Tại CES 2024, Rabbit, một startup mới, đã giới thiệu Rabbit R1. Đây là thiết bị giống như bộ đàm, có thể thực hiện các tác vụ thông qua trò chuyện, giống cách chúng ta hay sử dụng ChatGPT.
Rabbit R1 có hình dạng hình vuông màu cam sáng với màn hình cảm ứng 2.88 inch, bánh xe cuộn, hai micrô, một loa và camera xoay 360 độ. Để sử dụng, chỉ cần nhấn và giữ nút và đặt câu hỏi hoặc giao cho Rabbit R1 nhiệm vụ.
Sản phẩm của công ty khởi nghiệp Rabbit Inc nhanh chóng thu hút chú ý của người tiêu dùng như một cách tương tác mới với công nghệ AI mà không cần smartphone và máy tính.
Rabbit Inc, thành lập bởi doanh nhân công nghệ Trung Quốc Jesse Lyu Cheng, cho biết thiết bị R1 có giá 199 USD, được ra mắt tại Las Vegas cùng thời điểm sự kiện CES 2024 hồi đầu tháng này, đã được bán hết trong cả năm vòng đặt trước.
Công ty trụ sở Santa Monica không có gian trưng bày tại CES, song thiết bị màu cam, nhỏ bằng một chiếc hộp bằng lòng bàn tay, đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới công nghệ.
Tuần trước, công ty cho biết trên X rằng họ đang bắt đầu cho đặt hàng trước lô thứ sáu gồm 50.000 thiết bị Rabbit R1, sau khi lô 10.000 chiếc trước đó đã được bán hết.
Kể từ OpenAI phát hành ChatGPT vào tháng 11.2022, đưa các mô hình ngôn ngữ lớn và AI tạo sinh đi vào nhận thức của công chúng, các công ty khởi nghiệp và hãng công nghệ lớn trên toàn cầu đã chạy đua để khám phá thế hệ tiếp theo của các thiết bị AI có thể cách mạng hóa việc con người và máy móc tương tác, vượt qua trải nghiệm mà smartphone (chủ yếu tập trung vào ứng dụng) ngày nay có thể mang lại.
AI tạo sinh là một loại AI có mục tiêu chính là tạo ra thông tin mới, thường thông qua quá trình học máy và học sâu. Loại AI này không chỉ giải quyết các nhiệm vụ cụ thể, mà còn có khả năng tạo ra dữ liệu, văn bản, hình ảnh, âm thanh và nhiều loại thông tin khác.
Jesse Lyu Cheng, Giám đốc điều hành Rabbit, đã mơ về viễn cảnh đưa một thiết bị hỗ trợ AI chuyên dụng đến với hàng tỉ người tiêu dùng.
Trong video ra mắt R1, Jesse Lyu Cheng cho biết dù những thành tựu gần đây về mô hình ngôn ngữ lớn giúp máy móc hiểu con người dễ dàng hơn nhiều, nhưng “những trợ lý kỹ thuật số này vẫn gặp khó khăn để hoàn thành công việc”.
“Chúng tôi muốn tìm cách để thiết bị AI của mình kích hoạt các hành động thay mặt người dùng trên tất cả môi trường… iOS, Android và máy tính để bàn”, ông nói trong video.
Điểm thú vị thực sự của R1 là hệ điều hành độc đáo, dựa trên cái mà công ty gọi là “mô hình hành động lớn” - mô hình nền tảng độc quyền được thiết kế nội bộ để tìm hiểu ý định và hành vi người dùng.
Chẳng hạn, sau khi R1 ghi nhận cách người dùng tương tác với ứng dụng giao đồ ăn hoặc ứng dụng gọi xe, thiết bị có thể thực hiện các hành động tương tự theo lệnh.
Kể từ khi video ra mắt R1 được đăng tải trên YouTube vào ngày 9/1, nó đã nhận được hơn 4,8 triệu lượt xem và 56.000 lượt thích.
Theo dữ liệu từ PitchBook, chuyên theo dõi các giao dịch trên thị trường vốn cổ phần tư nhân, tính đến tháng 12, Rabbit đã huy động được 36 triệu USD từ các nhà đầu tư Mỹ, Canada và Hàn Quốc.
Thu Hà (t/h)