Tại TP. Hồ Chí Minh, sau 4 tháng mở cửa trở lại, các loại hình dịch vụ ăn uống tại chỗ, vui chơi giải trí đã trở lại gần tối đa công suất. Ngay trong dịp Tết 2022, đường hoa Nguyễn Huệ và đường sách Tết Nhâm Dần đã thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi ngày trong tuần. Báo cáo mới nhất của CBRE châu Á cũng cho thấy: Dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 nhưng ngành bán lẻ tại thị trường châu Á Thái Bình Dương nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã và đang có những hứa hẹn một viễn cảnh tươi sáng trong năm 2022.
Theo vị lãnh đạo CBRE, Việt Nam vẫn là thị trường mục tiêu hàng đầu mà các nhà bán lẻ được khảo sát lựa chọn để mở rộng kinh doanh. Điều này cho thấy mức độ tin tưởng cao vào sự trở lại của ngành du lịch quốc tế, tăng trưởng lượng khách đến các trung tâm thương và chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên - ông Vivek Kaul nhận định.
Nghiên cứu cụ thể hơn về triển vọng ngành bán lẻ năm 2022, báo cáo của CBRE đã chỉ ra xu hướng đầu tiên định hình thị trường bán lẻ là các cửa hàng vật lý sẽ được duy trì, phát triển và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh.
Báo cáo của đơn vị nghiên cứu cũng cho thấy, xu hướng lớn thứ 2 của thị trường: 60% các nhà bán lẻ cho biết các cửa hàng flagship tại vị trí đắc địa đóng vai trò chủ chốt trong việc mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho khách hàng.
Đáng chú ý, xu hướng năm 2022 là sự kết hợp của các cửa hàng bán lẻ vật lý, công nghệ bán lẻ và nền tảng thương mại điện tử. Điều này trở thành nhân tố quan trọng trong chiến lược phát triển đa kênh (omni channel) của các nhà bán lẻ. Các doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng một hành trình liền mạch, các dịch vụ click-and-collect hay takeaway sẽ trở nên phổ biến.
Dự báo trong thời gian tới, thị trường bán lẻ vẫn tiếp tục phục hồi sau một giai đoạn ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề. Nhìn chung, tương lai của ngành bán lẻ VN trong năm 2022 và sau này đều khá xán lạn.
Quang Đạo (T/h)