Elon Musk đã dành những lời “có cánh” về việc đổi tên mạng xã hội Twitter sang “X” và biến nó thành một “ứng dụng mọi thứ” có khả năng xử lý các hoạt động tài chính cho người dùng, và sắp tới ông đã đặt ra một thời hạn chót đầy tham vọng cho kế hoạch đó.
“Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ thêm vào tính năng liên lạc toàn diện và khả năng điều hành toàn bộ thế giới tài chính của các bạn”, Musk viết trên Twitter trong mới đây, trước khi đổi tên nó thành X.
Mặc dù ý tưởng về một siêu ứng dụng rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp muốn mở rộng thêm nhiều cách để kiếm tiền và tăng số lượng người dùng, nhưng thực hiện nó không là một điều dễ dàng – kể cả trong khoảng thời gian dài cả năm.
Hiện chưa một ứng dụng nào ở Mỹ được coi là ‘super app’ thành công, dù cho chúng được nhắc tới rất nhiều.
Tại Trung Quốc, trải nghiệm đầu tiên của hầu hết người dùng đối với Internet là trên thiết bị di động. Theo Feifei Liu, nhà nghiên cứu thuộc công ty tư vấn trải nghiệm người dùng Nielsen Norman Group, người dùng khi đó không hề kỳ vọng về một siêu ứng dụng, song sự bùng nổ của WeChat cũng như những chiếc điện thoại thông minh tại đại lục đã làm nên kỳ tích.
‘Tượng đài’ thành công duy nhất này chính là sự giao thoa giữa ứng dụng nhắn tin và phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm gọi xe, thanh toán di động đến các dịch vụ chính phủ. Tính đến tháng 7/2022, WeChat sở hữu gần 1,3 tỷ người dùng, chủ yếu ở Trung Quốc.
Theo WSJ, định nghĩa “siêu ứng dụng” còn khá mờ nhạt. Cụm từ được các công ty và nhiều nhà lãnh đạo sử dụng để mô tả trạng thái nhồi nhét thật nhiều các tính năng trong cùng một ứng dụng, qua đó khiến chúng trở nên khác biệt hẳn so với chức năng cốt lõi. Đây cũng chính là cách để các ông lớn giành được lợi thế trong cuộc đua thu hút người dùng, với mong muốn chiếm được nhiều thời gian, sự chú ý và tiền bạc nhất có thể.
Ví dụ, một siêu ứng dụng công nghệ tài chính có thể bắt đầu bằng các khoản thanh toán hoặc mua ngay trả sau… Đối với các phương tiện truyền thông xã hội, đây có thể là nơi tích hợp nhiều tính năng mua sắm, còn trong lĩnh vực giao hàng và gọi xe, siêu ứng dụng lại ám chỉ các phương thức vận tải và hàng hóa mới.
“WeChat xuất hiện ở một quốc gia mong muốn số hóa thông qua chiếc điện thoại thông minh. Điều đó có nghĩa là không có bất kỳ sự cạnh tranh nào từ các trang web truyền thống hay ngân hàng như thẻ tín dụng hoặc mạng xã hội thay thế”, nhà phân tích Ben Thompson nói.
Không sai khi gọi WeChat là siêu ứng dụng bởi với gần cả tỷ người dùng, WeChat Pay của WeChat và Alipay chi phối cuộc sống của hơn 1 tỷ triệu dân. Ở Trung Quốc, người ta chỉ sợ hết pin điện thoại chứ không sợ hết tiền.
WeChat có rất nhiều tiện ích. Với mã quét QR của WeChat Pay kết nối với tài khoản ngân hàng, ở bất cứ nơi đâu, người dùng cũng có thể đóng tiền điện nước, thuế, gọi xe, đặt phòng, đặt tour du lịch, mua vé máy bay, mua sắm, mua vé xem phim, mua đồ ăn giao tận nhà, bốc số khám bệnh, chọn bệnh viện, vay tiền trên mạng, gửi ngân hàng, đầu tư tài chính, chứng khoán….
Khi hết tiền, người dùng chỉ cần ra cây ATM gần nhất nạp tiền mà không cần đến ngân hàng. Khi không còn tiền, chỉ cần gọi điện thoại cho bạn bè, chuyển ngay cho bạn mà không tốn phí gì với số tiền chi tiêu vừa phải.
WeChat Pay góp phần thúc đẩy xã hội không tiền mặt, không dùng giấy vì hiện nay, vé tàu xe, máy bay toàn vé điện tử. Tại Trung Quốc, số điện thoại di động, tài khoản WeChat phải chính chủ, chính danh để đảm bảo kẻ gian không dùng công nghệ đánh cắp tiền hay có những hành vi khác.
