Thị trường Indonesia: Cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu

11:31 18/03/2023

Indonesia có dân số đông thứ 4 thế giới, bên cạnh gạo, Indonesia còn là thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam khai thác...

Thị trường có sức mua lớn

Indonesia hiện là nước đông dân thứ tư trên thế giới với dân số hơn 250 triệu người, Indonesia đã và đang trở thành một thị trường trọng điểm và hết sức tiềm năng tại khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Mức độ tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của người dân Indonesia rất lớn.

Người dân xếp hàng để mua dầu ăn với giá cả phải chăng ở Palembang, Indonesia (Ảnh: AFP)
Người dân xếp hàng để mua dầu ăn với giá cả phải chăng ở Palembang, Indonesia (Ảnh: AFP).

Bên cạnh đó, đời sống và thu nhập bình quân đầu người của Indonesia hiện ở mức 10.000 USD/người/năm và được dự báo tăng lên gấp đôi vào năm 2020.

Indonesia cũng được định vị là nước đang phát triển với dân số trẻ lớn, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Jakarta và các thành phố hạng hai khác, đem lại nhiều tiềm năng về chi tiêu cho các mặt hàng tiêu dùng.

Hệ thống thương mại điện tử tại Indonesia cũng đang phát triển hết sức mạnh mẽ khiến cho việc mua sắm, chi tiêu của người dân Indonesia hết sức thuận tiện và dễ dàng.

Tổng thống Indonesia cho biết, lượng gạo dự trữ của quốc gia hiện khá ít - chỉ 600.000 tấn. Trong khi đó, tính đến ngày 17/2/2023 lượng gạo dự trữ phải đạt tối thiểu 1,2 triệu tấn. Trước tình hình này, Indonesia quyết định nhập khẩu gạo dự trữ quốc gia trong năm nay lên 2,4 triệu tấn.

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia - ông Phạm Thế Cường thông tin cho hay, Sau 3 năm không phải nhập khẩu gạo dự trữ, từ tháng 12/2022- 2/2023, Indonesia đã phải nhập khẩu 500.000 tấn gạo. Trong đợt nhập khẩu này Việt Nam và Thái Lan là 2 nước cung cấp gạo nhiều nhất cho Indonesia. Chỉ tính riêng tháng 1/2023 Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia khoảng 86.000 tấn gạo, giá trị chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Bên cạnh gạo, Indonesia còn là thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam khai thác. Với 275 triệu người, Indonesia có dân số đông thứ 4 thế giới, đồng thời là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, nhập khẩu lương thực và thực phẩm, đồ uống chiếm 6,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này, tương ứng 16 tỷ USD.

Thực phẩm và đồ uống nhập khẩu của Indonesia tập trung vào nhóm sản phẩm từ sữa, đạt kim ngạch 1,2 tỷ USD, đồ uống có đường 120 triệu USD, bánh kẹo 75 triệu USD, ngũ cốc 541 triệu USD, nhóm rau củ quả chế biến đạt 222 triệu USD.

Theo đánh giá của thương vụ, bên cạnh nhóm hàng hiện đang xuất khẩu, một số nhóm hàng Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu sang Indonesia như phở, bún, mỳ ăn liền, sủi cảo, há cảo đông lạnh nhân thuỷ sản, thịt bò.

Về hoa quả đóng hộp có vải, nhãn, Indonesia không có lợi thế so sánh nhóm hàng này trong khi chưa mở cửa với quả vải và nhãn tươi của Việt Nam. Ngoài ra, còn có sữa và sản phẩm từ sữa, mật ong, cà phê uống liền, nước chanh leo.

Doanh nghiệp Việt cần lưu ý

Để có được thuận lợi trong xúc tiến quảng bá sản phẩm, ông Phạm Thế Cường cho hay: Với đa số dân số theo đạo Hồi, Indonesia là thị trường có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm có chứng chỉ Halal lớn nhất thế giới, do vậy doanh nghiệp xuất khẩu nên chủ động tìm hiểu và xin chứng nhận Halal của Indonesia.

Mức độ tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của người dân Indonesia rất lớn (Ảnh minh họa)
Mức độ tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của người dân Indonesia rất lớn (Ảnh minh họa).

“Chứng nhận Halal luôn là câu hỏi đầu tiên của bất cứ nhà nhập khẩu, phân phối nào của Indonesia khi có sản phẩm thực phẩm, đồ uống muốn tiếp cận thị trường này”, ông Phạm Thế Cường cho biết.

