Tiền Giang: Chuyển đổi hiệu quả mô hình trồng cây thanh long thích ứng hạn, mặn

12:22 04/11/2022

Cây thanh long là 1 trong 7 loại trái cây chủ lực của tỉnh Tiền Giang với khả năng thích nghi rộng, chịu hạn giỏi. Đây là cây trồng tiềm năng cho mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.

Tại xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, mô hình "Vườn cây thanh long áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong điều kiện hạn, mặn" đã cho nhiều kết quả khả quan trong điều kiện xâm nhập mặn xảy ra hàng năm. Vườn mô hình được thực hiện nghiên cứu từ tháng 9/2019 trên diện tích 2.000m2 do Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thủy và Thạc sĩ Dương Văn Bon xây dựng thực hiện. Vườn cây áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như: Trồng giàn theo kiểu T-bar, tưới phun mưa, tưới béc phun tưới gốc bù áp kết hợp bón phân, tưới xả đầu trụ bù áp kết hợp phun thuốc bảo vệ thực vật. 

Ảnh minh họa
Ủ phân hữu cơ vi sinh tại chỗ từ phân bò bằng cành thanh long thải bỏ

Đây là một xã bãi ngang ven biển của tỉnh với thiên nhiên hết sức khắc nghiệt, mỗi năm có từ 6 - 9 tháng nước bị nhiễm mặn. Người dân trồng lúa năng suất bấp bênh, cuộc sống người dân rất khó khăn. Tuy nhiên, mô hình cây thanh long áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trên trong điều kiện hạn mặn cho hiệu quả rất khả quan. Từ tháng 9/2021 đến tháng 2/2022, năng suất cao hơn khoảng 11,6%, khối lượng trái loại 1 cao hơn khoảng 5% và chất lượng trái thanh long tốt hơn với độ dày vỏ mỏng hơn, độ cứng của trái tốt hơn...

Trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế, huyện Chợ Gạo xác định cây thanh long là một trong những loại cây trồng có lợi thế, tiềm năng phát triển. Ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến giá thanh long sụt giảm trong thời gian dài. Nguồn thu nhập sụt giảm khiến một số hộ thực hiện chuyển đổi từ trồng cây thanh long sang cây dừa.

Trong khi một số hộ phá bỏ cây thanh long trồng cây trồng khác, nhiều hộ vẫn chọn giải pháp tiếp tục chăm sóc duy trì diện tích hiện có và phá bỏ diện tích thanh long già cỗi vẫn trồng lại cây thanh long. Bà Nguyễn Thị Bé Chín, nông dân xã Quơn Long cho biết, bà canh tác thanh long đã trên 20 năm, dù giá cả có xuống thấp, bà vẫn duy trì diện tích vườn thanh long hiện có. Cây thanh long đã gắn bó và mang đến cuộc sống ấm no sung túc cho gia đình bà. Khi thanh long xuống thấp, bà giảm lượng phân bón, lấy công làm lời.

Gia đình ông Nguyễn Văn Ân ở ấp Long Hòa, xã Quơn Long canh tác gần 10.000m2 thanh long vẫn quyết định trồng lại hai giống thanh long ruột trắng và ruột đỏ, bởi ông tin rằng cây thanh long sẽ không phụ lòng người và thị trường tiêu thị sẽ khởi sắc trở lại trong thời gian tới. 

Ảnh minh họa
Nông dân kiên trì với mô hình chuyển đổi cây trồng. 

Các xã nằm trong vùng quy hoạch dự án thanh long đã thành lập Ban Chỉ đạo xác định vùng, diện tích phát triển trồng thanh long và diện tích, khu vực đăng ký thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; GlobalGAP. Toàn huyện Chợ Gạo hiện có khoảng 80 cơ sở thu mua thanh long cơ bản tiêu thụ hết sản phẩm cho nông dân. Huyện đang triển khai nhiều giải pháp xây dựng, phát triển vùng thanh long bền vững theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, kêu gọi những dự án đầu tư vào địa bàn, nhất là chế biến nông sản nhằm góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực.

Nhiều năm qua, thanh long được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực, mang lại giá trị hàng tỷ USD mỗi năm. Thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và nhiều nước khác như: Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Chile.

Hơn 2 năm dịch COVID-19 bùng phát, nhiều loại trái cây gặp khó khăn trong đó có thanh long. Do vậy, nông dân không nên chuyển đổi cây trồng một cách ồ ạt, mà phải cân nhắc sự phù hợp của loại cây thay thế với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và vấn đề về thị trường tiêu thụ…

P.L