Thăng hoa cảm xúc và kết nối doanh nghiệp - doanh nhân

00:00 12/10/2020

Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2018), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Hội diễn “Nghệ thuật Doanh nhân - Doanh nghiệp toàn quốc” lần thứ VIII - năm 2018 vào trung tuần tháng 10. Đây là một hoạt động đã được Hiệp hội duy trì liên tục 7 năm qua và nó đã trở thành hoạt động thường niên, động viên, thúc đẩy phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật trong các doanh nghiệp và doanh nhân trên khắp cả nước; trở thành một sân chơi mới đầy hấp dẫn, thu hút ngày càng đông đảo doanh nhân, doanh nghiệp tham gia. Đồng thời, đây cũng là nơi giao lưu, tạo sự liên kết, mở ra nhiều hướng hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp.

Trước thềm diễn ra sự kiện, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã có cuộc trao đổi với TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Hội diễn “Nghệ thuật Doanh nhân - Doanh nghiệp toàn quốc” lần thứ VIII - năm 2018.

Xuất phát từ ý tưởng, mục đích như thế nào để Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam xây dựng và tổ chức Hội diễn “Nghệ thuật doanh nhân, doanh nghiệp toàn quốc” và nó đã trở thành hoạt động thường niên của Hiệp hội ?

TS Tô Hoài Nam: Ở mỗi một doanh nghiệp, ngoài việc tập trung cho đầu tư, sản xuất kinh doanh thì đời sống văn hóa tinh thần là một trong những nội dung mà doanh nghiệp rất quan tâm. Đời sống trong văn hóa được biểu hiện qua cách ứng xử giữa đối nội giữa các thành viên trong doanh nghiệp với nhau; qua việc tham gia các phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ. Trong thế giới hiện đại ngày nay, chúng ta thấy tất cả mọi đối tượng đều có nhu cầu được giao lưu, được hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao... Doanh nhân và doanh nghiệp cũng không nằm ngoài đối tượng đó.

Chính vì nhận thức được điều đó, từ năm 2010, cơ quan Trung ương Hội đã tổ chức Hội diễn Nghệ thuật doanh nhân, doanh nghiệp trên quy mô toàn quốc. Với cương vị và trách nhiệm của Trưởng Ban Tổ chức, trong suốt 7 năm qua, tôi thấy, mỗi năm về số lượng các đoàn tham gia đều đông hơn, số lượng tiết mục dự thi nhiều và qui mô lớn hơn, trình độ nghệ thuật được nâng cao hơn, tính chuyên nghiệp được tăng lên, đặc biệt là những ý tưởng sáng tạo. Đây là việc làm rất ý nghĩa và chúng tôi hy vọng qua mỗi đợt tham gia hội diễn như vậy, các doanh nghiệp sẽ tạo được một sung lực mới, một tinh thần mới, hăng say hơn, nó tác động tích cực đến toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hình ảnh của các doanh nghiệp Việt Nam qua mỗi hội diễn đều toát lên ý nghĩa: doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ biết làm kinh tế giỏi mà còn rất yêu văn hóa, nghệ thuật, say mê ca hát và hát, diễn cũng rất hay. Cũng qua những dịp như vậy, các doanh nhân, doanh nghiệp có cơ hội mở rộng giao lưu, liên kết hơn. Mặt khác, trong cách ứng xử của bản thân mỗi doanh nhân, của từng doanh nghiệp cũng mang một dáng vẻ mới, mang tính nhân văn hơn, hiện đại hơn. Những yếu tố đó tác động rất tích cực đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hiệp hội DNNVV Việt Nam
trong phần khai mạc Chương trình Hội diễn lần thứ VII.

Với vai trò Trưởng Ban Tổ chức có thâm niên 7 năm, xin ông chia sẻ: Hội diễn “Nghệ thuật doanh nhân, doanh nghiệp toàn quốc” lần thứ VIII - năm 2018 có gì khác biệt so với những lần trước đó ?

TS Tô Hoài Nam: Điểm khác biệt đầu tiên của Hội diễn năm nay là, vòng loại sơ khảo sẽ được tổ chức ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. Do số lượng đoàn đăng ký tham gia quá đông, tiết mục nhiều hơn, quy mô lớn hơn,  nếu chỉ tổ chức một nơi như mọi năm sẽ quá tải về quy mô, khối lượng… như vậy sẽ là áp lực cho công tác chuẩn bị đối với Ban Tổ chức, về phía cơ sở các doanh nghiệp cũng vất vả hơn. Vì vậy, chúng tôi quyết định tổ chức vòng loại sơ khảo ở 3 miền để giảm tải khâu tổ chức do sự dồn tụ số lượng về một nơi, và cũng là giảm bớt gánh nặng về chi phí cho các đoàn tham gia.