Với sự nổi tiếng và thành công của siêu ứng dụng WeChat tại Trung Quốc, có nhiều giả thiết được đưa ra để lý giải tại sao một siêu ứng dụng chưa xuất hiện ở phương Tây. Một trong số đó là, vào thời điểm mà khái niệm này phổ biến ở châu Á, người tiêu dùng phương Tây vốn đã quen với việc sử dụng một loạt ứng dụng và website khác nhau, theo Yory Wurmser, chuyên gia phân tích đến từ hãng Insider Intelligence. Thẻ tín dụng cũng phổ biến hơn ở phương Tây, bởi vậy nên dịch vụ thanh toán di động không quá cần thiết.
Điều đó khiến cho việc thay đổi hành vi người dùng trở nên khó khăn hơn. “Bạn không thể tạo thêm sự tiện lợi bằng cách tích hợp tất cả những thứ khác nhau vào một nền tảng duy nhất”, Wurmser nói.
Một thách thức khác là gia nhập lĩnh vực dịch vụ tài chính đồng nghĩa với việc công ty của tỉ phú Elon Musk phải tuân thủ thêm các quy định pháp lý. Nhiều công ty cho vay hoặc chuyển tiền đã lọt vào tầm kiểm soát của một số cơ quan cấp bang và liên bang, và họ đối diện với nhiều khoản tiền phạt vì không tuân thủ các quy định về chống rửa tiền và hoàn trả chi phí gian lận cho người dùng.
Trong vài tháng qua, Twitter đã đệ đơn xin giấy phép ở nhiều bang của Mỹ để hoạt động như một bên chuyển tiền, theo một số nguồn tin hiểu về vấn đề này. Những giấy phép đó sẽ cho phép nền tảng này lưu trữ và chuyển tiền cho người dùng.
Tính đến hiện tại, công ty này đã nhận được giấy phép ở ít nhất 4 bang, theo Hệ thống Cấp phép đa bang Toàn quốc: Arizona, Michigan, Missouri và New Hampshire. Mặc dù đây là một khởi đầu, nhưng việc xin giấy phép trên khắp lãnh thổ Mỹ có thể mất ít nhất 1 năm hoặc hơn.
CEO của Twitter, bà Yaccarino, tuyên bố, X sẽ là "nơi tương tác không giới hạn, tạo nên một thị trường toàn cầu của ý tưởng, hàng hóa, dịch vụ và các cơ hội".
Tuy nhiên, thách thức với X cũng là vô vàn. Ngoài việc phải mất nhiều thời gian xây dựng mới bắt đầu có lời thì X sẽ phải đối mặt với rất nhiều đối thủ là các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số đã có mặt sẵn trên thị trường Âu, Mỹ.
Còn ngay trước mắt, khi X vừa mới làm được bước đầu tiên là công bố logo, hiện đã có hàng trăm công ty, trong đó có Meta và Microsoft, có quyền sở hữu trí tuệ đối với chữ X. Có khả năng Elon Musk sẽ phải chịu các vấn đề phức tạp về pháp lý khi bảo vệ thương hiệu X trong tương lai.
Ngoài X, rất nhiều công ty đã công bố thêm nhiều tính năng hoặc kế hoạch đối với việc xây dựng siêu ứng dụng toàn năng, trong đó có Meta. Tập đoàn này đã tích cực bổ sung các tính năng mới cho Instagram, giúp người dùng có thể mua sắm ngay trên ứng dụng. Mạng xã hội Facebook cũng có động thái tương tự khi ra mắt tính năng Trò chơi (hồi năm 2018), Hẹn hò (hồi năm 2019) và Podcast (hồi năm 2021).
Vào năm 2019, Facebook còn tiết lộ một dự án tiền số có tên Libra (sau đó được đổi tên thành Diem) giúp hàng tỷ người dùng dù không có tài khoản ngân hàng vẫn có thể dễ dàng thanh toán các giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, tham vọng nhanh chóng sụp đổ. Các cơ quan quản lý trên khắp thế giới lo ngại rằng dự án có thể bị lạm dụng rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Các nhà lập pháp còn mời Mark Zuckerberg lên điều trần về lý do tại sao người dùng lại có thể tin tưởng gửi tiền của họ cho Facebook. Dự án này chính thức khép lại vào đầu năm 2022.
“Chuyển tiền ra và vào các quốc gia khó khăn hơn nhiều so với bạn tưởng tượng”, Morgan Beller, cựu nhân viên Facebook, đồng sáng lập đồng Libra, nói.
Beller nói rằng X có thể có cơ hội bởi Musk dự định vận hành công ty này như một startup, bất chấp thực tế - nó là một nền tảng có hàng trăm triệu người dùng rồi.
“Công ty đó đang được điều hành bởi một gã cao bồi sẵn sàng đòi hỏi người khác tha lỗi, chứ không cần xin phép”, Beller nói.
Tú Anh (t/h)