![]() |
Các phóng viên tham quan cổng chính Thành Nhà Hồ. |
Tham quan Thành Nhà Hồ, di sản văn hóa thế giới, các phóng viên, nhà báo địa phương và Trung ương đóng tại địa bàn Thanh Hóa đã được nghe cán bộ Trung tâm Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ giới thiệu về ngôi thành cổ độc đáo này.
Thành Nhà Hồ, thuộc địa bàn xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc (còn được gọi là thành Tây Giai, thành An Tôn), do Hồ Quý Ly, người lập nên Vương triều Hồ (năm 1400 - 1407). Trải hơn 600 năm tồn tại, hầu hết kiến trúc của thành đã bị phá hủy, nhưng bốn bức tường thành cùng bốn cổng chính: Đông, Tây, Nam, Bắc được ghép bằng những phiến đá lớn nặng hàng chục tấn vẫn còn gần như nguyên vẹn, sừng sững trường tồn bất chấp những biến thiên của lịch sử và sự tàn phá của thời gian.
Được xem là kiệt tác kiến trúc từ đá của nhân loại, ngày 27/6/2011, tòa thành đá kỳ vĩ, độc đáo, còn lại duy nhất của Đông Nam Á này đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
![]() | ||
|
Để khai thác và phát huy giá trị độc đáo của Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, xây dựng nơi đây thành điểm du lịch với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, gắn với tài nguyên mang đặc trưng của vùng đất và con người Tây Đô. Trong những năm qua, được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng nỗ lực tự thân, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, (cùng với làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo di tích) đã xây dựng, đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch được du khách ưa thích. Trong đó có khu trưng bày “Không gian văn hóa nông nghiệp vùng Tây Đô”, trưng bày và giới thiệu các nông cụ sản xuất nông nghiệp, đồ dùng sinh hoạt thủ công, truyền thống gắn với văn hóa lúa nước, với đời sống, sinh hoạt của người nông dân từ xa xưa của làng quê Việt Nam.
Cùng với giới thiệu về văn hóa nông nghiệp, Trung tâm cũng tổ chức trưng bầy các di vật, hiện vật, hình ảnh về Vương triều Hồ thu thập được từ các cuộc khai quật khảo cổ học. Qua đó, nêu bật giá trị toàn cầu của Di sản Thành Nhà Hồ đối với nhân loại. Đồng thời tổ chức “Không gian trưng bày hiện vật ngoài trời”; trưng bày “mô hình súng thần công và những cải cách của Triều Hồ; “không gian trưng bầy đá xây thành” ... vừa giúp du khách hiểu thêm về di sản, vừa tạo nên những điểm "check in" thú vị cho du khách.
![]() | ||
|
Đáng chú ý, đến đây du khách còn có thể thực hiện các tuyến, điểm tham quan bằng xe điện từ khu trung tâm đến các điểm tham quan phụ cận, bao gồm các tuyến: Thành Nhà Hồ - Về miền di sản; Thành Nhà Hồ - Các làng nghề truyền thống; Thành Nhà Hồ - Tâm linh vùng đệm; Thành Nhà Hồ - Di tích và thắng cảnh vùng đệm. Tham gia các tuyến du lịch này, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị, khó quên khi được tận mắt chiêm ngưỡng những công trình tín ngưỡng, đình, đền, miếu, mạo, các ngôi làng truyền thống vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, những con đường cổ, dấu vết chợ cũ, bến sông, thắng tích gắn với những câu chuyện, giai thoại lịch sử, dã sử vừa hư vừa thực ... từ đó, hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, vùng đất và con người xứ Thanh nói chung và vùng đất cổ Vĩnh Lộc nói riêng.
![]() |
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Nam phát biểu tại buổi làm việc |
Là địa phương có Di sản Thành Nhà Hồ, vùng đất cổ nổi tiếng về truyền thống văn hóa, lịch sử và giàu truyền thống cách mạng. Trong những năm qua, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Lộc đã nỗ lực đoàn kết, phấn đấu đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Đặc biệt, trong giai đoạn 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 -2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân của huyện đạt 6,54%. Quy mô giá trị sản xuất năm 2025 ước đạt 11.572 tỷ đồng, gấp 1,58 lần năm 2020; thu nhập bình quân đầu người đạt 71,31 triệu, vượt 6,31 triệu đồng so với mục tiêu đại hội.
Chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển đô thị và công tác chuyển đổi số đạt hiệu quả cao. Dự kiến cuối năm 2025, toàn huyện có 6 xã đạt Nông thôn mới nâng cao, 2 xã Nông thôn mới kiểu mẫu, 44 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ đô thị hóa đến cuối năm 2025 ước đạt 25,4%, vượt mục tiêu đại hội và tăng 3 lần năm 2020.
Tại cuộc làm việc sau buổi tham quan Thành Nhà Hồ, lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Lộc, lãnh đạo Trung tâm bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đã trao đổi, trả lời một số phóng viên về công tác phát triển du lịch, phát huy, tôn tạo di sản Thành Nhà Hồ, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên lề chương trình, trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập về chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn về nhà ở, lãnh đạo UBND huyện Vĩnh lộc cho biết, theo thống kê toàn huyện có trên 60 nhà tạm, dột nát cần xây mới, sửa chữa nâng cấp. Cho đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành toàn bộ 55 căn nhà xây mới, sửa chữa nâng cấp 15 nhà. Cùng với đó, chương trình hỗ trợ nhà ở cho Người có công (123 căn xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp) cũng được triển khai thực hiện đạt kết quả cao. Hiện ngoài số nhà đã hoàn thành, số còn lại đã huy động đủ nguồn vốn hỗ trợ (ngoài kinh phí hỗ trợ của nhà nước), hiện đang chờ quyết định phê duyệt để tổ chức khởi công. |