Là một xã bán sơn địa, Định Hải có địa hình 2/3 diện tích tự nhiên là đồi núi, phù hợp, thuận lợi cho việc nuôi ong. Nhưng nếu những năm trước đây, công việc nuôi ong ở đây chủ yếu là manh mún, nhỏ lẻ, nuôi mang tính chất “tăng gia” lấy mật sử dụng cho gia đình, thì bắt đầu vài năm trở lại đây, công việc này đang dần được xem là một nghề, vì người dân đã bắt đầu đầu tư nghiêm túc vào con ong và xây dựng thành mô hình nuôi ong phát triển kinh tế. Hiện nay, xã Định Hải đã có 300 hộ dân tham gia thực hiện mô hình này, với tổng số lên tới hơn 2.000 đàn. Sản lượng mật thu được đạt khoảng 15.000 lít/năm. Giá trị sản xuất từ nghề nuôi ong trên địa bàn xã đạt khoảng 3,8 tỷ đồng/năm.
Được biết, đây là mô hình kinh tế có vốn đầu tư thấp, lại ít rủi ro nhưng nó đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Theo tìm hiểu của phóng viên, ong được nuôi ở Định Hải là ong mật rừng. Khác với ong mật công nghiệp, ong mật rừng làm mật lâu hơn nhưng chất lượng mật tốt hơn, mật đặc, tỉ lệ nước trong mật thấp, chỉ khoảng 16-18%. Điều đặc biệt, con ong rừng có sức đề kháng tốt hơn, khỏe hơn so với ong công nghiệp, vì thế ong ít bị bệnh, thời gian đầu tư chăm sóc cũng ít hơn, và như vậy, rủi ro cũng hạn chế đáng kể.
Theo giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Minh Hải, là hộ nuôi có số lượng đàn ong lớn nhất trong xã ,với quy mô lên đến hơn 300 đàn (mỗi đàn tương đương một thùng nuôi). Mỗi năm, gia đình anh thu nhập từ đàn ong khảng 700 triệu, trong đó lợi nhuận khoảng hơn 300 triệu đồng.
Nói về quy trình nuôi ong, anh Hải cho biết: Mùa lấy mật là vào khoảng từ tháng giêng tới tháng 7 (âm lịch). Trong thời gian này, ong được đưa đến các cánh rừng tự nhiên có nhiều hoa và thảm thực vật phong phú, hoặc các khu vườn nhãn để ong tích mật. Trung bình vào mùa, cứ 20 ngày sẽ quay mật một lần. Trung bình mỗi thùng sẽ quay được 2-3 lít/1 lần. Mỗi đợt gia đình anh thu về khoảng 500-600 lít mật. Hết mùa lấy mật, vào khoảng tháng 8 đến cuối năm là thời gian dưỡng ong. Trong thời gian này, sẽ không thu mật. Công việc nuôi ong không khó, nhưng nó yêu cầu người nuôi phải tỉ mỉ và am hiểu về các đặc tính của ong như: xây tổ, chia đàn. Ngoài ra, cũng cần có sự hiểu biết sâu về các loài hoa, mùa ong đi lấy mật. Loại cây để ong lấy mật tốt nhất là cây nhãn, vải và các loại mật ở lá cây keo, cây bạch đàn... Thời điểm rộ mật nhất là tháng 4 và tháng 5, chất lượng mật thời điểm này cũng được đánh giá là tốt và đẹp nhất trong năm.
Để nâng cao giá trị sản xuất cho nghề nuôi ong, Định Hải đã phối hợp với Hội Làm vườn thị xã Nghi Sơn, định hướng các hộ nuôi đúng quy trình kỹ thuật, nhằm đảm bảo chất lượng mật. Bên cạnh đó, để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho các hộ nuôi, hội Làm vườn cũng phối hợp với xã và các hộ, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, chuyển giao kỹ thuật nuôi ong theo hướng thâm canh, tăng năng suất, sản lượng mật cho đàn ong. Định hướng cho các hộ thực hiện quy trình nuôi ong theo tiêu chuẩn Vietgap.
Cùng với việc xây dựng một mô hình nuôi đạt chuẩn, xã Định Hải, Hội làm vườn và các hộ nuôi đã liên kết và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Quy trình lấy mật cũng được thực hiện chặt chẽ hơn. Mật ong sau khi quay ra sẽ được thu mua lại, đưa vào máy lọc mật để tách lọc tạp chất, giúp mật không bị lên men, không bị biến màu và đậm đặc hơn. Với thương hiệu Mật ong rừng Am Các, được kiểm định và có giấy chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm, có mã vạch truy xuất nguồn gốc và thời hạn bảo hành cụ thể trên nhãn hiệu, sẽ là cơ hội để sản phẩm của bà hòa nhập với thị trường, trở thành một sản phẩm hàng hóa thực sự. Được biết, mật ong rừng Am Các đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để được chứng nhận là sản phẩm OCOP.
Trên cơ sở hiệu quả từ mô hình nuôi ong lấy mật trên địa bàn xã, ông Nguyễn Văn Thơ- Phó chủ tịch xã Định Hải khẳng định: Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí thấp, lại là địa phương có thuận lợi về môi trường và điều kiện nuôi, nên trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục khuyến khích các hộ nuôi nhân đàn, nhân rộng và phát triển mô hình, với mục tiêu đưa mật ong của xã nhà thành một thương hiệu đặc sản của địa phương.
Ngọc Lâm