Thị trường tiền điện tử chứng kiến sự sụt giảm lịch sử trong quý 2/2022

16:12 01/07/2022

Thị trường tiền điện tử đã chứng kiến sự sụt giảm lịch sử trong quý 2/2022 khi đối mặt với áp lực tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương toàn cầu và lạm phát kéo dài. Tại thời điểm kết thúc quý 1/2022, quy mô thị trường tiền điện tử vượt hơn mức 2.165 tỷ đô, cho đến thời điểm cuối quý 2/2022, vốn hóa thị trường đã giảm xuống mức giao động quanh 850 tỷ đô, giảm 60,7% làm choáng váng các nhà đầu tư trong thị trường này.

Bitcoin và tiền điện tử nói chung sụt giảm mạnh về vốn hóa trong quý 2/2022
Bitcoin và tiền điện tử nói chung sụt giảm mạnh về vốn hóa trong quý 2/2022.

Đồng tiền điện tử có vốn hóa lớn nhất – Bitcoin vào ngày 30/6 đã giảm xuống dưới mốc 19.000 đô lần thứ 2 trong tháng 6, đánh dấu mức giảm hơn 59% trong quý 2/2022. Nếu điều chỉnh theo lạm phát, đây là lần giảm giá mạnh nhất của Bitcoin, mạnh hơn cả thời điểm quý 3/2011 – thời điểm đồng tiền điện tử này giảm giá 58% trong lúc vẫn còn gặp nhiều hoài nghi trên thị trường khi mang theo mình một công nghệ mới.

Trong thập kỷ qua, thị trường tiền ảo trải qua nhiều thăng trầm với vốn hóa tăng lên mức kỷ lục mọi thời đại gần 3.000 tỷ USD vào tháng 11/2021 khi được tiếp nhận rộng rãi trong thời đại dịch, cộng với điều kiện tiền tệ nới lỏng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế gặp môi trường lạm phát cao kỷ lục và duy trì tại nhiều nơi trên thế giới, áp lực siết chặt tiền tệ đã đè nặng lên thị trường này. Việc tăng lãi suất và siết chặt định lượng làm cho khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư trở nên thấp hơn, họ có xu hướng ưu tiên dòng tiền quay lại các loại tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ và rời xa các thị trường có biến động mạnh như thị trường tiền ảo.

Ngoài ra, trong thị trường giá xuống, các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy lớn (vốn phổ biến trong thị trường tiền ảo) có nhiều nguy cơ bị thanh lý, càng làm việc giảm điểm trở nên trầm trọng hơn. Điển hình là việc một quỹ đầu tư lớn Three Arrows Capital (3AC) đã rơi vào tình trạng thanh lý, điều này đánh dấu một trong những thiệt hại lớn nhất của “mùa đông tiền điện tử”. 3AC được đồng sáng lập bởi Zhu Su và Kyle Davies, là một trong những quỹ đầu cơ tiền điện tử nổi bật nhất và được biết đến với các khoản đầu cơ có đòn bẩy cao. Nhà sáng lập Zhu Su đã có quan điểm cực kỳ lạc quan về Bitcoin. Tuy nhiên, sự sụt giảm về giá trị của các đồng tiền kỹ thuật số, vốn đã khiến hàng tỷ USD bị xóa sổ khỏi thị trường trong những tuần gần đây, đã gây tổn hại cho 3AC và gây ra cuộc khủng hoảng thanh khoản tại công ty. Vào thứ Hai (27/6), 3AC đã không trả được nợ cho một khoản vay từ Voyager Digital trị giá 350 triệu USD bằng stablecoin được gắn với USD - USDC và 15.250 Bitcoin trị giá khoảng 304,5 triệu USD.

Việc sụp đổ của đồng Terra Luna và đồng stablecoin UST đã làm rung chuyển lòng tin của nhiều nhà đầu tư vào thị trường này. Và lòng tin càng lung lay hơn, khi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) không chấp thuận nỗ lực đưa một trong những quỹ Bitcoin lớn nhất thế giới, Grayscale's Bitcoin Trust (GBTC), thành một sản phẩm giao dịch trên sàn vào ngày 29/6. Một cú huých khác đến từ thông tin Genesis Trading, một công ty chị em với Grayscale, có thể đối mặt với khoản lỗ hàng trăm triệu USD do liên quan tới các công ty cho vay tiền ảo đang gặp khó khăn.

Những tin tức xấu gần đây báo hiệu cho một làn sóng chỉ trích trên diện rộng đối với những người ủng hộ việc đầu cơ thiếu kiểm soát vào tiền ảo, khiến nhà đầu tư phải trả giá đắt. Nỗi ám ảnh về đòn bẩy đang là trọng tâm của vấn đề này, khi cả các công ty cho vay và quỹ đầu cơ đều đang xâu xé, biến tài sản của khách hàng thành khoản đặt cược càng rủi ro hơn. Trong cơn bão giá giảm, vẫn có nhiều nhà đầu tư lạc quan vào thị trường tiền ảo như chiến lược gia của ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase & Co., ông Nikolaos Panigirtzoglou, khi cho rằng đây là mức giảm đáy của thị trường tiền điện tử, với các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn đang diễn ra lành mạnh, và sẽ không có thêm các vụ việc thanh lý tài sản như trong quý 2/2022.

 PV