Khác biệt thứ hai là, các tiết mục tham gia dự thi phong phú, đa dạng hơn. Ví dụ, năm nay có thi trình diễn trang phục của doanh nhân doanh nghiệp; trang phục về ngành nghề; trang phục các dân tộc … rất sát với tình hình thực tiễn. Đây cũng là một dịp để doanh nghiệp, doanh nhân được phô diễn những bộ trang phục rất đẹp, mang đặc trưng của nghề nghiệp, thể hiện văn hóa vùng miền. Điều này cũng mang ý nghĩa đặc biệt. Ví dụ, trang phục các dân tộc đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch rất có ý nghĩa đối với bạn bè quốc tế, khách du lịch trong nước và khách quốc tế...

Khác biệt thứ ba là, quy mô truyền thông lớn hơn. Năm nay, Ban Tổ chức tập trung cho công tác tuyên truyền qua các kênh báo chí và truyền thông, trên nhiều hệ thống nhằm tạo được tiếng vang và để lại ấn tượng về sự kiện này trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng đã có kế hoạch tuyên truyền trước, trong và sau hội diễn. Tuyên truyền trước Hội diễn là nhằm tạo khí thế cho các doanh nhân doanh nghiệp có đà, có niềm cảm hứng để tập luyện kỹ lưỡng và tham gia thi diễn thật tốt. Tuyên truyền trong và sau hội diễn cho những tiết mục suất sắc để qua đó đảm bảo các doanh nhân doanh nghiệp đoạt giải sẽ được quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp mình. Chúng ta đều biết điều đó là rất ý nghĩa.

Tiết mục văn nghệ được diễn tại Hội diễn nghệ thuật Doanh nhân - Doanh nghiệp toàn quốc” tổ chức lần thứ VII

Điểm khác biệt nữa là, năm nay chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức truyền hình trực tiếp đêm chung kết và trao giải. Đối với vòng sơ khảo thì tổ chức truyền hình trực tiếp và phát lại ở các đài địa phương. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện hình thức này. Trước đây chỉ tổ chức quay, thu băng và phát lại. Việc truyền hình trực tiếp sẽ là kênh quảng bá rộng rãi để đông đảo công chúng biết về cuộc thi này. Ban Tổ chức rất tự tin, mặc dù truyền hình trực tiếp là rất khó, nhưng sẽ không thể nhầm lẫn kết quả được. Chúng tôi cũng rất tự tin là các đoàn nghệ thuật doanh nhân doanh nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu này. Đây cũng là một mốc tiến, khẳng định chất lượng, đẳng cấp.

Được biết, giải thưởng sẽ là Bằng khen của Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao & Du lịch. Ông có thể chia sẻ thêm về quy mô giải thưởng trong Hội diễn lần này?

TS Tô Hoài Nam: Quy mô giải thưởng, phần thưởng là vinh dự rất lớn cho các đoàn tham gia hội diễn. Cũng như mọi năm, Hiệp hội phối hợp với Bộ Văn hóa để trao giải. Nhưng phải khẳng định đây là giải thưởng do Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao & Du lịch trao. Và giải thưởng sẽ được lựa chọn rất kỹ từ Ban Giám khảo.

Thành viên Ban giám khảo là những nghệ sĩ gạo cội, có chất lượng rất cao, được mời từ các lĩnh vực âm nhạc, kịch, thanh nhạc… để đảm bảo các tiết mục biểu diễn là do các chuyên gia đánh giá.

Chúng tôi luôn khuyến khích và đánh giá cao các tiết mục tự biên, tự diễn, các tiết mục có ý tưởng sáng tạo. Trong các cuộc thi, một trong những cái khó nhất là thiết lập sự công tâm. Ở Hội diễn này, với tư cách và trách nhiệm của Trưởng Ban Tổ chức, chúng tôi đã phối hợp với Ban Giám khảo làm việc hết sức công tâm. Rất nhiều trường hợp như thuê diễn viên chuyên nghiệp của các tỉnh hoặc các đơn vị nghệ thuật đã bị chúng tôi phát hiện và không công nhận kết quả… Thật ra, cũng là do tâm lý đi thi, doanh nghiệp nào cũng mong được ẵm giải. Qua đó, cũng là bài học để các ứng viên đăng ký tham gia lấy đó rút kinh nghiệm, không để xảy ra những tình huống tương tự.

Những người lính trên mặt trận kinh tế cất cao lời ca, tiếng hát để giữ vững niềm tin vượt qua khó khăn, thách thức.

Ông có kì vọng gì về chương trình Hội diễn lần này ?

TS Tô Hoài Nam: Chúng tôi cũng không đặt nặng vấn đề kỳ vọng về quy mô tổ chức hoặc giải, nhưng mong muốn qua hội diễn lần này sẽ tạo được niềm cảm hứng cho các doanh nhân, doanh nghiệp và những người làm công tác Hội từ trung ương đến địa phương; là liều thuốc tinh thần tác động tích cực đến công việc sản xuất kinh doanh hằng ngày của doanh nhân, doanh nghiệp và những người lao động trong các doanh nghiệp.

