605 lao động, chiếm 12,93%, tăng bình quân 4,26%/năm. Khu vực doanh nghiệp nhà nước có 23.075 lao động, chiếm 10,43%, chỉ tăng 0,09%/năm (do quá trình tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước). 

 Vào ngày 14/9, ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp để nghe và cho ý kiến vào dự thảo Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh này đến năm 2025.

Đáng chú ý, lao động khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 59,25% lao động toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Lao động khu vực dịch vụ chiếm 35,36%. Khu vực nông - lâm nghiệp và thuỷ sản chỉ thu hút được khoảng 5,38% tổng số lao động toàn bộ khu vực doanh nghiêp. Năng suất lao động: Doanh thu bình quân 1 lao động trong toàn bộ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng dần từ 756 triệu đồng/người năm 2016 lên 1.027 triệu đồng/người năm 2020. Giai đoạn 2016-2020 có tốc độ tăng bình quân 7,5%/năm, trong đó doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt mức cao nhất là 1.109 triệu đồng/lao động, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 10,67%/năm.

Thu nhập bình quân của người lao động khu vực doanh nghiệp là 5,72 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,45 lần so với năm 2015. Theo ngành kinh tế, mức thu nhập của người lao động trong khu vực dịch vụ đạt cao nhất với 6,317 triệu đồng/người/tháng, khu vực sản xuất nông - lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 4,046 triệu đồng/người/tháng, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 5,506 triệu đồng/người/tháng.

Đóng góp vào GRDP và thu ngân sách: Tỷ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 là 22,83%, trong đó đóng góp của doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI đạt 20,73%. Sự phát triển của doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào của nên kinh tế được cải thiện đáng kể. 

  Ông Nguyễn Hữu Mão - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An đang trình bày dự thảo Đề án phát triển doanh nghiệp của tỉnh này đến năm 2025.

Thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp liên tục tăng qua các năm (năm 2020 đạt 10.501 tỷ đồng, tăng 41,3% so với năm 2016), chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu trên địa bàn tỉnh (bình quân đạt 62,56%). Nguồn thu nội địa từ khu vực doanh nghiệp liên tục tăng. Số doanh nghiệp có mức nộp ngân sách trên 50 tỷ tăng dần qua các năm và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nội địa.

Huy động vốn đầu tư: Tổng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp năm 2020 khoảng 111.192 tỷ đồng, chiếm 35,61% tổng vốn đầu tư xã hội, trong đó doanh nghiệp nhà nước chiếm 4,03%, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 29,04% và doanh nghiệp FDI là 2,54%. Giai đoạn 2016 -2020, Nghệ An đã thu hút 620 dự án đầu tư (còn hiệu lực) với tổng vốn đăng ký 75.950 tỷ đồng. Nhiều dự án có quy mô lớn đã hoàn thành, đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả như: Sản xuất gỗ ván sợi MDF, Khu công nghiệp VSIP, Khu công nghiệp WHA Hemairaj 1, Khu vui chơi giải trí Cửa Hội, Nhà máy bia - nước giải khát Masan Nghệ An, Trang trại chăn nuôi lợn Masan, Luxshare-ICT, Goertek Hồng Kông… 

 Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An Lê Trường Giang kiến nghị rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Xuất nhập khẩu hàng hoá từ khu vực doanh nghiệp: Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 là 9,76%, trong đó xuất khẩu hàng hoá là 11,52%. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2016 lên 120 quốc, vùng lãnh thổ năm 2020, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày càng tăng, từ 129 doanh nghiệp năm 2016 lên 200 doanh nghiệp năm 2020.

Song song với những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, trong những năm qua, các doanh nghiệp Nghệ An đã thể hiện rõ nét vai trò cùng với các cấp, các ngành và cộng đồng giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, ủng hộ người nghèo, thiên tai bão lũ, dịch bệnh… với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp Nghệ An cũng tổ chức các chương trình, các đoàn đi thăm, tặng quà, chúc tết đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa và trao hàng nghìn suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó trên địa bàn tỉnh.

Văn Cương - Hoàng Lan