Chứng khoán Mỹ rớt mạnh trong ngày thứ Sáu (22/03) sau khi xảy ra hiện tượng đường cong lợi suất trái phiếu bị đảo ngược. Hiện tượng này diễn ra khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn vượt mặt lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài hơn – một yếu tố làm giảm lợi nhuận cho vay của các ngân hàng và được xem là một tín hiệu cảnh báo về suy thoái.
Bà Janet Yellen |
Tại một hội nghị ở Hồng Kông, bà Yellen – người dẫn dắt Fed trong giai đoạn 2014-2018 – được hỏi về hiện tượng đường cong lợi suất bị đảo ngược và liệu nó có báo hiệu về suy thoái hay không.
“Câu trả lời của tôi là không, tôi không xem đây là một tín hiệu về suy thoái”, bà Yellen trả lời trong một phiên hỏi đáp tại Hội nghị Đầu tư châu Á của Credit Suisse, nhận định.
“Trái ngược với quá khứ, xu hướng hiện giờ của đường cong lợi suất là rất bằng phẳng”, bà nhận định, đồng thời nói thêm đường cong lợi suất hiện nay dễ bị đảo ngược hơn trước đây. Hiện tượng này xảy ra khi nhà đầu tư trở nên lo ngại về suy thoái trong tương lai. Về phương diện kỹ thuật, đó là khi chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 10 năm chuyển sang âm – vốn đã diễn ra lần đầu tiên kể từ năm 2007 vào ngày thứ Sáu tuần trước (22/03).
“Trên thực tế, điều này có thể truyền tải tín hiệu rằng Fed cần phải hạ lãi suất, nhưng không nhất thiết là nó truyền tải tín hiệu về suy thoái”, bà Yellen nói thêm.
Bà Yellen – một chuyên gia xuất sắc ở Viện Brookings – cho biết bà không nhận thấy suy thoái sắp tới, nhưng thừa nhận nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại.
“Mỹ chắc chắn là đang tăng trưởng chậm lại”, bà nói. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3.1% trong năm 2018, nhưng tại cuộc họp chính sách gần đây nhất, Fed dự báo tăng trưởng Mỹ ở mức 2.1% trong năm 2019 – gần với mức tăng trưởng tiềm năng, theo bà Yellen.
“Vì vậy đây không phải là tình huống nguy hiểm gì cho cam”, bà nhận định. “Đúng là tăng trưởng đang chậm lại, nhưng tôi không nhận thấy nó sẽ giảm về mức sẽ gây ra suy thoái”.
Dưới thời của bà Yellen, Fed đã nâng lãi suất chuẩn lần đầu tiên trong gần 1 thập kỷ vào tháng 12/2015. Đây là điểm khởi đầu cho một nỗ lực nâng lãi suất trở về mức mà tại đó, các nhà hoạch định chính sách có khoảng trống để giảm lãi suất khi đối mặt với suy thoái trong tương lai. Dưới thời của ông Jerome Powell – người kế nhiệm của bà Yellen, Fed lại tiếp tục nâng lãi suất.
Tại cuộc họp tháng 3/2019, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) hoàn toàn nhất trí giữ nguyên lãi suất, đồng thời báo hiệu sẽ không nâng lãi suất trong năm nay. Fed bỗng trở nên “bồ câu” hẳn so với tháng 12/2018. Trong tuyên bố sau cuộc họp, FOMC cho biết sẽ “kiên nhẫn” trước khi quyết định nâng lãi suất.
Đây không phải là lần đầu tiên bà Yellen đưa ra dự báo Fed sẽ thực hiện giảm lãi suất. Vào đầu tháng 2/2019, bà nhận định dộng thái kế tiếp của Fed có thể là cắt giảm lãi suất nếu đà giảm tốc trên thế giới bắt đầu tác động tới nền kinh tế Mỹ.
“Dĩ nhiên là có khả năng đó. Nếu tăng trưởng toàn cầu thực sự giảm và bắt đầu ảnh hưởng tới tình hình kinh tế Mỹ – nơi các điều kiện tài chính bị thắt chặt nhiều hơn – và khi nền kinh tế Mỹ giảm tốc thì nhiều khả năng động thái kế tiếp sẽ là cắt giảm lãi suất”, bà nói tại thời điểm đó.
Vũ Hạo (Theo CNBC)