Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn người dân phát dọn thực bì dưới tán rừng trồng, phòng chống cháy rừng trong mùa khô.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có trên 504.000 ha rừng, trong đó diện tích rừng có nguy cơ cháy cao chủ yếu là rừng khộp, rừng lá kim, rừng hỗn giao và rừng trồng có nhiều vật liệu dễ gây cháy, nhất là trong các tháng cao điểm của mùa khô từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm chiếm hơn 200.000 ha, tập trung ở các huyện Ea Kar, Lắk, M’Đrắk, Krông Bông, Ea H’leo và Krông Năng…
Trước tình hình đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và các chủ rừng, chủ động thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, trong đó có phát dọn thực bì dưới tán rừng, “đốt trước có kiểm soát”, làm đường băng ngăn lửa ở các cánh rừng; giảm vật liệu cháy... Các địa phương, đơn vị, chủ rừng cũng đã được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầy đủ quân số, phương tiện, phòng chống cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”; phân công Kiểm lâm về các địa phương tuyên truyền các biện pháp phòng chống cháy rừng cho người dân, nhất là hướng dẫn người dân phát dọn nương rẫy, cách đốt thực bì an toàn, khi bắt đầu mùa rẫy mới v.v...
Ea Kar là huyện nằm ở phía Đông tỉnh Đắk Lắk có hơn 32.200 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 28.200 ha và rừng trồng hơn 3.200 ha. Huyện có 2 đơn vị chủ rừng lớn là Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar. Ngay từ cuối mùa mưa năm 2018, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng Phương án Phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô năm 2019. Từ đó đến nay, công tác PCCCR trên địa bàn luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền và các đơn vị, địa phương cùng người dân rất quan tâm. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra vào ngày 20/2/2019 cho thấy, tại 2 đơn vị có diện tích rừng dễ cháy khá lớn là Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar, công tác PCCCR vẫn chưa được triển khai thực hiện nghiêm túc. Trong đó, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô “chưa xây dựng phương án PCCC theo Nghị định 156/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 16/11/2018; chưa tổ chức ký cam kết không vi phạm Luật Lâm nghiệp, các quy định về bảo vệ và phát triển rừng với người dân sống gần rừng; ... chưa mở hồ sơ theo dõi công tác PCCCR đúng quy định; chưa thành lập tổ đội PCCCR...”. Đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar, “... đã phát dọn thực bì trên đường băng chính, nhưng chiều rộng của đường băng chưa đúng với Phương án PCCCR đã được phê duyệt (5-6m/10m), vẫn còn một số đường băng chưa được phát dọn thực bì... Ký cam kết, họp dân truyên truyền PCCCR chưa thực hiện đủ với Phương án đã được phê duyệt (mới tổ chức 2/10 hội nghị với người dân)”. Theo ông Phan Đức Thành, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar, những tồn tại nhận thấy từ công tác kiểm tra việc thực hiện Phương án PCCCR thời gian qua đã được Hạt kiến nghị với các đơn vị chủ rừng nhanh chóng khắc phục. Hạt cũng đã tham mưu với UBND huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar để công tác PCCCR được quan tâm thực hiện đúng mức nhằm không để xảy ra cháy rừng.
Còn tại huyện Krông Pắc, nơi có gần 2.600 ha rừng trồng, chủ yếu là Keo lai của Công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Phước An, trong đó hơn 1.000 ha có nguy cơ cháy cao. Công tác PPCCR đã được địa phương và chủ rừng triển khai các biện pháp ứng phó. Tuy nhiên, trưa ngày 20/3/2019, cháy rừng đã xảy ra tại lô 6, khoảnh 8, tiểu khu 945 nằm trên địa bàn xã Hòa Tiến. Do phát hiện sớm và kịp thời huy động lực lượng chữa cháy, nên lửa chỉ làm cháy lớp thực bì trên diện tích 1,1 ha rừng. Nguyên nhân cháy rừng hiện đang được cơ quan chức năng điều tra. Từ vụ cháy rừng này, công tác PCCCR đã được huyện Krông Pắc và Công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Phước An coi trọng hơn. Đây cũng là “hồi chuông nhắc nhở” các địa phương, đơn vị, chủ rừng ở Đắk Lắk cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa công tác PCCCR, nhằm tránh những thiệt hại không đáng có./.
Bài và ảnh: PV Tây Nguyên