Nguyên nhân nào khiến giá vải thiều Việt Nam tăng cao kỷ lục? Vải thiều vào mùa rộ: Sản lượng tăng, xuất khẩu rộng cửa |
Từ Bắc Giang… đến Hải Dương
Năm nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 29.700 ha vải thiều. Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 16.000 ha, Global GAP là 204 ha, hữu cơ là 10 ha. Dự kiến, vải sớm thu hoạch từ ngày 20/5 -15/6/2025; vải chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 - 30/7/2025.
Với điều kiện thời tiết thuận lợi, niên vụ vải thiều 2025 ở Bắc Giang được đánh giá trúng mùa, với sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 303.000 tấn, tăng khoảng 30% so với năm 2024.
![]() |
Vải thiều giờ đã có mặt ở hầu hết các siêu thị trên cả nước. Ảnh: Phúc Minh |
Thêm một điểm mới, năm nay địa phương này có thêm 3 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đưa tổng số mã vùng trồng xuất khẩu của toàn tỉnh lên hơn 240 mã, với gần 18 nghìn ha.
Giới chuyên gia kinh tế phân tích, được phía Hoa Kỳ chấp thuận mã số vùng trồng mở ra cơ hội cho vải thiều xuất khẩu sang thị trường cao cấp, nâng giá trị thương hiệu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong chiến lược đưa vải thiều vươn xa trên thị trường quốc tế.
Ghi nhận tại thủ phủ vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang), năm nay tỷ lệ ra hoa, đậu quả của quả vải thiều cao, với tỷ lệ ra hoa hơn 90%, tỷ lệ đậu quả hơn 70%. Theo ông Đào Công Hùng - Quyền Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, vụ vải thiều năm nay đánh giá được mùa do điều kiện thời tiết thời điểm này tương đối thuận lợi. Cùng đó, người dân trồng vải áp dụng đúng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hướng dẫn, khuyến cáo của ngành chức năng trong quá trình chăm sóc, sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, mã đẹp. Thời gian dự kiến thu hoạch đối với vải sớm từ ngày 25/5, vải thiều chính vụ khoảng từ 15/6 trở đi.
Cũng chung niềm vui với người trồng vải ở Bắc Giang, vụ vải thiều Hải Dương năm nay cũng được mùa và đã sẵn sàng vào vụ thu hoạch. Năm 2025, toàn tỉnh Hải Dương có 8.800ha vải (huyện Thanh Hà hơn 3.200ha; TP. Chí Linh 3.400ha; các huyện, thành phố, thị xã khác hơn 2.100ha). Trong đó, trà vải sớm hơn 2.800ha (chiếm 32,4%), trà vải chính vụ hơn 5.800ha (chiếm 67,6%).
Do thời tiết thuận lợi nên tổng sản lượng vải của Hải Dương dự kiến đạt khoảng 65.000 tấn, cao hơn năm trước khoảng 10.000 tấn (năm 2024 đạt 55.000 tấn). Riêng sản lượng vải của huyện Thanh Hà dự kiến đạt khoảng 38.000 tấn (cao hơn năm trước khoảng 13.000 tấn).
Hiện nay, cơ bản các diện tích vải của Hải Dương đều được sản xuất theo quy trình an toàn. Trong đó, 12 vùng đã được chứng nhận GlobalGAP, 56 vùng được chứng nhận VietGAP. Tổng diện tích được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là 721ha. Toàn tỉnh được cấp 198 mã số vùng trồng, 16 mã số cơ sở đóng gói vải phục vụ xuất khẩu.
Chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đưa nông sản đi xa hơn
Dự kiến trong sáng ngày 28/5, Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều, nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP. Tại hội nghị sẽ có gian trưng bày các ấn phẩm, tài liệu giới thiệu thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiềm năng, lợi thế, quảng bá xúc tiến thu hút đầu tư của tỉnh; gian trưng bày các ấn phẩm, tài liệu giới thiệu các danh lam, thắng cảnh, các địa điểm du lịch văn hóa, tâm linh và các vật phẩm tiêu biểu quảng bá lịch sử văn hóa phát triển của tỉnh. Đồng thời bố trí 13 gian trưng bày sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp.
Tiếp sau hội nghị tại Bắc Giang, hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) cũng dự kiến sẽ diễn ra vào sáng ngày 30/5. Chương trình do huyện Thanh Hà phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và các sở, ngành liên quan tổ chức. Sự kiện có sự tham gia của các tham tán thương mại và doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu sẽ tìm hiểu thông tin thị trường, quy định xuất nhập khẩu, từ đó hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các nông sản của tỉnh một cách chủ động, hiệu quả hơn. Trước thềm hội nghị, vào sáng sớm ngày 30/5, sẽ diễn ra lễ mở vườn vải thiều được tổ chức tại thôn Thanh Lanh (xã Thanh Quang), cùng lễ cắt băng xuất khẩu lô vải đầu tiên diễn ra tại quảng trường Thanh Bình (huyện Thanh Hà).
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, qua khảo sát tại vùng vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang rất yên tâm, phấn khởi khi nông dân, doanh nghiệp với sự chỉ đạo và hỗ trợ của chính quyền địa phương đã tạo ra vùng sản xuất gắn với mã số vùng trồng, gắn với kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhiều vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu ra những thị trường đòi hỏi cao về chất lượng như thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… “Khi có sự liên kết chặt chẽ trong toàn chuỗi giá trị sẽ giúp làm giảm giá thành, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh. Đây sẽ là hướng đi tất yếu để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tích hợp đa giá trị và chuyên nghiệp để hướng tới thị trường không chỉ trong nước mà cả xuất khẩu với yêu cầu ngày càng cao” Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.