Hàng hóa XNK giữ được đà tăng
Theo UBND TPHCM, mặc dù trong tháng 11 và tháng 12/2021, xuất khẩu của TPHCM đã phục hồi, ước tính tháng 12, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt trên 4 tỷ USD, tăng 4,2% so tháng trước.
Riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt trên 3,7 tỷ USD, tăng 6,3% so với tháng 11 năm 2021.
Tuy nhiên, do kim ngạch xuất khẩu giảm sâu trong những tháng trước đó, nên ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu của cả năm của TPHCM. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp thành phố xuất qua cảng TPHCM năm 2021 ước đạt trên 40,2 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng giá trị xuất khẩu của TPHCM tại các cửa khẩu trên cả nước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng 6,4%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt trên 11,5 tỷ USD, tăng 7,1%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 26,2 tỷ USD giảm 3,2%.
Nhiều nhóm hàng xuất khẩu tăng cao, như: Nông sản có giá trị xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 16,0% và chiếm 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, cao su có sản lượng xuất khẩu đạt 275,6 nghìn tấn với giá trị đạt 709,6 triệu USD, tăng 48,6%; gạo đạt 1.247,0 nghìn tấn, với giá trị đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 11,7%; cà phê có sản lượng xuất khẩu đạt 291,7 nghìn tấn với giá trị đạt 541,4 triệu USD, tăng 9,2%; hạt tiêu có sản lượng xuất khẩu đạt 120,8 nghìn tấn với giá trị đạt 322,0 triệu USD, tăng 61%...
Điểm nổi bật trong bức tranh kinh tế của TPHCM là hàng hóa nhập khẩu tăng cao. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TPHCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 57.924,8 triệu USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đơn hàng xuất khả quan
Theo kết quả khảo sát của UBND TPHCM, trong tổng số các doanh nghiệp được khảo sát, có 73% doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý 4/2021 tăng và giữ nguyên so với quý III/2021 (35,2% tăng và 37,8% giữ nguyên), tỷ lệ doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm là 27,0%.
Các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý 1/2022 khả quan hơn, với 74,3% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý 4/2021 (38,3% tăng và 36,0% giữ nguyên); 25,7% doanh nghiệp dự báo giảm. Như vậy, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng là dấu hiệu cho thấy nhu cầu của khách hàng ở nước ngoài đang dần cải thiện.
Phân theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng xuất khẩu quý 4/2021 tăng so với quý 3/2021, như: Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 85,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 64,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 54,6%; sản xuất đồ uống tăng 50%.
Tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn bị tác động do dịch Covid-19. Dự báo số lượng lao động trong quý 1/2022 so với quý 4/2021 sẽ tăng hoặc giữ nguyên, với 75,7% số doanh nghiệp lựa chọn; 24,3% doanh nghiệp dự kiến quy mô lao động giảm.
Chi phí sản xuất vẫn là mối lo của doanh nghiệp. Theo đánh giá của các doanh nghiệp về chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm chính tăng và giữ nguyên (38,3% doanh nghiệp đánh giá tăng và 45,5% doanh nghiệp đánh giá giữ, nguyên); 16,2% doanh nghiệp đánh giá giảm. Dự báo quý 1/2022 so với quý 3/2021 có 84,9% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất cho một đơn vị sản phẩm chính tăng và giữ nguyên (33,3% tăng và 51,6% giữ nguyên); 15,1% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất giảm.
PV (t/h).