Đam mê pha chế rượu và cocktail. Niks chưa bao giờ nghĩ một ngày nào đó mình sẽ bán bánh bao nhân thịt lợn hoặc phải nếm thử nhiều nhãn hiệu dấm đen như vậy. Nhưng sau khi quán bar của anh buộc phải đóng cửa hai lần trong vòng chưa đầy một năm, Niks đã biết công việc kinh doanh không thể tồn tại chỉ nhờ vào cocktail.
Thay đổi để tồn tại
Khoảng thời gian hai tháng đổ lại đây là thực tế phũ phàng đối với các quán rượu tại Bangkok nói riêng và quán Teens of Thailand của Niks nói chung. Tác động trực tiếp của dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành này khi Chính phủ ban bố lệnh đóng cửa các quán rượu vào đầu tháng Giêng. Nhiều tuần không thể kinh doanh buộc nhiều quán bar phải điều chỉnh để tồn tại. Trường hợp của Teens of Thailand, ông chủ Niks đã nảy ra ý tưởng bán bánh bao thịt lợn, đồ hấp, súp và cả cháo. Anh chia sẻ: “Chúng tôi muốn kết hợp cả đồ ăn vì chúng tôi biết các cơ sở kinh doanh rượu bây giờ không có tương lai cũng như không có bất kỳ biện pháp cứu trợ hoặc hỗ trợ nào”
Thêm một làn sóng COVID -19 đã tấn công vào Thái Lan tháng 12 năm ngoái khiến Chính phủ phải thực thi nhiều biện pháp cứng rắn bao gồm đóng cửa các tụ điểm kinh doanh rượu và quán bar.
Đối với những người sở hữu chuỗi quán bar như Niks, tình hình ngày càng khó khăn trong khi các nhân viên hưởng trợ cấp từ Quỹ An sinh xã hội, thì các chủ doanh nghiệp như anh vẫn phải tiếp tục trả tiền thuê nhà, điện nước. May mắn thay anh đã trụ được qua “cơn bão” nhờ vào bán...bánh bao trước khi lệnh cấm được gỡ bỏ.
Từ cocktail đến ice-cream
Ngoài Teens of Thailand, một số quán bar khác cũng buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh trong thời gian đóng cửa kéo dài một tuần.
Q&A, một quán bar đã tự “biến hình” thành một tiệm kem để tồn tại. Chủ quán Attapon De-silva, người đã dành 13 năm đứng sau quầy pha chế, đã dành gần một tháng để học cách làm kem. Anh ấy đã nghiên cứu, đọc sách và thử nghiệm với một chiếc máy làm kem mượn từ một đồng nghiệp cũ trước khi ra mắt thương hiệu phụ của Q&A, QreAm.
Trong giai đoạn đầu, anh này cung cấp bảy hương vị từ vani và sô cô la và nhiều loại khác. Sau này ông chủ quán bar cho ra mắt kem hương chanh phủ đường và hoa ăn được rất được đón nhận.
Luật mới: Cấm bán rượu trực tuyến
Từ đầu năm ngoái, nhiều doanh nghiệp ở Thái Lan đã điêu đứng vì dịch COVID-19. Trong khi nhiều doanh nghiệp mở rộng sự bán hàng trực tuyến để tiếp cận nhiều khách hàng hơn, thì những quán rượu và quán bar có nguồn thu nhập chính từ rượu lại gặp khó khăn khi theo xu hướng thị trường.
Vào ngày 7 tháng 12 năm ngoái, theo một thông báo của Văn phòng Thủ tướng Chính phủ trên Công báo Hoàng gia lần đầu tiên công khai lệnh cấm mua rượu trực tuyến tại Thái Lan. Thông báo này được đưa ra sau khi lượng mua rượu tại kênh này tăng vọt trong Đại dịch COVID-19. Vì vậy, trong gần hai tháng khi các quán rượu và quán bar phải đóng cửa và việc uống rượu tại các quán ăn bị cấm, các doanh nghiệp này không thể tiếp tục bán các sản phẩm có cồn của mình trên mạng.
Asawin Rojmethatawee, đồng sáng lập Tep Bar ở Bangkok, cho biết: “Chúng tôi đã phải chịu đựng rất nhiều. Chúng tôi có gánh nặng lo cho nhiều nhân viên”. Không thể bán rượu trực tuyến, nhóm quản lý của Tep Bar đã đưa ra một chiến lược. Asawin nói: "Quán bar của chúng tôi đã sử dụng các loại thảo mộc của Thái Lan. Chúng tôi đã làm việc với các nhà y học cổ truyền Thái Lan được chứng nhận để tạo ra đồ uống riêng” và "Chúng tôi đã đưa ra một phân khúc kinh doanh mới là đồ uống thảo mộc Thái Lan với hiệu quả và đem lại lợi ích sức khỏe”.
Đồ uống này có nhãn hiệu là Tep Chana Booster - một cách chơi chữ của từ "chana" hoặc "win" trong tiếng Thái, mà Chính phủ đã sử dụng để đặt tên cho một số dự án trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Theo Asawin, phản hồi rất tốt nên Tep Chana sẽ được đưa vào danh mục sản phẩm của quán và "Khách hàng sẽ có thể mua chúng về nhà hoặc uống tại quán bar. Các quán cà phê ở các tỉnh khác cũng đặt hàng số lượng lớn để bán. Vì vậy, đây đã trở thành thương hiệu phụ của chúng tôi và có thể phát triển hơn nữa".
TL