Tổng quan dự thảo Đề án phát triển doanh nghiệp Nghệ An đến năm 2025: Bài 5 - Nền tảng nào để doanh nghiệp hình thành và phát triển bền vững?

20:33 16/11/2021

Để phát triển doanh nghiệp Nghệ An đến năm 2025, dự thảo Đề án đã hoạch định một hệ thống giải pháp. Song, giải pháp “rường cột” để tạo nền tảng cho doanh nghiệp hình thành và phát triển bền vững chính là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Theo đó, dự thảo Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025 đã nêu rõ: Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao các chỉ số về môi trường đầu tư kinh doanh, như: PCI, PAPI, PAR index, đặc biệt là cải thiện các chỉ số thành phần có số điểm và thứ hạng thấp. Để hiệu quả, dự thảo Đề án đã xây dựng một hệ thống nhiệm vụ cần thực hiện đồng bộ, cụ thể:

Thường xuyên cập nhật, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển doanh nghiệp phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và phù hợp với mục tiêu, thực tiễn phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ dịch vụ vận tải biển và cảng biển để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá. Bổ sung, sửa đổi chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh theo hướng tiệm cận với khung bồi thường mà pháp luật cho phép để tạo thuận lợi trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. 

 Nghệ An khai trương Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh vào chiều ngày 14/10/2020

Tiếp tục rà soát, đơn giản hoá quy trình thực hiện các thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp như thủ tục về đất đai, thuế và hải quan. Nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Đẩy mạnh ứng dựng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và nâng tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý mức độ 3, mức độ 4.

Tổ chức lập và triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới quy hoạch xây dựng vùng và các quy hoạch khác theo hướng đồng bộ, đảm bảo tính liên kết. Điều chỉnh mở rộng, rà soát, xây dựng các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu dọc các tuyến đường giao thông chính, làm cơ sở tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp tại các địa phương làm cơ sở thu hút đầu tư và tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp. 

 UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị giao ban với Hiệp hội doanh nghiệp, các Hội doanh nghiệp, doanh nhân tháng 9/2021 nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp khôi phục sản xuất, kinh doanh

Xây dựng kế hoạch hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo lĩnh vực, địa bàn quản lý. Triển khai thực hiện Đề án đánh giá năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An – DDCI giai đoạn 2021 -2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 2642/QĐ-UBND ngày 28/7/2020. Tập trung chỉ đạo theo lộ trình chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo Nghị định 150/2020/NĐ-CP ngày 25/12/2020 của Chính phủ.

Duy trì hội nghị giao ban giữa lãnh đạo tỉnh và các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nâng cao chất lượng giải quyết các nội dung kiến  nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong giải quyết các thủ tục hành chính, các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất nguồn nhân lực…

Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, dự thảo Đề án đã xác định, tiếp tục phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là các công trình trọng điểm về sân bay, cảng biển, đường giao thông, hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp…

Sớm hình thành và phát triển một thị trường dịch vụ logistics hoàn chỉnh dựa trên nền tảng: Hạ tầng cảng biển, hệ thống kho bãi, hệ thống giao thông kết nối tối ưu tới các vùng trọng điểm của tỉnh và Khu vực Bắc Trung Bộ; đặt gần các khu vực đầu mối giao thông như Sân bay quốc tế Vinh, Cụm Cảng biển quốc tế Cửa Lò, Cảng biển Đông Hồi, Nghi Sơn…hoặc triển khai trên các cung đường giao thông lớn kết nối giữa khu vực thành phố đến các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, để trung chuyển, cung cấp hàng hoá cho chuỗi phân phối; phát triển các trung tâm logistics phục vụ hàng hoá giữa Nghệ An đi các tỉnh, thành; hàng hoá xuất nhập khẩu trực tiếp từ các cảng biển Nghệ An. 

 Cầu Cửa Hội nối hai bờ sông Lam và quốc lộ ven biển hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh 

Song song với phát triển, hoàn thiện kết cầu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khụ vực doanh nghiệp bằng các giải pháp:

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, đặc biệt là nhân lực có kỹ năng nghề, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Gắn việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế với cơ cấu lao động trên cơ sở làm tốt công tác đào tạo theo các ngành nghề.

Thực hiện đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Phát triển mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng đào tạo theo địa chỉ sử dụng để phát triển nguồn lao động có trình độ chuyên môn, có năng lực nghề nghiệp đáp ứng quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động. 

  Một lớp đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn Nghệ An

Đa dạng hoá các hoạt động giao dịch việc làm, tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các sàn giao dịch việc làm vệ tinh trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động tra cứu, kết nối thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu thị trường lao động đã được thụ thập, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh, để gắn kết người lao động với doanh nghiệp.

Ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành hệ thống sàn giao dịch việc làm, xây dựng cổng thông tin điện tử về lao động việc làm trên địa bàn tỉnh.

Thiết nghĩ, sau khi Đề án này được phê duyệt thì giải pháp “rường cột” nêu trên sẽ được triển khai thực hiện hiệu quả để tạo nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp Nghệ An phát triển đúng với mục tiêu đã đề ra.

Văn Cương - Hoàng Lan