Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 2533/UBKT15 ngày 12/01/2024 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Cũng theo văn bản này, VCCI cho biết, đã có văn bản góp ý Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng vào tháng 7/2023 và được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến về tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng và một số vấn đề quan trọng khác. Đối với 8 vấn đề được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh tại Công văn số 2533/UBKT15, VCCI có một số ý kiến như:
Về quy định người có liên quan, Điều 4.24.g của Dự thảo quy định người có liên quan còn có thể bao gồm pháp nhân, cá nhân khác có quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng được xác định theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, giám sát.
Theo VCCI, quy định này là hợp lý, giúp xác định những trường hợp người có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các ngân hàng nhưng không thuộc diện người có liên quan theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, quy định tại Điều 4.24.g sẽ dẫn đến tình huống sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định một cá nhân, pháp nhân là người có liên quan thì cá nhân, pháp nhân hoặc nhóm người có liên quan đó sẽ vi phạm các quy định của Luật này (có thể về giới hạn tỷ lệ sở hữu, hoặc giới hạn cấp tín dụng hoặc các quy định khác). Khi đó chưa rõ các bên sẽ phải xử lý như thế nào: liệu các bên có phải điều chỉnh để bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật hay quyết định xác định người có liên quan của NHNN sẽ không hồi tố?
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ để xử lý trường hợp này, tránh lúng túng khi triển khai trên thực tiễn, cân nhắc quy định theo hướng không hồi tố để bảo đảm quyền tài sản của các bên, trừ trường hợp các bên cố tình thực hiện các giao dịch giả để lách quy định trước đó.
Ngoài vấn đề đã nêu, góp ý Điều 41.1.b của Dự thảo quy định người quản lý, người điều hành và một số chức danh của tổ chức tín dụng phải có đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
VCCI cho rằng, đây là quy định quan trọng, ảnh hưởng đến việc bố trí nhân sự của các tổ chức tín dụng. Việc quy định tại cấp văn bản Thông tư có thể sẽ không bảo đảm tính ổn định của pháp luật giúp các tổ chức tín dụng chủ động trong việc bố trí nhân sự phù hợp. Hơn nữa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có quyền chấp thuận danh sách dự kiến, có quyền đình chỉ, tạm đình chỉ, có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm, chỉ định người thay thế.
“Do đó, quy định về đạo đức nghề nghiệp của những người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng nên để ở văn bản pháp lý cấp cao hơn như Nghị định của Chính phủ thay vì thuộc thẩm quyền của Thống đốc”, VCCI góp ý.
Cũng tại văn bản góp ý, về những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ, Điều 43 của Dự thảo quy định những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ, trong đó có quy định thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát không đồng thời quản lý doanh nghiệp khác.
Theo VCCI, một số doanh nghiệp phản ánh với VCCI về việc quy định này sẽ gây khó khăn cho việc bố trí nhân sự. Bởi thông thường, nhiệm vụ HĐQT và Ban Kiểm soát thường không phải là công việc toàn thời gian, nên nếu không cho họ làm thêm doanh nghiệp khác thì sẽ khó kiếm được người đủ năng lực để đảm nhận công việc.
“VCCI nhận thấy, nếu cho phép thành viên HĐQT, BKS làm quản lý doanh nghiệp khác thì có thể dẫn đến rủi ro ưu tiên cấp tín dụng cho doanh nghiệp khác đó. Tuy nhiên, vấn đề này đã có quy định về hạn chế cấp tín dụng tại Điều 135 xử lý. Nếu cần thiết thì làm chặt hơn quy định tại Điều 135 hơn là việc cấm đồng thời đảm nhiệm chức vụ. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại vấn đề này”, VCCI góp ý.
Cùng với các vấn đề đã nêu, VCCI cũng đề nghị xem xét, cân nhắc một số nội dung liên quan đến: Quyền và nghĩa vụ của người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng (Điều 48 của Dự thảo); Công khai, công bố thông tin (Điều 49 của Dự thảo).
P.V (t/h)