Các chuyên gia cũng khẳng định nguyên tắc hàng đầu trong điều hành chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là thận trọng, linh hoạt, bám sát thị trường và giữ gìn các dư địa chính sách đang có cả về tiền tệ lẫn tài khóa.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đo "sức khoẻ" của tiền đồng
Theo các chuyên gia, hiện nay đồng nhân dân tệ đã trượt xuống mức tỷ giá đáng báo động, 1 USD "ăn" được 7 nhân dân tệ (CNY), do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang có dấu hiệu tiếp tục căng thẳng. Như vậy, sau chuỗi ngày giảm giá liên tục, tính đến ngày 28/5 đồng CNY đã giảm giá khoảng 3% và là đồng tiền giảm giá mạnh nhất khu vực châu Á.
Như vậy, nếu so với đồng CNY, tiền đồng của Việt Nam (VND) lại đang tăng. Điển hình, cách đây hơn một tháng, 1 CNY đổi được 3.466 VND nhưng đến nay tỷ lệ này là 3.387 VND, tương đương CNY xuống 2,3% so với VND và VND tăng giá mạnh so với CNY.
Điều này đồng nghĩa với việc sẽ làm tăng áp lực giảm giá giữa VND so với USD, do đồng CNY cũng là một trong 8 loại tiền tệ được tính trong tỷ giá trung tâm của Việt Nam.
Đại diện nhóm phân tích của công ty chứng khoán MB đưa ra nhận định: một mặt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải chủ động hạ giá VND để tránh làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hoá Trung Quốc và hàng hoá ở các nước mới nổi khác.
"CNY mất giá, hàng hóa của Trung Quốc trở nên rẻ hơn, cạnh tranh tốt hơn với hàng hóa do Việt Nam sản xuất. Do đó, việc nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc sẽ được các doanh nghiệp gia tăng khiến hàng hoá trong nước sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn, không thể cạnh tranh nổi", một chuyên gia nói.
Mặt khác, dòng vốn đầu tư có thể xuất hiện tình trạng rút lui khỏi các thị trường mới nổi vì quan ngại suy thoái tại Trung Quốc, do đó gây sức ép lên VND. Thực tế có thể thấy trong 1 tháng qua, tỷ giá USD/VND đã tăng 0,4%.
Với mức tăng này, theo đánh giá của giới chuyên gia chưa ảnh hưởng quá nhiều tới các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại ngày càng "nóng" và đồng NCY liên tục trượt giá, những lo ngại cho đồng VND luôn hiện hữu.
Đặt giả thuyết trong tháng 6 tới, sức ép từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp tục "leo thang", đàm phán giữa 2 quốc gia này không đạt được thoả thuận thương mại, Trung Quốc có thể phá giá đồng CNY khoảng 10% để làm giảm tác động thực tế của thuế quan lên hàng hóa xuất khẩu đến Mỹ thì áp lực lên tiền VND là rất lớn.
Trước giả thuyết trên, NHNN cho biết, cơ quan này vẫn cập nhật từng động thái của cuộc chiến thương mạ iMy – Trung. Đại diện NHNN thừa nhận sức ép lên tỷ giá đến từ nhiều phía nhưng không đến mức quá căng thẳng, vì quan trọng là NHNN đang chủ động trong điều hành. Đồng thời, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng đang ở mức kỷ lục sau khi NHNN liên tục mua vào từ đầu năm tới nay.
Những lo ngại cho tiền đồng luôn hiện hữu khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" và đồng nhân dân tệ liên tục trượt giá |
Lựa chọn của Ngân hàng Nhà nước
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, khẳng định: nếu cần thiết, cơ quan điều hành sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp, với tỷ giá bán phù hợp để bình ổn thị trường.
NHNN cũng cho biết, qua theo dõi giao dịch ngoại tệ trong thời gian qua, thanh khoản thị trường vẫn ổn định, cân đối cung cầu ngoại tệ tổng thể vẫn thuận lợi.
Trên thị trường trong nước phiên ngày 28/5, tỷ giá USD/VND đã được một số ngân hàng điều chỉnh tăng thêm khoảng 5 đồng so với cuối giờ phiên liền trước, phổ biến ở mức 23.330 đồng (mua) và 23.450 đồng (bán).
Chẳng hạn, Vietcombank và Vietinbank niêm yết ở mức: 23.330 đồng (mua) và 23.450 đồng (bán). BIDV: 23.335 đồng (mua) và 23.455 đồng (bán). ACB: 23.340 đồng (mua) và 23.440 đồng (bán).
Tính từ đầu năm 2019, tỷ giá đồng đô la Mỹ trong hệ thống ngân hàng tăng 525-545 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Theo nhận định của giới đầu tư, giả thuyết trên khó trở thành hiện thực bởi nếu áp dụng biện pháp này, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô trầm trọng. Nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu và có mức nợ vay cao. Do đó, một sự kỳ vọng phá giá nội tệ lớn có thể vượt ngoài tầm kiểm soát ở Trung Quốc khó xảy ra.
Một chuyên gia cũng cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung không phải mới xảy ra trong năm nay. Năm ngoái những căng thẳng này đã diễn ra một thời gian dài, nhưng điều hành tỷ giá vẫn trụ vững, nên năm nay chắc chắn cơ quan quản lý cũng sẽ tiếp tục "hoá giải" được khó khăn này. Quan trọng nhất là giữ ổn định thị trường và đảm bảo thanh khoản cho doanh nghiệp.
Trong báo cáo nhận định gần đây, các thành viên thị trường cũng cho rằng nguyên nhân chính khiến tỷ giá "nổi sóng" đến từ tâm lý thị trường, ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực về căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng bạc xanh mạnh lên và nhân dân tệ liên tục giảm giá.
Tuy nhiên, xét về trung – dài hạn, hầu hết dự báo đều cho rằng tiền đồng sẽ chỉ biến động trong khoảng 2-3%, khó có sự đột biến.
Huyền Anh