Người tiêu dùng và đối tác tiếp thị gặp khó khi Temu tạm dừng hoạt động tại Việt Nam |
Người tiêu dùng và đối tác tiếp thị đồng loạt "tháo lui"
Mới đây, anh Nhật Trường (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã bất ngờ nhận được thông báo của sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới Temu rằng: "Xin lỗi! Do bất khả kháng và các điều kiện khác, gói hàng của bạn có thể bị chậm trễ. Chúng tôi sẽ cập nhật theo dõi mới nhất sau khi hoàn tất". Anh Nhật Trường chia sẻ, trước đây thấy bạn bè giới thiệu rầm rộ nên cũng thử đặt một đơn hàng trị giá gần một triệu đồng trên Temu từ đầu tháng 11 để xem chất lượng thế nào nhưng đến nay, sang tháng 12 rồi mà vẫn chưa thấy hàng đâu, cho đến khi kiểm tra thì nhận được thông báo trên.
Những ngày gần đây, cũng có khách hàng được báo rằng hàng hóa đã bị thất lạc. Chị Phương Thảo (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết: "Sau thời gian đợi hàng quá lâu, tôi đã thử hủy đơn và yêu cầu hoàn tiền, nhưng tiền lại chỉ được trả vào ví trên ứng dụng Temu, chứ không chuyển về tài khoản ngân hàng. Giờ không dám mua gì thêm vì cũng không chắc có rút được số tiền đó ra không".
Hiện tại, nhiều người dùng tại Việt Nam cho hay, họ có đơn hàng đã đặt trên Temu nhưng chưa được giao. Thậm chí, có người đã thanh toán trước đơn hàng nhưng chưa nhận được hàng, đã khiếu nại tới Temu nhưng chưa nhận được phản hồi.
Không chỉ khách hàng như anh Trường hay chị Thảo gặp khó khăn, mà ngay cả những người làm tiếp thị liên kết cho Temu cũng bắt đầu cảm thấy lo lắng. Vào tháng 10, khi Temu mới vào Việt Nam và thu hút sự chú ý lớn, nhiều người đã năng nổ tham gia quảng bá, chia sẻ link giới thiệu với hy vọng kiếm thêm thu nhập nhờ mức hoa hồng hấp dẫn của nền tảng.
“Tôi từng hào hứng mời gọi bạn bè đặt hàng qua link giới thiệu, nhưng giờ lại thấy phát sinh nhiều vấn đề. Link giới thiệu của tôi gần đây thường bị lỗi, khách bấm vào không mua được hàng như trước. Điều này khiến tôi mất đi khá nhiều cơ hội kiếm hoa hồng,” chị Mai Hà, một người làm tiếp thị liên kết cho sàn thương mại Temu cho biết.
Trước thông tin Temu đang bị tạm dừng hoạt động tại Việt Nam, không ít người làm tiếp thị liên kết cho sàn này đã âm thầm rút lui. Nhiều người trong số họ cảm thấy việc gắn bó lâu dài với một nền tảng chưa đăng ký hợp pháp ở Việt Nam là rủi ro.
Giao diện Temu bằng tiếng Việt trước khi chuyển hết sang tiếng Anh trên cả ứng dụng lẫn website. |
Chính thức tạm dừng cung cấp dịch vụ bán hàng tại thị trường Việt Nam
Trước diễn biến này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu đã tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam sau khi làm việc với Bộ Công Thương và được Bộ yêu cầu.
Hiện các đơn hàng mua trên sàn Temu không được làm thủ tục pháp lý để thông quan vào Việt Nam. Chỉ khi nào được Bộ Công Thương cấp phép, cơ quan Hải quan mới thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn này.
Temu (Trung Quốc) đã hiện diện trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam từ tháng 9-2024 và thu hút nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên sau đó sàn này bị phát hiện chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh để yêu cầu các nền tảng TMĐT xuyên biên giới rà soát và thực hiện các trách nhiệm của nền tảng số trung gian đối người tiêu dùng tại Việt Nam.
Đối với người tiêu dùng, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo không nên hoang mang nếu đã đặt hàng ở Temu trước đó, bởi nếu quá thời hạn mà chưa giao hàng, sàn Temu phải có nghĩa vụ chuyển trả lại tiền cho người mua.
Temu hiện đã chuyển hoàn toàn ngôn ngữ giao diện từ tiếng Việt sang tiếng Anh trên cả ứng dụng lẫn website. Hiện, người dùng tại Việt Nam chỉ có 3 lựa chọn ngôn ngữ là tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp.
“Temu sẽ tiếp tục hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt khi quá trình đăng ký hoàn tất”, Temu thông báo, đồng thời cho biết vẫn đang hợp tác với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Bộ Công Thương để đăng ký dịch vụ TMĐT tại Việt Nam.
Hồi tháng trước, sàn có động thái nâng giá trị đơn hàng tối thiểu lên 887.000 đồng và giới hạn tối đa ở mức 1 triệu đồng. Nếu giá trị đơn hàng vượt quá 1 triệu đồng, sàn sẽ yêu cầu khách phải tách ra thành hai đơn hàng khác nhau với cùng điều kiện trên.
Theo lý giải từ phía sàn thương mại điện tử Temu, quy định trên giúp sàn có thể tiếp tục cung cấp nhiều mặt hàng với giá thấp hơn. Đồng thời bổ sung thêm mặt hàng, đáp ứng giá trị tối thiểu.
Theo ghi nhận, không ít khách đã mua và nhận hàng từ Temu đều cho biết chất lượng sản phẩm không đạt như kỳ vọng. Chưa kể Temu thông báo về việc giảm giá sâu, nhưng khi so sánh cùng mặt hàng đang bán trên các sàn khác đang hoạt động tại Việt Nam thì không quá chênh lệch.