Thanh Hoá: Thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ trong doanh nghiệp

07:52 11/05/2024

Dù nằm trong nhóm được ưu tiên, ưu đãi vay vốn thế nhưng nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá cho biết, họ rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, khó tiếp cận những dự án của nhà nước,…

Có 11  tham luận trong buổi  Toạ đàm
Có 11 tham luận trong buổi Toạ đàm "Thúc đẩy hoạt động KHCN trong doanh nghiệp".

Hưởng ứng ngày KHCN Việt Nam (18/5), chiều 10/5, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Sở KHCN, Câu lạc bộ Doanh nghiệp KHCN Thanh Hóa phối hợp tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ trong doanh nghiệp”. Tham dự buổi toạ đàm có ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KHCN cùng đông đảo các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KHCN tỉnh Thanh Hoá phát biểu
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KHCN tỉnh Thanh Hoá phát biểu.

Thực trạng hoạt động KHCN trong doanh nghiệp

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 32 doanh nghiệp KHCN, là tỉnh có số lượng doanh nghiệp lớn trong tốp đầu cả nước (đứng thứ 5 sau Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Quảng Ninh). Đây là con số còn quá khiêm tốn và chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hơn nữa, sự phát triển doanh nghiệp KHCN của tỉnh còn chậm về số lượng, quy mô nhỏ; hoạt động của các doanh nghiệp bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Năng lực nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng các kết quả nghiên cứu, tự nghiên cứu vào sản xuất, đời sống còn chưa nhiều; vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận đầy đủ những cơ chế, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp KHCN.

Điều này đặt ra những trăn trở, những giải pháp để phát triển doanh nghiệp KHCN trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam, Chủ tịch CLB KHCN tỉnh Thanh Hoá, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông chia sẻ tại buổi toạ đàm
Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam, Chủ tịch CLB KHCN tỉnh Thanh Hoá, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông chia sẻ tại buổi toạ đàm.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam, Chủ tịch CLB KHCN tỉnh Thanh Hoá, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông (doanh nghiệp KHCN đầu tiên của tỉnh), cho biết: Hiện nay trên cả nước có 700 doanh nghiệp KHCN, riêng tỉnh Thanh Hoá có 32 doanh nghiệp, hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực.

Ông Phong nhấn mạnh: “Doanh nghiệp Tiến Nông ra đời từ năm 1995, khởi đầu chỉ là doanh nghiệp sản xuất phân bón, mục đích hướng đến phục vụ nền nông nghiệp xóa đói, giảm nghèo, giờ đây, sản phẩm của Tiến Nông đã có hàm lượng KHCN cao đó là “dinh dưỡng cây trồng”. Vì vậy, việc đổi mới, nâng cao năng lực KHCN là yếu tố tất yếu của mỗi doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp KHCN Thanh Hóa nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp chính quyền để CLB Doanh nghiệp KHCN ngày càng phát triển”.

Nói về những khó khăn của doanh nghiệp KHCN, ông Phong đặc biệt lưu ý đến vấn đề vốn cho doanh nghiệp: Thực trạng hiện nay của các doanh nghiệp KHCN cũng đặt ra một số thách thức đáng chú ý. Một trong những vấn đề lớn nhất là tài chính. Nhiều doanh nghiệp nhỏ với khởi nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn đầu tư và nguồn lực tài chính để phát triển. Hạn chế trong việc tiếp cận chính sách, ưu đãi và nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đối với doanh nghiệp KHCN.

Ngoài khó khăn về nguồn vốn, bà Vũ Thị Ngọc Anh, Giám đốc Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức còn nêu lên những rào cản về việc tiếp cận các thông tin: “Chúng tôi phải tự mày mò tìm hiểu, học hỏi, chủ động tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Đặc biệt, các dự án KHCN của nhà nước khó tiếp cận vì những rào cản về thủ tục, quy định và cũng không tìm được người tư vấn”.

Đại diện lãnh đạo các Công ty: Minh Lộ, Tân Thanh Phương,… đều nêu lên những bất cập về tài sản thế chấp khi vay ngân hàng. Các doanh nghiệp lý giải, công trình, dự án của doanh nghiệp KHCN là vô hình nên doanh nghiệp mang những dự án đi thế chấp ngân hàng rất khó, không được ngân hàng chấp nhận. Vì vậy, mặc dù nằm trong nhóm được ưu tiên hỗ trợ tiếp cận vốn, ưu đãi vay vốn, thế nhưng doanh nghiệp KHCN rất khó tiếp cận được vốn ngân hàng.

Thúc đẩy phát triển KHCN trong doanh nghiệp

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá phát biểu
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá phát biểu.

Tại buổi tọa đàm, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá mong muốn cộng đồng doanh nghiệp căn cứ vào kết quả phát triển KHCN, cùng tìm ra các giải pháp để khuyến khích doanh nghiệp tích cực ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ doanh nhân Việt Nam với tinh thần đam mê lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học.

Tham gia thảo luận, các doanh nghiệp đều nhấn mạnh một số nội dung về hỗ trợ doanh nghiệp KHCN tiếp cận nguồn lực; chính sách thuế và giải pháp phát triển sản phẩm KHCN trong doanh nghiệp. Cơ chế, chính sách thuế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp tiềm năng là doanh nghiệp KHCN; định hướng triển khai phát triển doanh nghiệp KHCN với các nhóm ngành, sản phẩm mà Thanh Hóa có lợi thế để phát triển doanh nghiệp KHCN; một số điểm nghẽn tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp KHCN và các quy định đối với doanh nghiệp KHCN và đề xuất các giải pháp xây dựng và phát triển hệ thống doanh nghiệp KHCN của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Đệ, thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty CP Hợp Lực phát biểu tại buổi toạ đàm
Ông Nguyễn Văn Đệ, thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Hợp Lực phát biểu tại buổi toạ đàm.

Tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Văn Đệ, thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Hợp Lực cho biết: Buổi toạ đàm với nhiều bài tham luận rất đúng và trúng về những vấn đề “nóng” của doanh nghiệp KHCN. Những bài tham luận cũng đánh thức tiềm năng sáng tạo đổi mới KHCN trong doanh nghiệp. Công ty Hợp Lực 30 năm nay áp dụng thường xuyên và liên tục những tiến bộ của KHCN tiên tiến nhất. Người lao động công ty luôn phải cập nhật những vấn đề KHCN mới trên thế giới. Hợp Lực có 2.000 người lao động nhưng có đến 1.600 lao động có trình độ, được đào tạo bài bản nên việc áp dụng KHCN rất thuận lợi. Cuối năm nay đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Hợp Lực sẽ không phải sử dụng giấy tờ, tất cả bệnh án nằm trên máy, Sở Y tế quản lý 100% bằng điện tử.

Ông Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh: Là thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, tôi sẽ làm hết khả năng và trách nhiệm của mình để gửi đến Chính phủ những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp đến Chính phủ để cơ chế chính sách, thủ tục hành chính ngày càng phù hợp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp KHCN.

Bà bà Vũ Thị Ngọc Anh, Giám đốc Công ty CP thiết bị giáo dục Hồng Đức trình bày tham luận
Bà bà Vũ Thị Ngọc Anh, Giám đốc Công ty CP thiết bị giáo dục Hồng Đức trình bày tham luận.

Để có một thành quả như ngày hôm nay, Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức đã ứng dụng nhiều giải pháp để thúc đẩy ứng dụng KHCN vào hoạt động sản xuất kinh doanh, bà bà Vũ Thị Ngọc Anh, Giám đốc Công ty chia sẻ: Chúng tôi rất tích cực tham dự các triển lãm KHCN, triển lãm chuyên ngành trong và ngoài nước. Hơn nữa, Công ty khuyến khích người lao động ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong công việc của mình. Hàng năm phát động phong trào “phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, có tổng kết đánh giá hiệu quả và khen thưởng xứng đáng. Công  ty chú trọng việc đầu tư những máy móc, thiết bị có công nghệ tiên tiến hiện đại vào hoạt động sản xuất như dây chuyền bán tự động sơn tĩnh điện, dây chuyền sản xuất nội thất tích hợp phần mềm thiết kế, phần mềm quản lý tổng thể doanh nghiệp. Vì có định hướng đúng đắn nên mặc dù mấy năm qua tình hình kinh tế khó khăn, sức mua giảm sút nhưng công ty vẫn đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 200 lao động. Năm vừa qua công ty cho ra mắt 2 sản phẩm dành cho các trường học: Một là bảng trượt thông minh tích hợp tivi hoặc màn hình tương tác dành cho lớp học và bàn ghế thích ứng Y20, giúp đảm bảo sức khỏe học đường cho học sinh và thích hợp với chương trình đổi mới giáo dục.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Trần Duy Bình, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: KHCN và Đổi mới sáng tạo có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Trên cơ sở các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; Thanh Hoá đã rất quan tâm tới việc xây dựng, phát triển doanh nghiệp KHCN. Đây cũng là nội dung hết sức quan trọng trong Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về “Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.

Để việc áp dụng KHCN vào doanh nghiệp nhanh và hiệu quả chúng rôi rất mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện, đổi mới công nghệ, thiết bị; phát triển sản phẩm mới; tiếp thu ứng dụng các thành tựu KHCN, đặc biệt là công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh. Tiếp tục quan tâm thu hút, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ KHCN, đặc biệt là các cán bộ khoa học kỹ thuật trong các dây chuyền công nghệ; cán bộ nghiên cứu trong các bộ phận nghiên cứu (R&D) nếu có.

Sở KHCN sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Câu lạc bộ doanh nghiệp KHCN để tuyên truyền, phổ biến, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và của tỉnh trong lĩnh vực KHCN tới các doanh nghiệp trên địa bàn.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KHCN tỉnh nhấn mạnh, Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng doanh nghiệp ứng dụng KHCN đứng top đầu của cả nước. Vì vậy, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá mong muốn các sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Câu lạc bộ Doanh nghiệp KHCN thường xuyên tổ chức tọa đàm, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp cho các doanh nghiệp KHCN; tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh; thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới gắn với chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu thời gian tới, Sở KHCN tiếp tục chủ trì cùng với Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ để phát triển doanh nghiệp Khoa học công nghệ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền Nghị định 13 của Chính phủ về doanh nghiệp KHCN trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các doanh nghiệp nắm rõ và tích cực tham gia. Qua đó tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh; thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ.

Cũng trong chiều 10/5, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá đã đến thăm và làm việc với Công ty TNHH Minh Lộ và Tổng Công ty CP Hợp Lực. Đây là chương trình công tác trọng tâm tháng 5 nhằm kết nối, giao lưu, tăng cường sự đoàn kết của các hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá.

Đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến thăm và làm việc tại Tổng Công ty CP Hợp Lực
Đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến thăm và làm việc tại Tổng Công ty CP Hợp Lực.
Đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến thăm và làm việc tại Công ty TNHH Minh Lộ
Đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến thăm và làm việc tại Công ty TNHH Minh Lộ.

Minh Hiền