Tôi cũng hy vọng rằng sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các doanh nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội địa phương. Hy vọng là Hội diễn lần này sẽ có nhiều tiết mục mới, hay hơn, ý nghĩa hơn. Nó không chỉ là tình yêu đơn thuần đối với nghệ thuật mà qua đó tác động vào tình yêu quê hương, đất nước, nâng lên thành ý thức trách nhiệm của doanh nhân doanh nghiệp Tổ quốc, đặc biệt với vấn đề chủ quyền lãnh thổ, ví dụ như tình yêu, trách nhiệm đối với biên cương, biển, đảo Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu… đấy là cái mong muốn, là cái đích mà Hội diễn hướng đến.

Qua đó, giữa các doanh nhân doanh nghiệp sẽ có sự gắn kết hơn, chia sẻ, hỗ trợ nhau nhiều hơn, tạo nên sức mạnh chung để doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của mình. Đặc biệt với các doanh nghiệp là hội viên của Hội sẽ đóng góp tích cực để góp phần xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế.

Qua Hội diễn giữa các doanh nhân doanh nghiệp sẽ có sự gắn kết hơn, chia sẻ, hỗ trợ nhau nhiều hơn, tạo nên sức mạnh chung để doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của mình

Đã nhiều năm ở vai trò Trưởng Ban Tổ chức Hội diễn, ông đánh giá thế nào về hiệu ứng của doanh nghiệp, doanh nhân đối với hoạt động này ?

TS Tô Hoài Nam: Tôi đánh giá tất cả 7 lần tổ chức đã qua đều rất thành công. Vì sao tôi khẳng định điều đó? Bởi vì tôi đã đi thực tế trước mỗi dịp hội diễn.

Thứ nhất, ở các doanh nhân doanh nghiệp đã tổ chức luyện tập rất sôi nổi, coi nó như là một ngày hội. Qua sinh hoạt văn nghệ, mọi người đều thấy có sự gắn bó với nhau trong từng doanh nghiệp, không còn sự phân biệt khoảng cách giữa người lãnh đạo, quản lý với người lao động. Nó làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn.

Thứ hai, doanh nhân rất thích hát, rất say mê sinh hoạt văn nghệ và tôi cảm nhận được qua mỗi lần giao lưu như thế, người ta như được tiếp thêm những năng lượng mới. Đây là yếu tố cơ bản để tạo nên  hiệu ứng chung. Hội diễn năm nào cũng thế, do thời gian có hạn nên Ban Tổ chức đều phải yêu cầu các đoàn rút gọn chương trình. Nhiều vị giám khảo đã từng nhận xét: có nhiều doanh nhân khi thể hiện bài hát còn có cảm xúc hơn cả ca sĩ chuyên nghiệp bởi sự hồn nhiên, trong sáng. Và vì có nhiều bài hát về nghề nghiệp, chẳng hạn ca khúc có tên Bài ca Xây dựng khi doanh nhân làm nghề xây dựng hát một cách say mê, hát bằng cả nhiệt huyết của trái tim họ, khi mình nghe lại cảm nhận được sự mới mẻ, thấy khác lạ; hoặc những ca khúc về quê hương đất nước, về tình yêu đôi lứa, hoặc những làn điệu dân ca các vùng miền - nơi họ sinh ra và lớn lên, gắn bó, nên khi thể hiện có những xúc cảm rất mới lạ… Đó là điều điều động viên tất cả những người tham gia hội diễn và cả Ban Tổ chức cũng như Ban Giám khảo.

Những Hội diễn trước đó đều được tổ chức thành công

Nhìn chung, sự đánh giá này không chỉ từ Ban Tổ chức mà còn có sự đánh giá từ phía cộng đồng doanh nghiệp, hơn cả là từ phía những người có chuyên môn cao nhất, đó là Ban Giám khảo. Tất cả cái đó nó tạo nên hiệu ứng tích cực mà Ban Tổ chức mong muốn, qua đó tạo nên được tình đoàn kết, chia sẻ trong công việc hàng ngày, tạo sự gần gũi hơn trong hoạt động kinh doanh.

Một yếu tố nữa làm nên sự thành công của các lần tổ chức Hội diễn mà tôi cảm thấy rất hài lòng, đó là sự tự nguyện tham giá của tất cả các đoàn. Họ rất là say mê và chính sự hồn nhiên, vô tư đó tạo nên thành công, kể cả về mặt nghệ thuật chứ không phải chỉ thành công về mặt phong trào.

Bên cạnh những thành công tuyệt vời thì cũng còn có những hạn chế. Đó là tình trạng các đoàn thường ham, xây dựng quá nhiều tiết mục, đầu tư dàn trải nên nhiều tiết mục cũng chuẩn bị chưa kỹ, làm cho nhiều đoàn bối rối. Lẽ ra, nên lựa chọn một vài tiết mục để tập trung đầu tư tập luyện kỹ lưỡng sẽ đạt được chất lượng tốt hơn để có thể được giải cao.  

Mặt khác, do chủ đề rất rộng, nhiều đoàn không đọc kỹ quy chế của Hội diễn, cái đó cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng, dẫn đến sự tiếc nuối.

Đỗ Thảo