Bên cạnh việc lưu ý doanh nghiệp trong nước chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng xuất khẩu sang Indonesia, thương vụ cũng khuyến cáo doanh nghiệp chú ý tới các biện pháp phòng vệ thương mại tại quốc gia này.

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chất lượng tốt mang thương hiệu Việt sang Indonesia. Một trong số những cách thức tiếp cận thị trường, người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhập khẩu hiệu quả nhất tại Indonesia là thông qua các Hội chợ quốc tế, uy tín với quy mô lớn được tổ chức thường niên tại Indonesia.

Thông thường các hội chợ quốc tế lớn tại Indonesia thường thu hút 40.000 đến 50.000 lượt khách thăm quan với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp của Indonesia và các doanh nghiệp quốc tế đến từ 40 quốc gia trong và ngoài khu vực.

Bên cạnh đó, qua đánh giá của Thương vụ, thông qua các hội chợ, triển lãm này, với sự hỗ trợ của Thương vụ, các doanh nghiệp trong nước đã có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường, đối tác nhập khẩu, bạn hàng, nhà phân phối mới tại Indonesia.

Thông qua các sự kiện này, hình ảnh, thương hiệu của các sản phẩm Việt Nam đã được giới thiệu, quảng bá hiệu quả đến các đối tác.  Ngoài ra, đã có rất nhiều các thương vụ giá trị lớn, hợp đồng giao dịch, thỏa thuận mua hàng giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác, nhà nhập khẩu Indonesia đã được kí kết ngay tại các Hội chợ.

Bên cạnh kênh hội chợ quốc tế, ông Mayerfas - Đại sứ Indonesia tại Việt Nam cho biết, để tiếp cận thị trường Indonesia không có gì khó đối với các doanh nghiệp Việt. Bởi bản thân sản phẩm của Việt Nam đã có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối tác khác trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Indonesia lại có mối quan hệ gắn bó, hợp tác từ lâu và sự tương đồng về văn hoá. Mặt khác, Chính phủ Indonesia luôn coi Việt Nam là đối tác hàng đầu với những chính sách khuyến khích hợp tác, đầu tư. Indonesia thực sự là thị trường đầy tiềm năng cho các nhà xuất khẩu với các mặt hàng như trái cây tươi, nước ép trái cây, rau đã sơ chế, thực phẩm đồ ăn nhẹ, hải sản, thịt gia cầm, gia vị,…

Khi đầu tư, xuất khẩu vào thị trường Indonesia doanh nghiệp Việt Nam nên ưu tiên chọn lựa các sản phẩm có tính cạnh tranh và đạt được chứng chỉ HALAL của Indonesia cấp. Đặc biệt, các doanh nghiệp nên chú ý hàng hóa nhập khẩu vào Indonesia thường được chia thành nhiều nhóm gồm: nhóm hàng tự do nhập khẩu, nhóm mặt hàng phải đăng ký khi nhập khẩu... để có những kế hoạch cụ thể và hiệu quả.

Thêm nữa, hiện nay hệ thống siêu thị của Indonesia rất phát triển nếu doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc động vật có chứng nhận HALAL mà liên kết, liên doanh đưa hàng hoá vào siêu thị sẽ có cơ hội thành công lớn.

Ở góc độ nghiên cứu thị trường, ông Trương Cung Nghĩa - Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường Trương Đoàn cho biết, kênh MT (phân phối hiện đại) phát triển tại Indonesia từ 15 – 20 năm nay, hiện chiếm 50% hệ thống phân phối ở Jakarta.

Ngoài ra do chủng loại sản phẩm quá phong phú nên những “ông lớn” trong ngành bán lẻ rất ít khi chịu tiếp xúc với các doanh nghiệp hoàn toàn mới. Chính vì vậy ông Nghĩa khuyến nghị cách tốt nhất để đi vào thị trường này là thông qua nhà phân phối của Indonesia (vốn đã thông thuộc thủ tục và có sẵn giấy phép nhập khẩu), từ đó len dần vào các siêu thị tại Indonesia.

Ngoài ra sản phẩm Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Indonesia không nên cạnh tranh về giá vì chắc chắn sẽ cạnh tranh không bền. Dù giá có nhỉnh hơn nhưng người tiêu dùng Indonesia vẫn sẵn sàng đón nhận nếu các sản phẩm của Việt Nam có tính độc lập, có bản sắc riêng, tính năng tốt và mang lại giá trị cao cho người sử dụng hơn hẳn những sản phẩm cùng loại.

Ngân Phương (T/h)